An cư cho người thu nhập thấp

17/09/2021 | 08:28 GMT+7

Bài 2: “Cú hích” phát triển nhà ở xã hội

Hiện, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh khá cao. Người dân đủ điều kiện theo quy định có thể nộp hồ sơ về nhà đầu tư để gửi Sở Xây dựng thẩm định, xem xét. Thủ tục từng bước đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến gần hơn với căn nhà mơ ước. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều ưu đãi vay vốn với mức lãi suất thấp.

Dự án Khu nhà ở xã hội và thương mại phường V, thành phố Vị Thanh.

Quản lý chặt, đúng đối tượng

Theo quy định hiện nay, người dân muốn sở hữu nhà ở xã hội phải thỏa mãn 3 tiêu chí đó là: có hộ khẩu ở Hậu Giang; chịu thuế thu nhập thường xuyên và cả vợ lẫn chồng chưa đứng tên nhà và đất ở hộ gia đình.

Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang cho biết, quy trình xét đối tượng mua nhà hiện nay được thực hiện rất chặt chẽ. Chủ đầu tư lập hồ sơ các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở trong dự án, sau đó gửi về Sở Xây dựng xem xét. Trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở sẽ có văn bản trả lời kết quả thẩm định. Qua thời gian này, Sở Xây dựng không có ý kiến, chủ đầu tư được quyền ký hợp đồng. Trong quá trình thẩm định, nếu còn vấn đề cần xem xét, Sở Xây dựng sẽ trả lời cụ thể cho chủ doanh nghiệp. Sau đó, sẽ có văn bản gửi các đơn vị liên quan phối hợp thẩm tra, xác minh đối tượng, khi có kết quả chắc chắn mới có văn bản trả lời cho chủ đầu tư về kết quả thẩm tra.

Các dự án nhà ở xã hội được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, để đảm bảo phát huy tốt việc giải quyết nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định, tạo an sinh xã hội, Sở Xây dựng luôn tuân thủ quy trình một cách chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là cử cán bộ trực tiếp đi xác minh, thẩm tra các đối tượng khi cần nắm thêm thông tin.

Ông Phan Vĩnh Lộc, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, cho biết việc xét đối tượng cần phối hợp với địa phương, căn cứ vào tiêu chí đưa ra để xét, sau đó gửi Sở thẩm định đảm bảo chặt chẽ, phù hợp các tiêu chí, đúng đối tượng. Lãnh đạo Sở cũng giao Phòng quản lý nhà trong quá trình thực hiện tiếp tục kiểm tra lại phù hợp với các tiêu chí đưa ra. Nhà ở xã hội hướng đến người dân có thu nhập chưa cao, giá bán mỗi căn nhà phù hợp với túi tiền và thỏa mãn 3 tiêu chí mua của tỉnh thì có thể đưa vào đối tượng xét duyệt mua nhà.

Chính sách tín dụng nhân văn

Hậu Giang là tỉnh còn khó khăn trong việc an cư, lạc nghiệp của người dân, kể cả cán bộ công nhân viên chức, người lao động, người nghèo đô thị nên việc tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nên chính sách được lãnh đạo tỉnh và các ngân hàng trên địa bàn quan tâm, hỗ trợ. Ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh cho biết, chương trình cho vay mua nhà ở cho người có thu nhập thấp được đánh giá hết sức nhân văn, tạo điều kiện cho rất nhiều người dân. Đối với từng trường hợp sẽ có điều kiện khác nhau. Nếu người dân xây nhà thì được vay tối đa 70%; mua, thuê mua thì cho vay 80% giá trị căn nhà. Hiện, đã có 228 đối tượng được vay vốn, với tổng số giải ngân hơn 95 tỉ đồng. Riêng năm 2021, đã được Trung ương phân bổ 2 lần với tổng số vốn giao là 30 tỉ đồng, đã giải ngân được hơn 20 tỉ đồng.

Cái khó của bà con hiện nay trong tiếp cận vốn vay không phải do thủ tục mà do điều kiện tiếp cận. Ông Nguyễn Thanh Triều lý giải: Thứ nhất, khi xây nhà đòi hỏi phải xây trên đất thổ cư cùng địa chỉ với hộ khẩu nhưng giữa hộ khẩu và nhà, cái nào có trước làm bà con bị vướng. Trường hợp thứ hai là nhiều khách hàng ở các xã, bà con muốn xây nhà trên đất thổ cư thì vướng quy định. Tiếp đó là tài sản thế chấp, giá trị đất nông nghiệp thấp nên cũng không đảm bảo. Nhiều cán bộ làm việc ở Hậu Giang nhưng hộ khẩu thường trú tại thành phố Cần Thơ hoặc địa phương khác nên đối chiếu theo quy định thì không đủ điều kiện.

Về xét duyệt đối tượng, tại thời điểm này, mức vay tối đa cho 1 dự án xây nhà không quá 500 triệu đồng. Mức này được đánh giá là phù hợp với nhu cầu người dân và việc xét duyệt khá thuận lợi cho người dân. Qua đó, sẽ tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn, có nhà ở ổn định.

Thêm động lực phát triển nhà ở xã hội

UBND tỉnh Hậu Giang xác định, trọng tâm thời gian tới là đẩy mạnh cải cách hành chính, kêu gọi đầu tư và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở, dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, ổn định cuộc sống người dân.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc đầu tư xây dựng phát triển nhà ở, nhà ở thương mại, khu đô thị và rút ngắn thời gian thực hiện những thủ tục về chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, giao đất, cấp phép xây dựng.

“Tỉnh tăng cường kêu gọi, xúc tiến đầu tư để huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, kéo dài thời gian vay mua nhà để giảm áp lực trả nợ và tăng số tiền khách hàng được vay; ưu tiên phát triển nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội cho thuê để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp…”, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ.

Nghị định 49 được Chính phủ ban hành ngày 1/4/2021 thay thế cho Nghị định 100 về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội được coi là “cú hích” quan trọng. Điểm nhấn đáng chú ý trong Nghị định 49 là thời hạn vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, tăng 10 năm so với Nghị định 100. Ngoài ra, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà. Trong trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Lãi suất cho vay đảm bảo nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ…

 

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>