Hậu Giang cần có chiến lược thu hút đầu tư lĩnh vực vật liệu xây dựng

19/11/2021 | 09:58 GMT+7

Ngày 18-8-2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam (VLXD) thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Với mục tiêu phát triển ngành công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường... Hậu Giang đang lập Đề án phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Với vai trò là đơn vị tư vấn lập đề án, ông Lê Đức Thịnh (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng, Viện Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hậu Giang xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, trước hết xin ông cho biết việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 có ý nghĩa như thế nào đối với ngành VLXD nước ta ?

- Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa quan trọng, dẫn dắt định hình các hoạt động phát triển VLXD phù hợp với quy luật cung - cầu của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy phát triển kinh tế - xã hội và hài hòa bảo vệ môi trường làm chủ đạo trong thời gian 10 năm tới và định hướng đến năm 2050.

Theo Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý VLXD, Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam được lập làm căn cứ để quản lý, điều hành phát triển VLXD đảm bảo hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, đáp ứng nhu cầu VLXD trong nước và xuất khẩu; là căn cứ để xây dựng các nội dung liên quan đến phát triển VLXD trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; là căn cứ để lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD và đề xuất phương án tích hợp nội dung quy hoạch vào quy hoạch tổng thể Quốc gia.

Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết lập Đề án phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 tại Hậu Giang ?

- Công tác lập Đề án phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; làm căn cứ để quản lý, điều hành phát triển VLXD đảm bảo hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, đáp ứng nhu cầu VLXD trong và ngoài tỉnh; là căn cứ để xây dựng các nội dung liên quan đến phát triển VLXD trong quy hoạch tỉnh; quy hoạch vùng; quy hoạch ngành quốc gia; là căn cứ để lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh và quy hoạch khoáng sản ngành quốc gia.

Qua khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu phục vụ lập Đề án, ông có đánh giá gì về hiện trạng phát triển VLXD ở địa phương ?

- Hậu Giang là một tỉnh ít có tài nguyên khoáng sản làm VLXD. Khoáng sản làm VLXD chủ yếu là đất sét, cát xây dựng và than bùn. Đất sét có chất lượng tốt có thể sản xuất gạch ngói và phân bố tập trung ở vùng ven sông Hậu, thuộc huyện Châu Thành với trữ lượng hàng triệu tấn. Cát tập trung trong lòng sông Hậu thuộc khu vực Cái Lân, huyện Châu Thành có thể khai thác cung cấp cho xây dựng. Than bùn có trữ lượng hàng triệu tấn, nằm ở độ sâu 0,5-1m ở một số vùng thuộc Vị Thanh, Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, nhưng ít có giá trị về kinh tế.

Hiện trạng phát triển sản xuất VLXD tại Hậu Giang chủ yếu là gia công tấm lợp kim loại; sản xuất bê tông thương phẩm và cấu kiện; nghiền xi măng; sản xuất gạch không nung; sản xuất các loại gạch lát vỉa hè; sản xuất tấm lợp xi măng; khai thác, chế biến cát xây dựng, cát san lấp...

Các loại VLXD nêu trên đã và đang đáp ứng một phần nhu cầu VLXD ở trong và ngoài tỉnh. Một số chủng loại VLXD như xi măng, cát xây dựng, cát san lấp, đá xây dựng, gạch đất sét nung, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, các vật liệu hoàn thiện khác… vẫn phải nhập từ tỉnh ngoài.

Thưa ông, để phát triển VLXD tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam, đảm bảo tính bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội. Với góc độ là đơn vị tư vấn, theo ông tỉnh cần làm gì trong giai đoạn tới ?

- Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người là 77-80 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội (trong 5 năm) trên địa bàn từ 99.000-100.000 tỉ đồng… Một trong những giải pháp để tỉnh đột phá phát triển kinh tế trong thời gian tới là mở rộng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông, nhất là các khu, cụm công nghiệp và sẽ có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư trên một số lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghệ cao, du lịch… Điều này sẽ kéo theo nhu cầu về các chủng loại VLXD như xi măng, bê tông, cát, đá xây dựng, vật liệu san lấp, vật liệu xây, vật liệu lợp, vật liệu ốp lát, kính xây dựng, sứ vệ sinh, vật liệu hoàn thiện khác… tăng cao so với giai đoạn 2015-2020.

Để phát triển sản xuất và chuỗi cung ứng VLXD trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới, theo tôi, tỉnh cần tiếp tục thu hút các nhà đầu tư sản xuất; gia công, chế biến; phân phối VLXD theo công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường. Thực hiện quy hoạch lại hệ thống bến bãi, trạm phân phối VLXD hợp lý, tận dụng tối đa thế mạnh vận chuyển đường sông, kênh rạch. Tăng cường hỗ trợ vốn vay ưu đãi và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp VLXD đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm theo các chương trình khuyến công. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống định mức, đơn giá xây dựng và báo giá VLXD sao cho kịp thời, cụ thể và dễ dàng tham chiếu dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Tăng cường công tác quản lý chất lượng VLXD lưu thông trên thị trường và sử dụng vào trong các công trình xây dựng. Tăng cường sử dụng nguồn tro xỉ phát sinh từ Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu để làm vật liệu san lấp và một số chủng loại VLXD khác như xi măng, bê tông, gạch không nung, gạch lát vỉa hè,… để giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên. Khuyến khích sản xuất nhà ở dạng tiền chế theo hướng lắp ghép bằng các vật liệu nhẹ; theo các thiết kế điển hình, có kiến trúc đẹp tại một số khu vực thành thị và nông thôn sao cho phù hợp với tập quán, thu nhập của người dân và nền đất yếu.

Xin cảm ơn ông !

NGỌC HƯỞNG thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>