Chuyển biến và thách thức trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm

15/12/2022 | 09:12 GMT+7

Năm 2022, hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm đã có bước chuyển biến tích cực, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bộc lộ nhiều thách thức cần sự quan tâm khắc phục, nhằm đạt hiệu quả cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Quản lý hiệu quả bệnh không lây nhiễm sẽ giúp nâng chất lượng cuộc sống, giảm biến chứng, tử vong sớm cho bệnh nhân.

Đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, ngành y tế tỉnh đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, vừa phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng trong năm 2022 như bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng và nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp lại vừa chịu gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm, gồm bệnh tim mạch, tăng huyết áp, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính,… đang gia tăng nhanh.

Để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm, mạng lưới y tế của tỉnh đã tích cực thực hiện các biện pháp để chủ động phòng, chống. Ông Phan Văn Hải, Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Hàng năm, thực hiện phòng, chống bệnh không lây nhiễm chúng tôi đã tăng cường truyên truyền nâng cao ý thức người dân, quản lý, theo dõi, tư vấn trong quá trình khám, cấp thuốc. Khuyến cáo người dân tái khám định kỳ, tuân thủ đúng phác đồ điều trị, tư vấn ăn, uống, sinh hoạt, vận động hợp lý để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm biến chứng, tử vong sớm cho người bệnh”.

Khám, sàng lọc bệnh không lây nhiễm đã được quan tâm thực hiện ở năm 2022. Qua khám sàng lọc cho thấy tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm khá cao ở cộng đồng. Ông Hải cho biết thêm: “Qua khám sàng lọc cho 80 người dân về bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại xã có 26 người mắc bệnh tăng huyết áp, chiếm trên 32% và 17 người mắc bệnh đái tháo đường, chiếm trên 21%. Việc khám sàng lọc nhằm giúp người dân phát hiện bệnh không lây nhiễm sớm và điều trị kịp thời”.

Ngoài xã Vĩnh Thuận Tây, năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp khám sàng lọc cho gần 2.000 người dân tại 24 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua hoạt động này góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu về phát hiện và quản lý, tư vấn bệnh không lây nhiễm. Theo ông Lê Thanh Phong, Trưởng phòng Khám tư vấn điều trị dự phòng và phòng khám bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: “Năm 2022, tất cả các chỉ tiêu đề ra về phát hiện, quản lý, tư vấn bệnh không lây nhiễm gồm bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ung thư,… đều đạt và vượt”.

Để đạt được kết quả này, mạng lưới y tế của tỉnh đã duy trì thường xuyên việc khám, tư vấn, lập danh sách quản lý bệnh không lây nhiễm đồng thời với tổ chức đợt khám sàng lọc tại cộng đồng.

Những khó khăn...

Dù phấn khởi đạt được chỉ tiêu đề ra, nhưng trong quản lý, tư vấn, chăm sóc đối với bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm còn để lại nhiều trăn trở cho những người làm công tác này. Ông Hoàng Bá Miền, cán bộ phụ trách Chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trạm Y tế phường VII, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Bệnh nhân rất ít đến trạm y tế để khám, lấy thuốc định kỳ nên khó tiếp cận để tư vấn, tuyên truyền. Một phần nguyên nhân là do điều kiện khám, chữa bệnh tại trạm y tế còn khó khăn chưa có được niềm tin của người bệnh. Với số lượng người bệnh nhiều, cán bộ làm nhiều chương trình đồng thời do nhân lực hạn chế ở trạm nên công tác tư vấn cũng giới hạn”.

Cùng chung khó khăn trên, ông Phan Văn Hải, Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Bệnh nhân tái khám, nhận thuốc đôi khi chưa đều. Khó khăn quản lý do bệnh nhân đôi khi không đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế mà khám tại các bệnh viện khác. Có thể ứng dụng các phần mềm khám, chữa bệnh để cán bộ y tế cơ sở có thể nắm được thông tin những trường hợp mắc bệnh không lây nhiễm khi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên và quản lý, tư vấn hiệu quả hơn. Trong cộng đồng, còn nhiều trường hợp có bệnh không lây nhiễm nhưng đôi khi không báo với trạm y tế nên cũng khó nắm hết được”.

Theo nhận định của ông Lê Thanh Phong, Trưởng phòng Khám tư vấn điều trị dự phòng và phòng khám bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: “Tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến cũng đã tăng nhanh qua các năm và số người hiện mắc bệnh trong cộng đồng hiện tại chưa xác định được tạo nhiều áp lực về số lượng bệnh nhân cần quản lý, tư vấn cho tuyến y tế cơ sở và càng khó nâng chất lượng, hiệu quả quản lý, tư vấn. Kinh phí Trung ương chương trình này không còn giao cho tỉnh, trong khi kinh phí của tỉnh cũng còn khó khăn nên các hoạt động chưa tổ chức được nhiều, bao phủ. Công tác đào tạo, tập huấn còn hạn chế. Năng lực của trạm y tế xã, phường, thị trấn có một số mặt bệnh khó quản lý, hầu như không can thiệp được như bệnh ung thư,…”.

Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu, lớn hơn tất cả các nguyên nhân tử vong khác cộng lại và số lượng người được phát hiện mắc bệnh ngày càng tăng, trẻ hóa và còn nhiều trường hợp bệnh trong cộng đồng chưa phát hiện, đây là thách thức lớn trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm ở tỉnh cần được quan tâm trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Năm 2022, ngành y tế tỉnh đã phát hiện gần 10.500 người tiền đái tháo đường, đạt 100%, phát hiện trên 4.800 người bệnh đái tháo đường, đạt 117%; phát hiện trên 13.500 người tăng huyết áp, đạt 100%; phát hiện 915 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đạt 117%; phát hiện trên 1.130 bệnh nhân hen phế quản, đạt trên 100%; phát hiện 146 bệnh nhân ung thư, đạt 125%.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>