Tôi vẫn thường xuyên xem truyền hình và đọc Báo Hậu Giang

19/06/2023 | 08:06 GMT+7

Đó là chia sẻ của ông Trần Thành Lập (ảnh), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khi trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về sự phát triển và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với các cơ quan báo chí tỉnh nhà hiện nay nói chung.

Thưa ông, với một người từng có thời gian dài đảm nhận chức vụ lãnh đạo tỉnh, điều gì để lại những ấn tượng sâu sắc ở báo chí tỉnh Hậu Giang nói chung, Báo Hậu Giang nói riêng ?

- Khi mới thành lập, Hậu Giang là tỉnh nghèo, thuần nông, quy mô kinh tế nhỏ, phân tán; thu ngân sách thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, chậm phát triển. Đội ngũ cán bộ, công chức thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Trụ sở làm việc tạm bợ; thiếu trang thiết bị làm việc và rất yếu về hạ tầng công nghệ thông tin.

Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang cùng chung với hoàn cảnh khó khăn của buổi ban đầu ấy. Chúng tôi thường nói vui “Tỉnh Hậu Giang tay không bắt giặc”. Tự tin, đoàn kết, quyết tâm vượt khó, các đồng chí trong Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên Báo Hậu Giang đã nỗ lực bứt phá rất ấn tượng.

Ngày 5-3-2004, chưa đầy 6 tháng tuổi, Báo Hậu Giang ra mắt số đầu tiên, cầm tờ báo trên tay, một niềm vui dâng trào. Rồi ngày 1-4-2004, Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang phát sóng FM; đến ngày 31-3-2005, chính thức phát hình. Đây là niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Bắt nhịp cùng xu thế phát triển của báo chí hiện đại, Hậu Giang online ra đời vào ngày 8-4-2008, là Báo điện tử đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long vào thời điểm này. Hậu Giang online đã trở thành kênh thông tin quan trọng của độc giả trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về quê hương, văn hóa, con người và cơ hội đầu tư tại tỉnh Hậu Giang.

Mặc dù nghỉ hưu nhiều năm, nhưng chắc chắn ông cũng như các đồng chí cán bộ lãnh đạo khác, vẫn luôn dõi theo sự phát triển chung của tỉnh thông qua những thông tin được đăng tải thường xuyên, kịp thời trên hệ thống báo chí Hậu Giang. Qua đây, ông đánh giá thế nào về vị trí, vai trò trên mặt trận thông tin tuyên truyền, định hướng của Báo Hậu Giang thời gian qua, thưa ông ?

- Tôi vẫn thường xuyên xem truyền hình và đọc Báo Hậu Giang. Từ những tin, bài, phóng sự, chuyên mục đã thể hiện bản lĩnh của người làm báo, là cơ quan ngôn luận, là bộ máy tuyên truyền của hệ thống chính trị, là tiếng nói của các tầng lớp nhân dân ở địa phương.

Với chức năng, nhiệm vụ và ưu thế của mình, Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang và các phương tiện truyền thông đã và đang kịp thời truyền tải chủ trương, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, ý thức thực thi pháp luật cho các tầng lớp nhân dân; kịp thời phát hiện và biểu dương những nhân tố mới, cổ vũ, nhân rộng các phong trào khuyến nông, khuyến công, khuyến học, khuyến tài, xóa đói, giảm nghèo, xậy dựng nông thôn mới.

Vừa là diễn đàn vừa là tiếng nói của dân, “nghe dân nói, nói dân nghe”, các cơ quan báo, đài luôn bám sát thực tiễn, phản ánh hiện thực khách quan của cuộc sống, kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để các cấp, các ngành có quyết sách đúng, chỉ đạo kịp thời phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Như vậy, có thể khẳng định, báo, đài không chỉ là cơ quan tuyên truyền định hướng xã hội, mà còn cầu nối đáng tin cậy giữa các cấp chính quyền với Nhân dân, giữa doanh nghiệp và các nhà quản lý ở địa phương.

Thưa ông, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh sau gần 20 năm thành lập, ông có nhận xét gì về sự lớn mạnh của Báo Hậu Giang hiện nay so với thời gian ông còn đương nhiệm ?

- Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, với sự đoàn kết, quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn dân, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong thành tựu nổi bật đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông, trong đó có Báo Hậu Giang.

Trải qua gần 20 năm hình thành, phát triển, Báo Hậu Giang đã khẳng định được vị thế của mình, trở thành một trong những kênh thông tin uy tín của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hậu Giang. Với sự nỗ lực, phấn đấu một cách bền bỉ, sáng tạo của tập thể lãnh đạo Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên Báo Hậu Giang đã phát triển một cách ngoạn mục, tiến bộ cả về hình thức lẫn nội dung.

Với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, trung thực, khách quan, kịp thời, toàn diện, đa chiều phản ánh các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của địa phương đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời, phản ánh hiện thực sinh động của xã hội, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến với lãnh đạo các địa phương.

Hành trình 20 năm, Báo Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào với những dấu ấn đặc biệt. Trên chặng đường ấy, không thể không nhắc đến những đóng góp, sự cống hiến tận tâm, trách nhiệm của các thế hệ nhà báo, phóng viên, biên tập viên của đơn vị.

Ông Sầm Trung Việt (thứ 2 từ phải qua), nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Trần Thành Lập (bìa phải), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh và bà Ngô Hồng Đào, nguyên Tổng Biên tập Báo Hậu Giang, cùng trải nghiệm Báo Hậu Giang online sau Lễ khai trương vào ngày 8-4-2008.

Cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh những mặt tích cực trên mặt trận tuyên truyền, thì Báo Hậu Giang vẫn còn một số hạn chế nhất định, đặc biệt là đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trước sức ép rất lớn từ sự trỗi dậy của truyền thông số, mạng xã hội, kể cả trí tuệ nhân tạo (AI) như hiện nay, thưa ông ?

- Không dám lạm bàn, bởi vì tôi đã lạc hậu với sự phát triển nhanh, rộng của công nghệ số và mạng xã hội, nhưng tôi không nghĩ công nghệ số và mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo là thách thức đối với sự phát triển xã hội nói chung và báo chí nói riêng. Nắm bắt kịp thời, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới chắc chắn là thành công, bởi sự phát triển công nghệ và hội nhập là không thể đảo ngược.

Thời buổi công nghệ số và mạng xã hội làm cho đời sống xã hội đã, đang và sẽ thay đổi, cách tiếp cận thông tin của người đọc, người xem cũng thay đổi, nên tôi thấy Báo Hậu Giang cũng không ngoại lệ và đòi hỏi thông tin báo chí phải trung thực, chính xác, khách quan, hấp dẫn, kịp thời mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Phát triển báo chí trong thời đại công nghệ số rõ ràng là không dễ, Báo Hậu Giang đã có những bước đi thận trọng là cần thiết.

Như vậy, thời gian tới, Báo Hậu Giang cần phải chủ động đề ra những định hướng phát triển chiến lược như thế nào để dần thích ứng hơn với thời đại 4.0, tránh không bị tuột hậu, đi sau các cơ quan báo chí trong khu vực nói riêng, cả nước nói chung, thưa ông ?

- Tất cả những thành quả của quá khứ và hiện tại chính là nền tảng để Báo Hậu Giang phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Hơn lúc nào hết, cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo nói chung, Báo Hậu Giang nói riêng cần cập nhật kiến thức làm báo trong thời đại công nghiệp 4.0, sẵn sàng đón nhận, đồng hành cùng xu thế mới, để tự tin, vững vàng trong nghề nghiệp.

Với lợi thế sẵn có, Báo Hậu Giang cần nâng cao chất lượng tin, bài, xây dựng các chương trình đa phương tiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng, đa chiều của công chúng. Nên kết hợp, phát triển các loại hình đọc, nghe, nhìn; ứng dụng một cách hiệu quả công nghệ số và mạng xã hội, mở rộng tính tương tác để trao đổi, cung cấp thông tin một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng, góp phần phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn trong dòng chảy của báo chí thời đại 4.0.

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, xin gửi tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên Báo Hậu Giang, những người làm việc trong ngành truyền thông, báo chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp!

Xin cảm ơn ông !

NGUYỄN NGUYỄN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>