Kiểm soát chặt sốt xuất huyết, tay - chân – miệng

30/03/2023 | 18:27 GMT+7

Xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan trong công tác giám sát và phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng (SXH, TCM); tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, cộng đồng.

Ngành, đoàn thể xã Vị Trung đến từng nhà tuyên truyền người dân nâng cao ý thức về bệnh SXH, TCM.

Ra quân đồng loạt thực hiện chiến dịch lớn

Xã Vị Trung có 7 ấp, từ sáng ngày 28-3, 7/7 ấp trong xã đã ra quân đồng loạt triển khai Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, Phòng chống bệnh SXH, TCM đợt 1, năm 2023. Nhanh tay cùng người nhà dọn dẹp cảnh quan, môi trường trước nhà, bà Nguyễn Thị Hợp, ở ấp 12, chia sẻ: “Tôi chặt nhỏ các vỏ dừa sau khi uống nước, sắp xếp củi phơi gọn gàng, dọn dẹp cây kiểng trong nhà cho sáng, đẹp, không um tùm… để muỗi không có nơi ẩn trú”.

Vừa tuyên truyền qua các phương tiện trực quan như phát tờ rơi, treo băng rôn, địa phương thành lập các tổ, kết hợp các ban, ngành, y tế ấp… xuống trực tiếp hỗ trợ người dân, gia đình neo đơn, người lớn tuổi, người dân đi làm ăn xa không có ở nhà để súc rửa các lu, hũ ứ đọng nước có lăng quăng, khơi thông cống rãnh, dọn dẹp cảnh quan, môi trường… Mỗi người đều chung tay vì sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Ông Trương Minh Hiệu, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp 12, cho biết: “Ấp chúng tôi từ đầu năm đến nay chỉ có 1 cas TCM, không ai bị bệnh SXH. Nhưng không thể chủ quan, chúng tôi đẩy mạnh việc tuyên truyền, quan trọng nhất là duy trì và nâng cao ý thức tự giác, chủ động phòng ngừa dịch bệnh của người dân”. 

Nhìn nhà cửa vừa sáng, sạch, đẹp, cây cối, hoa kiểng cắt tỉa gọn gàng, cảnh quan, môi trường thông thoáng, vệ sinh; vừa đẹp, vừa an toàn cho sức khỏe nên khi địa phương mở chiến dịch tuyên truyền, người dân nhiệt tình hưởng ứng. Cầm tờ rơi tuyên truyền “Những điều cần biết để phòng, chống bệnh TCM, SXH” do cán bộ ấp đến phát, ông Huỳnh Thanh Hùng, ở ấp 10, chia sẻ: “Nhắc nhở con cháu rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, cho trẻ ăn chín uống sôi, thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho con cháu. Rửa lu, dụng cụ chứa nước để không cho muỗi vằn vào đẻ trứng làm phát sinh lăng quăng, đã trở thành thói quen của chúng tôi”.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Ông Lê Văn Xay, ở ấp 12, cho biết: “Nhà có trẻ nhỏ nên công tác phòng chống bệnh SXH, TCM được quan tâm và rất ý thức bảo vệ con, cháu. Phòng bệnh là tốt nhất, gia đình tôi đốt nhang muỗi sớm, cho cháu ngủ trong mùng kể cả ban ngày, vệ sinh tay chân cho con trẻ thường xuyên để giảm tối đa nguy cơ nhiễm dịch bệnh SXH, TCM”.

Từ đầu năm 2023 đến nay, xã Vị Trung có 2 cas SXH, 1 cas TCM, qua quá trình điều trị và phát hiện bệnh sớm nên tất cả các trường hợp đều đã khỏi bệnh, sức khỏe tốt, công tác phun xịt, khử khuẩn được thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc, kịp thời. Để hạn chế đến mức thấp nhất số cas mắc và không có ca tử vong do SXH, TCM, xã đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để giám sát, ngăn chặn không để xảy ra dịch bệnh trong địa bàn. Ông Phạm Hiếu Vĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vị Trung, chia sẻ: “Thực hiện nhiệm vụ chung, chúng tôi tăng cường làm tốt công tác truyền thông, lợi thế của địa phương là ý thức người dân rất cao trong phòng, chống các loại dịch bệnh ở người nên các hoạt động vận động đều rất thuận lợi. Đi từng ngõ, gõ từng nhà nhắc nhở người dân phòng chống dịch tuy có cực nhưng chúng tôi biết là quan trọng, không vì lơ là mà để phát sinh ổ bệnh”.

Bên cạnh đó, 3 điểm trường mẫu giáo, tiểu học trong địa bàn đều tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền trong học sinh, phát loa trong giờ đưa rước các em để phụ huynh nắm thêm kiến thức phòng, chống dịch SXH, TCM. Bà Đào Thị Mộng Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vị Trung, bộc bạch: “Trong đợt chiến dịch cao điểm này, hàng ngày nhà trường đều tiến hành vệ sinh phòng lớp, lau Cloramin B mỗi cuối tuần, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ. Bên cạnh đó phát và treo các bảng tin tuyên truyền, tờ rơi ngay cổng trường, thực hiện các chuyên đề để mỗi giáo viên đều ý thức hơn việc giữ gìn và chăm sóc trẻ an toàn, phòng chống dịch bệnh chủ động”.

Ông Trần Trung Kiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Vị Trung, cho biết: “Không chủ quan, lơ là, chúng tôi đã yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, hội, tất cả các ấp, người dân trên địa bàn phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, tăng cường các biện pháp phòng bệnh SXH, TCM, khuyến cáo người dân khi nghi ngờ mắc bệnh, người dân đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; không tự điều trị tại nhà, thông báo cho cơ sở y tế khi gia đình có người mắc bệnh. Tích cực phối hợp ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị chống dịch để sẵn sàng ứng phó hiệu quả”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>