Huy động cộng đồng cùng phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

30/03/2023 | 18:25 GMT+7

Chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng đợt I năm 2023 đã được thực hiện đồng loạt trên phạm vi cả tỉnh với nhiều giải pháp nhằm tích cực huy động sự vào cuộc của người dân tham gia phòng, chống dịch.

Ông Lê Văn Chúc (phải), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, giám sát thực tế tại nhà dân về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy.

Truyền thông tăng cường cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Ghi nhận tại thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, các hoạt động tuyên truyền, vận động trong chiến dịch được triển khai  đồng loạt ở tất cả các ấp. Ông Lê Thanh Quan, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Xáng Mới C, cho biết: “Chúng tôi thành lập nhóm đi tuyên truyền, vận động ở từng nhà dân, đi liền kề từ nhà này sang nhà khác để hướng dẫn, động viên người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Kiểm tra lăng quăng dụng cụ chứa nước, vận động người dân thường xuyên kiểm tra lăng quăng trong vật dụng chứa nước ở gia đình mình và phát tờ rơi cung cấp kiến thức phòng bệnh cho mỗi nhà. Qua đó, để mọi người hiểu biết hơn về các dịch bệnh truyền nhiễm và biết cách dự phòng bệnh”.

Qua hoạt động truyền thông trực tiếp tại nhà hộ dân đã một lần nữa nhắc nhở người dân ý thức thực hiện phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Bà Bùi Tuyết Loan, ở ấp Xáng Mới C, thị trấn Rạch Gòi, bộc bạch: “Gia đình đó giờ đều sử dụng nước mưa dự trữ để uống, nước sinh hoạt bơm từ giếng khoan dự trữ trong lu, hũ, kiệu. Đa số các lu, kiệu đều đậy kín nắp, nhưng có 2 vật dụng đựng nước do sử dụng thường xuyên không đậy nắp, tôi sẽ chú ý”. Không chỉ có gia đình bà Loan, cán bộ ấp, Trạm Y tế thị trấn Rạch Gòi phối hợp tuyên truyền đến tất cả 302 hộ dân của ấp, phấn đấu đạt 100% hộ dân được cung cấp các kiến thức về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, mục tiêu này cũng được đề ra ở các ấp còn lại của thị trấn.

Qua thực tế vận động, kiểm tra vẫn còn dụng cụ chứa nước có lăng quăng, điều kiện vệ sinh môi trường sống, nhà ở chưa đảm bảo phòng dịch hiệu quả đây là trăn trở của các địa phương. Ông Chu Biên Cương, nhân viên y tế, Trạm Y tế phường IV, thành phố Vị Thanh, trao đổi: “Đa số hộ dân có ý thức, tuy nhiên vẫn còn một số nơi người dân chưa thật sự quan tâm khâu phòng dịch dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần, một phần nguyên nhân là do quá tất bật lo chuyện mưu sinh nên chưa ý thức được sự quan trọng, sự cần thiết phòng chống dịch”.

Tại các địa bàn khác, cũng có tình trạng lăng quăng sinh sôi ở các dụng cụ chứa nước người dân dùng rửa tay, chân, các vật dụng xung quanh nhà,… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Để chủ động phòng dịch, các nhóm truyền thông cộng đồng đã vận động và phối hợp với người dân đổ lăng quăng, xử lý môi trường phòng bệnh.

Công tác truyền thông được đẩy mạnh theo chiều rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, băng rôn, với 65.000 tờ rơi được cấp cho các địa phương phát cho người dân và 84 băng rôn được treo ở những vị trí đông người qua lại trên địa bàn tỉnh.

Giám sát chặt các ổ dịch cũ và địa bàn nguy cơ

Trong đợt chiến dịch ngoài thực hiện các hoạt động truyền thông, công tác giám sát các ổ dịch cũ cũng được tập trung thực hiện nhằm kiểm soát, không để bùng phát dịch ở những ổ dịch này. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện chiến dịch và kiểm soát các ổ dịch cũ ở các xã, phường, thị trấn. Ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Qua giám sát tại địa bàn huyện Vị Thủy, đặc biệt giám sát tại xã Vị Bình, địa phương có ổ dịch có ca tử vong do dịch sốt xuất huyết vừa qua, tình hình ổ dịch vẫn đang nỗ lực kiểm soát. Chúng tôi chỉ đạo kiểm soát tất cả các ổ dịch cũ và qua chiến dịch kịp thời phát hiện những địa bàn nguy cơ xảy ra dịch bệnh như có điều kiện môi trường không đảm bảo để duy trì giám sát sau chiến dịch”.

Tại các trường học, nơi tập trung nhiều học sinh, là địa bàn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, công tác phòng dịch cũng được triển khai quyết liệt trong những ngày này. Ông Bùi Thanh Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Bình, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Hưởng ứng hoạt động chiến dịch, chúng tôi tuyên truyền các kiến thức phòng, chống dịch cho học sinh trong  buổi sinh hoạt dưới cờ, tuyên truyền phát tờ rơi cho các em tại lớp học”. Qua đó, không chỉ tăng cường phòng dịch bệnh truyền nhiễm ở trường mà còn huy động các em thực hiện phòng chống dịch tại gia đình mình, cộng đồng.

Thực tế, chỉ khi nào người dân tích cực tham gia phòng, chống dịch mới có thể giảm số trường hợp mắc các dịch bệnh truyền nhiễm khi chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, như bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng,... Ông Chu Biên Cương, nhân viên y tế Trạm Y tế phường IV, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Qua thực hiện chiến dịch đã kiểm tra, xử lý điều kiện môi trường kéo giảm nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát, nhưng sắp tới là mùa mưa, nếu người dân không duy trì phòng dịch sẽ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát, trong khi năm nay số ca bệnh sốt xuất huyết của phường đang tăng cao”.

Chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng đợt I năm nay hướng đến mục tiêu tích cực kéo giảm số ca mắc bệnh, tử vong do dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các dịch bệnh đang gia tăng từ đầu năm đến nay ở tỉnh, như bệnh sốt xuất huyết, đã ghi nhận 235 ca, tăng 232 ca và đã có 1 ca tử vong do sốt xuất huyết sau 6 năm không ghi nhận ca bệnh này tử vong trên địa bàn tỉnh; bệnh tay - chân - miệng ghi nhận 67 ca, tăng 63 ca so với cùng kỳ năm 2022.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>