Dinh dưỡng hợp lý, đẩy lùi bệnh tật

27/11/2023 | 06:59 GMT+7

Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Chúc (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khẳng định dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp đẩy lùi bệnh tật, phòng chống suy dinh dưỡng hiệu quả.

Mỗi người nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm, cụ thể như thế nào, thưa bác sĩ ?

- Mỗi người hãy sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng cho bữa ăn hàng ngày để phòng, chống suy dinh dưỡng.

Mỗi người nên sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày.

Nhóm chất đạm (Protein) gồm: Thịt, cá, trứng, sữa, mè, đậu,… cung cấp các axit amin - nguyên liệu chủ yếu xây dựng cơ thể. Nên phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ. Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật sẽ tạo nên sự thay đổi cả về số lượng và chất lượng của protein, có sự phối hợp về thành phần các axit amin của chúng với nhau góp phần tạo nên sự hài hòa cân đối của khẩu phần ăn. Đậu đỗ khô, đặc biệt là đỗ tương chứa lượng protein (đạm) cao. Đậu đỗ là nguồn thực phẩm có nhiều vitamin B, P, PP, một số chất khoáng và vi khoáng quan trọng. Đậu đỗ còn là nguồn thực phẩm cung cấp acid folic và vitamin E rất quý.

Nhóm chất bột đường (Glucid) gồm: Gạo, mì, ngô, khoai, sắn, các sản phẩm chế biến và đường cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể để duy trì thân nhiệt và hoạt động thể lực.

Nhóm chất béo (Lipid) gồm: Dầu mỡ từ nguồn thực vật và động vật cung cấp năng lượng, duy trì thân nhiệt và tham gia một số thành phần của tế bào.

Nhóm vitamin và muối khoáng gồm: Rau, quả cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ đảm bảo cho các hoạt động chuyển hóa của cơ thể.

Cách ăn uống thông minh nhất là phối hợp ăn nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi món ăn để cung cấp các chất dinh dưỡng đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng phức tạp của cơ thể. Mỗi ngày, mỗi người cần ăn tối thiểu 15 loại thực phẩm đại diện từ 4 nhóm nêu trên.

Những lưu ý nên tuân thủ trong chăm sóc dinh dưỡng mỗi gia đình, thưa bác sĩ ?

- Mỗi người nên ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn mè và đậu phộng, cần ăn rau quả hàng ngày. Để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng, hãy ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, ở tỷ lệ cân đối thích hợp để có thể tận dụng các ưu điểm của cả 2 loại chất béo và loại cholesterol tốt.

Mè, đậu phộng là thực phẩm giàu chất béo và cũng giàu cả chất đạm, còn có nhiều vitamin nhóm B. Khi ăn phối hợp chất béo thực vật (dầu, mè, đậu phộng) với chất béo động vật (mỡ, bơ) tạo nên sự hỗ trợ, cân đối trong cấu trúc bữa ăn.

Nên uống đủ nước sạch hàng ngày. Hàng ngày cơ thể cần được cung cấp khoảng 2.500ml, trong đó, qua nước uống khoảng 1.000-1.500ml, số còn lại nước được cung cấp từ thức ăn. Nước uống phải là nước sạch (đã được lọc và tiệt khuẩn) hoặc nước chín (đun sôi để nguội). Các loại nước nên dùng: Nước trái cây, nước rau, nước trà tươi, nước trà khô không pha quá đặc, nước lá hay nụ vối.

Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm. Hoạt động thể lực giúp giảm nguy cơ thừa cân, béo phì và mắc các bệnh tim mạch. Với người già cần duy trì một mức hoạt động thể lực thích hợp, đều đặn như đi bộ, bơi… tránh những hoạt động thể lực nặng, gắng sức. Trẻ em ngoài việc nuôi dưỡng, chăm sóc cần tạo mọi điều kiện cho trẻ hoạt động thể lực, tập luyện, vui chơi ở ngoài trời để kích thích cơ thể phát triển, tổ chức xương cũng cứng cáp, hoàn chỉnh các chức năng của hệ thống tim mạch, hô hấp, vận động…

Cân nặng là chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của mỗi người. Mỗi một người cần duy trì cân nặng tương ứng với chiều cao. Với người có cân nặng thấp, suy dinh dưỡng thường yếu, dễ bị ốm, lao động và học tập kém hiệu quả. Ngược lại ở người thừa cân, béo phì lại có nhiều nguy cơ bị các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp và một số loại ung thư.

Những thói quen không tốt nào người dân cần tránh để có chế độ dinh dưỡng tốt, phòng chống bệnh tật, thưa bác sĩ ?

- Người dân không nên hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt. Nhất là đối với trẻ nhỏ vì nếu ăn, uống nhiều chất ngọt trước bữa ăn sẽ làm trẻ chán ăn. Người có thói quen ăn nhiều chất ngọt sẽ dễ bị thừa cân - béo phì và tăng nguy cơ bị đái tháo đường. Nên hạn chế ăn thức ăn nhanh vì những loại thực phẩm công nghiệp như thịt nguội, xúc xích, thịt xông khói, gà rán... được sử dụng trong thực phẩm ăn nhanh đều có chứa hàm lượng muối và chất bảo quản cao. Mặt khác, thức ăn nhanh thường có số lượng các loại thực phẩm đông lạnh là chủ yếu nên chúng thiếu các thành phần vi lượng và khoáng chất, chưa kể đến vấn đề không đảm bảo an toàn thực phẩm trong khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, việc sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và các dụng cụ chứa đựng không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh. Ngoài ra, các nhà hàng bán thức ăn nhanh chắc chắn sử dụng dầu hàng ngày để chiên khoai tây, chiên gà hay chiên thịt… đều là các loại dầu bị hydro-hóa (do tác động của nhiệt độ cao), trong quá trình đó dầu đang ở dạng lỏng hóa đặc, chứa rất nhiều Trans-fat (loại chất béo chứa nhiều cholesterol xấu không tốt cho hệ tim mạch).

Nên sử dụng muối I-ốt nhưng không ăn mặn. Không nên ăn mặn vì nhiều công trình nghiên cứu và thực tế đã cho thấy ăn mặn không tốt cho sức khỏe dẫn đến tăng huyết áp. Nếu ăn mặn, thận sẽ phải làm việc tăng hơn nên dễ bị các bệnh về thận. Không chỉ vậy, ăn mặn còn liên quan đến các nguy cơ như ung thư dạ dày, loãng xương hay hen suyễn.

Xin cảm ơn bác sĩ !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>