Tuyên truyền gắn với phản bác các quan điểm sai trái về phòng, chống Covid-19

06/08/2021 | 08:25 GMT+7

Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về việc triển khai và kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, ông Lê Công Lý (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết:

- Để công tác phòng, chống Covid-19 có hiệu quả, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có các định hướng về việc tuyên truyền trong tình hình mới. Đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch Covid-19, đặc biệt, định hướng cho người dân về công tác phòng dịch, tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của ngành y tế cũng như tuyên truyền trong cộng đồng về những chủ trương, biện pháp của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh, của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh về công tác phòng, chống dịch. Như thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, về xử phạt hành vi vi phạm, các biện pháp 16+; thông tin kịp thời tình hình dịch tại một số điểm nóng nhằm nâng cao ý thức tự phòng của người dân, hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 35 tỉnh, đã chỉ đạo cho các đơn vị, địa phương đăng tải, chia sẻ lên mạng xã hội (zalo, facebook với gần 3.000 tài khoản của nhóm và cá nhân) những chủ trương, quyết định, công văn, thông báo của UBND tỉnh, của các ngành chức năng; chia sẻ những thông tin tích cực, những việc làm tốt cũng như những biện pháp của các cơ quan chức năng, của các địa phương trong phòng, chống dịch; đồng thời, chủ động, tích cực đấu tranh phản bác, bóc gỡ các thông tin xấu độc, xuyên tạc chủ trương và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước.

Công tác nắm bắt dư luận xã hội (DLXH) đã được các cấp, các ngành thực hiện như thế nào, thưa ông ?

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có mạng lưới là Tổ nghiên cứu DLXH ở tỉnh, nhóm cộng tác viên DLXH tại các huyện, thị, thành và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cùng với nhóm báo cáo viên, tuyên truyền viên tại các xã, phường, thị trấn; vì thế, công tác nắm bắt DLXH trên địa bàn hết sức thuận lợi. Mỗi nhóm tại các địa phương đều được liên kết với nhóm của tỉnh do Phòng Thông tin - Tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quản lý. Mọi thông tin hàng ngày đều được báo cáo về Ban thông qua nhóm zalo của tỉnh.

Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Tổ cộng tác viên DLXH đã hoạt động tích cực. Trước 16 giờ hàng ngày, các thành viên đều phải báo cáo về nhóm zalo những diễn biến về tình hình dịch tại địa bàn; tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, trăn trở của người dân; việc chấp hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, các biện pháp 16+; việc người dân chấp hành khung giờ đi chợ để mua lương thực, thực phẩm và việc không ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Tất cả thông tin được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập hợp, báo cáo cho lãnh đạo tỉnh để có những biện pháp chỉ đạo sát sao hơn.

Việc nắm bắt DLXH còn được tiến hành trên các trang mạng xã hội. Thông qua các thành viên DLXH, các cộng tác viên Ban chỉ đạo 35 các cấp, các thông tin tích cực và cả tiêu cực trên mạng xã hội được ghi nhận và được báo cáo về cho các trưởng nhóm những thông tin nổi bật nhất, đáng quan tâm nhất, để từ đó Ban Tuyên giáo tham mưu cho cấp ủy các giải pháp chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh cũng đã thành lập Tiểu ban Tuyên truyền về phòng, chống Covid-19, gồm những đồng chí lãnh đạo các ban, sở, ngành có liên quan đến công tác thông tin và truyền thông. Tiểu ban đã xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể từng thành viên, xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin. Đây là điều kiện thuận lợi để tiến hành công tác tuyên truyền có hiệu quả trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm phòng, chống việc lây nhiễm Covid-19 có hiệu quả nhất.

Qua nắm bắt DLXH, đại đa số người dân tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của cấp ủy, chính quyền các cấp, tuy nhiên vẫn còn một số người dân có tâm trạng hoang mang, lo lắng. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này ?

- Đó là Covid-19 - đại dịch lần đầu tiên xuất hiện không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới. Dịch đã hoành hành tại nhiều nước và để lại những hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt là đã có nhiều người chết như tại Mỹ, Ấn Độ, Indonesia…

Tại Việt Nam, cả 3 lần dịch bùng phát trước đây đều được các ngành chức năng khống chế có hiệu quả, mức độ lây lan ít, số cas nhiễm không nhiều, việc sản suất, kinh doanh tuy có bị ảnh hưởng nhưng nhìn chung không lớn. Đến lần thứ tư này, với biến thể delta và một số biến thể khác, khả năng lây lan của dịch bệnh rất nhanh, rất mạnh, số cas nhiễm tăng cao; nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; một số nơi phải tiến hành lệnh phong tỏa; sản xuất, kinh doanh đình trệ, chợ không họp, người dân không được ra đường vào ban đêm…

Tất cả đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong một bộ phận nhân dân là điều không thể tránh khỏi. Nhưng tâm lý ấy không ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch của chúng ta. Công tác tuyên truyền của chúng ta trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất lớn, Nhân dân nhìn chung đồng thuận với chính quyền; đoàn kết, chấp nhận những mất mát, thiệt thòi trước mắt để cùng với Đảng và Chính phủ chống dịch đạt kết quả cao nhất,

Để làm tốt công tác định hướng DLXH trong phòng, chống dịch thời gian tới, công tác tuyên truyền cần được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông ?

- Công tác tuyên truyền cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch; công tác tuyên truyền cần được tập trung cao độ trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, đồng hành, ủng hộ, tuân thủ thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn, sớm đẩy lùi dịch trên địa bàn.

Tuyên truyền việc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thực hiện “5K + vắc-xin” trong toàn tỉnh; khuyến cáo người dân ở các địa phương không đi, đến các vùng có dịch; những người về từ vùng dịch phải tự giác khai báo y tế, thực hiện đúng quy định cách ly của các cơ quan chức năng. Các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp trong việc tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến của dịch bệnh để chủ động định hướng, dẫn dắt thông tin, dư luận xã hội; tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch…

Tuyên truyền huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân để phòng, chống dịch hiệu quả. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là cộng đồng dân cư trong phòng, chống dịch; phát huy vai trò của mỗi người dân trong việc giám sát, quản lý cách ly tại gia đình, người đi, đến từ vùng có dịch; khuyến khích người dân cung cấp thông tin, phản ánh những người cố tình giấu thông tin, khai báo y tế không trung thực.

Bên cạnh đó là tuyên truyền các mô hình, điển hình, các hành động, nghĩa cử cao đẹp trong việc tổ chức công tác phòng, chống dịch của Nhân dân để kịp thời cổ vũ người dân chung tay ủng hộ “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19” của tỉnh; hỗ trợ, động viên các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch; hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Tuyên truyền về việc thiết lập các “vùng xanh”, khoanh vùng, thu hẹp các “vùng đỏ”, “vùng cam” tại một số địa phương và từng bước đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường.

Tích cực tuyên truyền nhân rộng cách làm hay về sản xuất, kinh doanh trong trạng thái sống chung với dịch bệnh, nhằm duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời phê bình, nhắc nhở các hành vi vi phạm chủ trương, quy định về phòng, chống dịch. Trong tuyên truyền cũng phải gắn với việc chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông !

TRƯỜNG SƠN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>