Hậu Giang có mô hình tiên phong cả nước về chính sách dân số

05/07/2023 | 09:02 GMT+7

Thời gian qua, Hậu Giang đã nỗ lực thực hiện công tác dân số, đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, dân số Hậu Giang cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cần được tập trung tháo gỡ. Về vấn đề này, phóng viên Báo Hậu Giang đã có cuộc trao đổi với ông Mai Xuân Phương (ảnh), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế.

Thưa ông, trước tiên xin ông đánh giá về những mặt làm được của Hậu Giang trong công tác dân số thời gian qua ?

- Tôi đề cao và đánh giá rất tốt những thành tựu về công tác dân số và phát triển của cả hệ thống chính trị Hậu Giang nói chung, Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển tỉnh nói riêng, với vai trò tham mưu trực tiếp của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế tỉnh. Trong những năm qua, công tác dân số và phát triển của Hậu Giang đã có những chuyển biến rất rõ nét.

Hậu Giang đã thực hiện rất đầy đủ, nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương như: Nghị quyết số 21 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII; Quyết định số 1679 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 137 của Chính phủ;… Nỗ lực triển khai các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển tỉnh với 28 thành viên, có sự tham gia đầy đủ của các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn, củng cố, đưa trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình về trung tâm y tế cấp huyện, thành khoa dân số - chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đưa các viên chức dân số từ UBND xã, phường, thị trấn về trạm y tế và có những chính sách kịp thời cho đội ngũ cộng tác viên dân số, để họ ổn định, thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới.

Hậu Giang đã có nhiều chính sách tuyệt vời cho những gia đình sinh đủ 2 con, sinh 2 con một bề là gái. Những chính sách này đã được nêu cụ thể trong Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh. Hậu Giang là tỉnh đầu tiên, tiên phong về vấn đề này, và là mô hình để cả nước học tập. Thời gian qua, chất lượng dân số của Hậu Giang đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp không nhỏ cho tình hình an ninh trật tự, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những mặt làm được, ông nhận thấy công tác dân số Hậu Giang hiện còn tồn tại những khó khăn, thách thức nào, thưa ông ?

- Nói đến những thành tựu nhưng cũng không thể không nói đến những bất cập. Thứ nhất, quy mô dân số của Hậu Giang đang có xu thế giảm rất rõ, nhưng mật độ dân số tăng. Một vấn đề hết sức quan ngại là mức sinh của Hậu Giang đang giảm, thống kê đến cuối năm 2022, tổng tỷ suất sinh của tỉnh là 1,44 con/phụ nữ, trong khi mức sinh thay thế cần đạt được là 2,1 con/phụ nữ.

Tốc độ già hóa dân số của Hậu Giang đang đứng trong tốp đầu cả nước, tỷ lệ người cao tuổi của tỉnh đang ngày càng gia tăng. Đến hết năm 2038, tỉnh có thể kết thúc giai đoạn “già hóa dân số” và chuyển sang “dân số già”. Nhưng những sự quan tâm, chế độ, chính sách để chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của người cao tuổi đang có nhiều bất cập. Các bệnh viện của tỉnh hiện chưa có khoa lão, tỉnh cũng chưa xây dựng được bệnh viện lão và các cơ quan đặc thù hơn để giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi.

Hậu Giang đang có cơ cấu “Dân số vàng”, nhưng người dân đi làm việc ngoài tỉnh khá nhiều, gây mất một lực lượng lao động khá lớn. Vì vậy trước khi chuyển sang “dân số già”, tỉnh cần có chuyển biến rõ hơn về chính sách để “trải thảm đỏ” đón nhân tài, bố trí nguồn lực lao động và thu hút doanh nghiệp.

Công tác nâng cao chất lượng dân số như: tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh,… tại tỉnh chưa thực sự được coi trọng. Vấn đề giáo dục giới tính trong trường học còn nhiều bất cập. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đồng bào dân tộc và người dân ở vùng nông thôn.

Qua tiếp cận, tôi thấy một số thành viên ban chỉ đạo dân số và phát triển các cấp, có nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác dân số. Kiến thức và kỹ năng truyền thông dân số của đội ngũ làm công tác này còn hạn chế. Cần sớm khắc phục để thực hiện tốt công tác dân số trong thời gian tới.

Tỉnh hiện đang có tốc độ già hóa dân số khá nhanh so với cả nước. Vậy trong thời gian tới, tỉnh cần làm gì để thích nghi và phát triển, thưa ông ?

- Trước tiên, phải cụ thể hóa, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội VI của Hội Người cao tuổi Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật đối với người cao tuổi đã được triển khai trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tỉnh cần có các nghị quyết chuyên đề về người cao tuổi.

Đẩy mạnh truyền thông về “già hóa dân số”, tinh thần báo hiếu của thế hệ trẻ đối với người cao tuổi, giúp người cao tuổi giảm sự phụ thuộc vào gia đình và xã hội. Thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người cao tuổi. Nghiên cứu giảm độ tuổi thụ hưởng chế độ, chính sách đối với người cao tuổi. Tạo sân chơi cho người cao tuổi và đa dạng, phong phú các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, con cháu. Xây dựng hệ thống viện dưỡng lão của Nhà nước và tư nhân, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và văn hóa địa phương.

Hậu Giang cần quyết liệt hơn nữa để nâng cao mức sinh trên địa bàn tỉnh.

Trước thực trạng mức sinh thấp đã diễn ra tại Hậu Giang trong những năm qua, bên cạnh những giải pháp đã triển khai, ông có “hiến kế” gì để tỉnh nâng cao mức sinh trong giai đoạn tới ?

- Mức sinh thấp hiện là một bài toán đau đầu của cả thế giới và Việt Nam, trong đó có Hậu Giang. Giải pháp đầu tiên là phải truyền thông về lợi ích sinh đủ 2 con và dừng ở 2 con để nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Không lựa chọn giới tính khi sinh, tránh tình trạng phân biệt đối xử với gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái. Xây dựng một loạt hệ thống văn bản pháp luật và thông qua HĐND tỉnh để có các chính sách cho các gia đình sinh đủ 2 con và sinh 2 con một bề là gái. Đây là điều Hậu Giang đang làm rất tốt nhưng cần duy trì thực hiện tốt hơn.

Bên cạnh đó, Hậu Giang cần chuẩn bị thật tốt thích ứng với vấn đề mức sinh thấp. Đẩy mạnh tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Tăng cường tham quan, học hỏi các mô hình hiệu quả trong việc duy trì mức sinh thay thế để có những phương hướng triển khai tốt hơn cho tỉnh trong giai đoạn tới.

“Hậu Giang đã có nhiều chính sách tuyệt vời cho những gia đình sinh đủ 2 con, sinh 2 con một bề là gái. Những chính sách này đã được nêu cụ thể trong Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh. Hậu Giang là tỉnh đầu tiên, tiên phong về vấn đề này, và là mô hình để cả nước học tập”.

 

Xin cảm ơn ông !

ĐANG THƯ thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>