Hình thành “Người thầy thuốc số”

25/10/2022 | 06:15 GMT+7

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để từng bước hình thành “Người thầy thuốc số” và nâng cao chất lượng chăm sóc cho người bệnh, ngành y tế tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng và tiếp cận các công nghệ số trong công tác quản lý, khám chữa bệnh.

Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy triển khai các phần mềm trong khám chữa bệnh, mang lại tiện lợi cho người dân và cả nhân viên y tế.

Tiện lợi hơn nhờ chuyển đổi số

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh. Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: “Chuyển đổi số trong y tế là yêu cầu cấp thiết thời gian qua, bệnh viện đã tích cực triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh (HIS) áp dụng công nghệ lưu trữ hệ thống đám mây về thông tin khám ngoại trú. Chúng tôi còn sử dụng phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS), triển khai lấy số tự động trong khám chữa bệnh, nhờ vậy đã giảm được tình trạng ùn tắc, đảm bảo công bằng cho người bệnh”.

Là một trong những cơ sở khám chữa bệnh có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy đón từ 700-800 lượt người bệnh đến khám ngoại trú, khoảng 400 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. “Việc đưa vào sử dụng các phần mềm, đang góp phần từng bước giúp đơn vị chuyển đổi sang không sử dụng bệnh án giấy. Đặc biệt, thông qua các phần mềm quản lý xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cũng cho kết quả kịp thời, nhanh chóng hơn… giúp người bệnh hạn chế được việc chờ đợi. Theo đó, chúng tôi cũng đang chuẩn bị các bước để làm hồ sơ bệnh án điện tử, chữ ký số cho các bác sĩ…”, ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, chia sẻ thêm.

Xác định thực hiện chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn cho người dân, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đưa nhiều ứng dụng mới thuận tiện cho cán bộ y, bác sĩ và người dân tiến tới thực hiện bệnh án điện tử. Ông Trần Tôn Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang, thông tin: “Sau một thời gian ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số tại bệnh viện, người dân đã được hưởng rất nhiều lợi ích, giảm bớt thủ tục hành chính, giấy tờ, giảm thời gian chờ đợi; đăng ký khám, chữa bệnh, thanh toán viện phí trực tuyến... Đây là những tiền đề quan trọng để bệnh viện tiến tới thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử cho bệnh nhân”.

Nhằm đổi mới quy trình khám chữa bệnh, thực hiện đa dạng hóa các thủ tục trong khám chữa bệnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đã đầu tư một số thiết bị hiện đại. Đơn vị còn phối hợp với các ngân hàng thực hiện chuyển tiền qua các dịch vụ cài đặt trên điện thoại, quét thẻ ATM, khuyến khích không dùng tiền mặt trong quá trình thanh toán chi phí khám chữa bệnh…

Kỳ vọng tạo đột phá trong ngành y tế

Toàn tỉnh có 88 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 3 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 7 bệnh viện/trung tâm y tế tuyến huyện, 2 bệnh viện tư nhân, 75 trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực và hơn 800 quầy thuốc, nhà thuốc... Gắn với việc thực hiện chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị y tế đã mang lại những hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành. Qua đây, giúp giảm bớt tình trạng quá tải, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, nâng cao hiệu suất và giải quyết xử lý nhanh các công việc, giảm thiểu sự cố y khoa.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, chia sẻ: Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động và có nhiều thay đổi tích cực các hoạt động của ngành y tế, như tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành hướng đến cách thức lãnh đạo, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số; tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, còn tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, hình thành “Người thầy thuốc số”...

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thực hiện chuyển đổi số tại các đơn vị trong ngành y tế vẫn còn gặp một số khó khăn như: về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chỉ được trang bị ở mức tối thiểu, chưa đồng bộ, chưa hiện đại, trang thiết bị công nghệ thông tin còn thiếu và lạc hậu, chưa có hạ tầng an ninh, an toàn và bảo mật. Nguồn nhân lực cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin còn thiếu. Chưa có các phần mềm quản lý dịch vụ hành chính công riêng của ngành: quản lý hành nghề y, quản lý hoạt động thanh tra y tế, quản lý nhân lực, quản lý và phê duyệt danh mục kỹ thuật. Về lĩnh vực khám chữa bệnh các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin rất thấp, mới chỉ đạt ở mức 1 và 2 theo Thông tư số 54 của Bộ Y tế. Chưa tạo dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung, các phần mềm rời rạc, thiếu sự liên thông, chia sẻ dữ liệu. Lĩnh vực dự phòng và chuyên ngành chưa áp dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, thu thập, phân tích và cảnh báo dịch bệnh, trong quản lý vệ sinh lao động…

Chuyển đổi số góp phần xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng cao, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả mọi lúc, mọi nơi. Để làm điều này, ngành y tế đã xác định nhiều mục tiêu quan trọng, ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, chất lượng cao, góp phần thực hiện tốt Chương trình sức khỏe Việt Nam. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tiến tới sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, thay cho bệnh án giấy; thanh toán viện phí điện tử; hình thành các bệnh viện thông minh. Ngoài ra, ngành sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 xây dựng nền quản trị y tế số…”.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>