Gia đình có trẻ 6-36 tháng tuổi hãy đưa trẻ đi uống bổ sung Vitamin A

01/12/2023 | 10:08 GMT+7

Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về “Chiến dịch cho trẻ em uống bổ sung vitamin A liều cao đợt II-2023, từ ngày 3 đến 5-12, ông Lê Văn Chúc (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kêu gọi các gia đình “Hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường, thị trấn”.

Những đối tượng nào sẽ đươc bổ sung vitamin A liều cao đợt này, thưa ông ?

- Chiến dịch sẽ bổ sung vitamin A cho 100% trẻ từ 6-36 tháng tuổi; 100% bà mẹ sinh con trong vòng 1 tháng (trong 6 tháng cuối năm 2023); trên 95% đối tượng trẻ dưới 5 tuổi mắc các bệnh có nguy cơ thiếu vitamin A, như: tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm sởi. Ngoài ra, còn bổ sung vitamin A cho các đối tượng khác là trẻ em và người lớn tuổi có bệnh lý liên quan về mắt,... Chiến dịch sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, tại tất cả các điểm tiêm chủng mở rộng thường xuyên ở các trạm y tế xã, phường, thị trấn và các điểm uống khác do địa phương chọn để tổ chức thực hiện.

Vitamin A có vai trò quan trọng như thế nào cho sự phát triển của trẻ, thưa ông ?

- Vitamin A quan trọng cần cho sự phát triển. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, vitamin A giúp trẻ lớn lên và phát triển bình thường, có vai trò trong quá trình nhìn thấy của mắt. Vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, giác mạc mắt, biểu mô da, niêm mạc khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết. Giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Vitamin A có khả năng làm tăng sức đề kháng với các bệnh nhiễm khuẩn, uốn ván, lao, sởi, phòng ngừa ung thư… Khi thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc.

Chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức, tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể người dân tham gia vào công tác phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng thông qua bổ sung vitamin A liều cao, góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ có độ tuổi từ 6-36 tháng. Đặc biệt là trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Để người dân có thể nắm bắt thông tin và đưa trẻ đến điểm uống vitamin A đầy đủ, hoạt động truyền thông sẽ được đẩy mạnh như thế nào, thưa ông ?

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch truyền thông cho Chiến dịch này với Chủ đề truyền thông hưởng ứng Chiến dịch uống bổ sung vitamin A đợt II/2023 “Hãy đưa trẻ trong độ tuổi từ 6-36 tháng đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường, thị trấn”.

Chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, loa truyền thanh tuyến huyện, tuyến xã về tầm quan trọng của vitamin A đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Tổ chức đợt truyền thông, vận động về phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và phối hợp tổ chức thực hành dinh dưỡng cho trẻ. Lồng ghép phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền, vận động trẻ em, học sinh, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của dinh dưỡng hợp lý trong nâng cao sức đề kháng, góp phần phòng, chống dịch bệnh. Trạm y tế xã, phường, thị trấn treo băng rôn, tổ chức phát thanh về chiến dịch. Tổ chức giám sát, hướng dẫn tuyến huyện, xã triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông hưởng ứng chiến dịch.

Cần lưu ý gì trong quá trình thực hiện chiến dịch, thưa ông ?

- Đối với tuyến huyện, xã cần tổ chức chiến dịch phù hợp với thực tế tại địa phương, thông báo cho các đối tượng đến uống thuốc theo các khung giờ khác nhau, mỗi khung giờ cho uống không quá 20 trẻ, phân luồng hợp lý để tránh tập trung đông người và chờ đợi lâu. Phải cho trẻ uống vitamin A ngay tại điểm uống (điểm tiêm chủng) theo đúng kỹ thuật hướng dẫn của chương trình. Việc tổ chức cho uống vét lại theo kiểu cuốn chiếu dứt điểm từng ấp, khu vực.

Sau chiến dịch uống vitamin A, trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh có nguy cơ thiếu vitamin A, bà mẹ ngay sau khi sinh trong tháng uống vitamin A phải được duy trì thường xuyên hàng tháng tại khoa sản (khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản) của trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố hay trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực xã, phường, thị trấn và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>