Chú ý phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe trước nắng nóng

26/04/2023 | 07:50 GMT+7

Với thời tiết nắng nóng như hiện nay đặt ra nhiều vấn đề về sức khỏe, nhất là người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ em.

Bác sĩ khám, điều trị cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Dễ bị rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp,...

Ghi nhận tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, nhiều trẻ phải nhập viện điều trị do bị rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ điều trị Nguyễn Hữu Cầu, thông tin: “Tiêu chảy thường gặp dưới 2 tuổi, nhưng cũng có trẻ lớn hơn. Đa số trẻ nhập viện với triệu chứng sốt, ói, tiêu chảy, có trẻ tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Có bé mất nước đi nhiều lần trên ngày, kèm ói phải truyền nước. Bệnh tiêu chảy nếu không điều trị kịp thời để bệnh nhân mất nước, rối loạn điện giải nặng có thể gây sốc, tử vong”.

Khi trẻ mắc bệnh khiến các gia đình thật sự lo lắng. Chị Nguyễn Thị Cẩm, mẹ của bé Đoàn Thị Trúc Ly, 3 tuổi, ở phường III, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Bé có cùng lúc nhiều triệu chứng ho, sốt, ói, tiêu chảy nên gia đình đưa đi bệnh viện khám, mấy ngày đầu bé bệnh không chịu ăn uống, sau vài ngày điều trị tình trạng đã đỡ hơn. Bác sĩ nói cháu vừa bị bệnh viêm hô hấp và bị rối loạn tiêu hóa”. Tương tự nằm điều trị tại khoa này có những trẻ bị tiêu chảy 5-7 lần/ngày, sốt, ói quấy khóc, các gia đình rất lo lắng.

Theo tư vấn của bác sĩ Cầu, trẻ nhỏ nếu có điều kiện gia đình nên tiêm ngừa tiêu chảy cấp. Khi trẻ bị tiêu chảy gia đình nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa, cần cho trẻ ăn thức ăn mềm, chế biến ăn ngay, cho uống bù nước sau mỗi lần đi tiêu. Đối với những trẻ không nhập viện nếu ở nhà uống thuốc 2 ngày không thấy đỡ thì nên tái khám. Những triệu chứng phải khám ngay, gồm: nôn ói nhiều, ăn uống kém, bỏ bú, tiêu phân nhiều lần, phân có đàm máu.

Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn, là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa. Các gia đình cần quan tâm giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi… Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, bác sĩ Võ Thị Hoa, Phó Khoa nhi, thông tin: “Nhiều trẻ bệnh viêm hô hấp và tỷ lệ nhập viện cao do trẻ sốt nhiều”. Theo tổng hợp trong tháng 4, bệnh viện tiếp nhận trên 160 trẻ nhập viện do viêm phổi, viêm phế quản.

Dễ mắc bệnh về da

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Nhặn, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh, nhiệt độ tăng cao, cảm giác nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi để nhiều loại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh da liễu tấn công vào cơ thể mọi người. Bệnh da liễu hay xuất hiện vào mùa hè nóng nực có thể kể đến là: bệnh rôm sảy, nấm da, viêm da cơ địa, ghẻ ngứa,… Tùy từng căn bệnh, cơ thể sẽ đối mặt với những triệu chứng khác nhau.

Rôm sảy là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường, rôm sảy không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ nhỏ, chúng sẽ biến mất nếu bé được chăm sóc và vệ sinh da cẩn thận.

Bệnh nhân viêm da do cơ địa khá nhạy cảm, bệnh dễ tái phát nhất vào những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ và độ ẩm trong không khí tăng cao. Bệnh viêm da do cơ địa không thể điều trị dứt điểm, người bệnh phải chung sống với bệnh mỗi lần chúng tái phát. Chúng ta nên biết cách chăm sóc da để kiểm soát tốt tình trạng, hạn chế những tổn thương nặng nề đối với làn da.

Các bệnh nấm da, ghẻ ngứa cũng có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Đây là bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác với tốc độ nhanh chóng. Mọi người nên lưu ý khi tiếp xúc với bệnh nhân nấm da và có cách để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm. Tốt nhất mọi người không nên sử dụng chung đồ dùng cá nhân với nhau để giảm thiểu khả năng lây bệnh.

Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh da liễu thường gặp vào mùa nóng, mọi người nên duy trì thói quen giữ vệ sinh cho cơ thể. Mồ hôi sẽ không lưu lại trên da và tạo điều kiện cho bệnh da liễu hình thành, phát triển. Chúng ta nên chú ý vệ sinh ở các vị trí như háng, cổ, kẽ ngón tay, ngón chân.

Mọi người hãy lựa chọn trang phục thoáng mát, thấm hút vào những ngày hè nắng nóng. Chúng vừa đem lại cảm giác dễ chịu, vừa giúp bạn ngăn ngừa bệnh da liễu trong mùa nóng. Thường xuyên dưỡng ẩm cho làn da, nhất là trong thời tiết giao mùa, khô hanh và mùa hè. Hạn chế gãi vì sẽ gây trầy xước da và lây lan vùng da nhiễm bệnh và không dùng chung đồ dùng cá nhân. Nên ưu tiên sử dụng các loại mỹ phẩm hoặc xà phòng tắm không gây bít tắc các lỗ chân lông. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước để giúp tuyến mồ hôi cũng như thận đào thải các chất độc tốt hơn.

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Đội nón, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… nếu đi ra đường, ngoài trời nóng. Uống nhiều nước, nhưng không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp dễ bị sốc nhiệt khi ra khỏi phòng. Nên ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Tăng cường vệ sinh cá nhân để phòng bệnh.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>