Giảm muối ăn, giảm nguy cơ bệnh tật

29/11/2021 | 09:32 GMT+7

Muối là gia vị quen thuộc với nhiều người, làm tăng hương vị đậm đà cho món ăn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hoặc sử dụng muối ăn vượt quá nhu cầu của cơ thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe.

Giảm lượng muối ăn từ lúc lựa chọn thực phẩm, chế biến món ăn là cách đơn giản phòng ngừa bệnh tật.

Giảm muối mặn, giảm gánh nặng do bệnh tật gây nên

Giảm sử dụng muối ăn, nước mắm, nước tương khi nêm nếm là cách mà chị Trần Thị Thu Trang, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đang áp dụng mỗi ngày khi nấu ăn cho gia đình. Chị Thu Trang cho biết: Do cha mẹ đã lớn tuổi lại có bệnh nền tăng huyết áp nên ngoài việc lựa chọn thực phẩm tươi ngon, đảm bảo vệ sinh thì việc chế biến các món ăn phải lưu ý theo lời khuyên của bác sĩ. Chị còn tìm hiểu thêm ở các kênh thông tin về sức khỏe, cách nấu ăn, chế biến đa dạng để gia đình ngon miệng hơn. Ban đầu, mọi người nhận thấy các món chị nấu thiếu đậm đà, không ngon nhưng dần dần nhận thấy được lợi ích với sức khỏe, huyết áp ổn định nên quen dần.

“Khi thấy cha mẹ bị tăng huyết áp, tôi bắt đầu nấu ăn nhạt hơn, giảm lượng muối ăn, nước mắm theo hướng dẫn của bác sĩ. Các món dưa muối, mắm là hạn chế lắm. Lúc đầu, mọi người ăn không quen, không hợp khẩu vị nên phải thêm chén nước mắm để chấm mới ăn cơm ngon được. Phải giảm từ từ chứ chuyển qua ăn nhạt liền thì khó”, chị Thu Trang bày tỏ.

Còn gia đình chị Võ Thị Hiền, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, có thói quen dùng nước mắm làm gia vị chính để chế biến các món ăn hàng ngày nhưng 3 năm trước, chồng chị phát hiện bị bệnh tăng huyết áp nên cùng với uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cả nhà chị nấu ăn nhạt hơn, hạn chế chén nước mắm lúc ăn cơm, nếu có cũng pha loãng để bớt mặn.

Cũng giảm lượng muối ăn trong chế biến thực phẩm, chị Phạm Ngọc Hiếu, nhà ở ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cho hay: Trở ngại lớn nhất là khi ăn nhạt sẽ có cảm giác kém hấp dẫn về mặt khẩu vị. Có khi quen tay nêm vị mặn như bình thường nhưng không nhiều. Từ bỏ thói quen ăn vị mặn là một việc khó, nhưng nếu quyết tâm thì có thể làm được vì mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe.

“Với người lớn tuổi như cha mẹ tôi thì việc hạn chế nêm muối ăn trong khẩu phần ăn hàng ngày cũng làm giảm được các loại bệnh như huyết áp cao, tim mạch... nên lựa chọn thực phẩm cho gia đình, tôi luôn hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa quá nhiều muối. Với các em, các cháu thì gia đình tập cho các bé thói quen ăn vị nhạt ngay từ nhỏ để hình thành thói quen ăn uống tốt, không chấm nước mắm, nước tương, gia vị mặn khi không thật sự cần thiết. Ăn nhạt đã lâu, giờ đi đám tiệc hay ăn ở ngoài hơi mặn tôi thấy không quen lắm”, chị Ngọc Hiếu bộc bạch.

Chấm nhẹ tay, giảm ngay độ mặn

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành nên sử dụng ít hơn 5 gram muối/ngày (tương tương khoảng 1 muỗng cà phê) nếu ăn nhiều hơn được gọi là ăn mặn. Một khảo sát gần đây cho biết, mỗi người Việt Nam chúng ta tiêu thụ từ 18-22gram/ngày, tính ra gấp 3-4 lần so với nhu cầu.

Lý giải về thói quen ăn mặn (bao gồm cả muối, các loại nước chấm…), bác sĩ chuyên khoa I Lê Thanh Phong, Trưởng phòng khám tư vấn, Điều trị dự phòng và Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hậu Giang), cho rằng: Do thói quen từ xưa, em bé sinh ra đã được tập ăn theo khẩu vị gia đình, vì vậy trẻ lớn lên lại tiếp tục ăn mặn theo. Một số người sử dụng thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm có nhiều muối, lâu ngày thành ra quen.

Muối có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự sống. Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và tăng cân, dẫn đến tình trạng kháng insulin khiến insulin hoạt động kém hiệu quả, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị huyết áp cao và nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị bệnh tim, bệnh thận, bệnh dạ dày…

 Giảm muối trong chế độ ăn sẽ giúp hạn chế mắc các bệnh mãn tính, bác sĩ chuyên khoa I Lê Thanh Phong, cho hay: Thời gian qua, ngành y tế đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền về giảm muối ăn cho người dân, trọng tâm là hướng tới những bà nội trợ, những người nấu ăn trong gia đình, các bếp trưởng, quán ăn… Các thông điệp truyền thông được gắn với các thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 vì đa số những trường hợp tử vong do đại dịch đều có bệnh nền như béo phì, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư…

Ở những bệnh viện có các khoa dinh dưỡng sẽ có cán bộ được đào tạo, tập huấn về nấu ăn, chất lượng, số lượng gia vị, tư vấn người dân nêm nếm sao cho đảm bảo dinh dưỡng, từ đó điều chỉnh cách ăn uống. Ở góc độ xã hội, không riêng ngành y tế mà ngành thực phẩm cũng tuyên truyền cho các doanh nghiệp, người dân về vấn đề này.

“Muốn thay đổi thói quen ăn mặn phải giảm muối từ từ để thích nghi chứ không làm ngay được, với trẻ em cần tập từ nhỏ. Hạn chế sử dụng muối, nước chấm nếu không cần thiết, tăng cường rau xanh và thực phẩm tươi sống. Nếu đã có bệnh nền thì phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi nấu ăn thì các bà nội trợ luôn nhớ: Cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay độ mặn”, bác sĩ chuyên khoa I Lê Thanh Phong tư vấn thêm.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>