Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Trung ương sáu khóa XIII

06/12/2022 | 20:29 GMT+7

(HG) - Đó là phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, vào chiều ngày 6-12.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, phát biểu bế mạc hội nghị.

Ông Võ Văn Thưởng cho rằng, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII mới là bước đầu, tiếp theo các đại biểu dự học phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện đạt kết quả cao, hiệu quả thực sự, kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, phù hợp với điều kiện của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tỉnh Hậu Giang có 110 điểm cầu, với 11.174 đại biểu dự học. Trong ảnh: Đại biểu dự học nghị quyết tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Đối với các cấp ủy đảng cần tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Trung ương sáu khóa XIII với các hình thức phù hợp, giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ, thấm nhuần các nghị quyết, kết luận. Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, kết luận phải được thực hiện thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ, đồng thời với việc tuyên truyền, giới thiệu mô hình, điển hình hay trong quá trình thực hiện, kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt, chú trọng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu phải quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của Trung ương, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng Trung ương khẩn trương nghiên cứu cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương sáu, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận ở các cấp. Đối với các ban tham mưu của Đảng phải nắm chắc và kịp thời thông tin, báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết ở các cấp theo từng quý, năm, đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.

Với quyết tâm của toàn Đảng, hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tin tưởng các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương sáu, cũng như các nghị quyết, kết luận của Đảng sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực mà các nghị quyết, kết luận của Trung ương đã đề cấp tới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Trước đó, tại hội nghị, đại biểu được nghe các đồng chí lãnh đạo Trung ương quán triệt các chuyên đề: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Ngày 6-12, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục buổi thứ 3, với phần truyền đạt của ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh Hội nghị triển khai nghị quyết tại điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh.

Dự tại điểm cầu Hậu Giang có ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh…

Nghị quyết số 29 ngày 17/11/2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhận định: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm, 2011-2020, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỷ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 72,7% vào năm 2020. Đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giảm tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Ngành nông nghiệp tăng trưởng ổn định và bền vững, từng bước được cơ cấu lại theo hướng hiện đại. Đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng; đã hình thành được một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Phát triển văn hóa, xã hội, con người được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.

Nghị quyết xác định mục tiêu đến cuối thập kỷ này, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.

Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%; đạt khoảng 260 sinh viên trên một vạn dân. Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14-15% GDP.

Cả nước hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.

Xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại. Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Hoàn thành xây dựng chính phủ số, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử kinh tế số. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á...

- Tiếp tục hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều ngày 6-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày tóm tắt nội dung Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam triển khai chuyên đề về “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phó Thủ tướng cho biết hệ thống quan điểm của Quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm 2 nhóm quan điểm: Nhóm quan điểm về phát triển quốc gia và nhóm quan điểm về tổ chức không gian phát triển quốc gia.

Cụ thể, 5 quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, bao gồm: Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách đều phải hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của người dân; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá.

Năm quan điểm về tổ chức không gian phát triển gồm: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030; đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp các dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, đặc biệt là dịch vụ về y tế, giáo dục, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với địa bàn thuận lợi.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn.

Gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế quan trọng của khu vực và quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với không gian phát triển mới; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia; và phát triển các hành lang kinh tế

Các vùng động lực quốc gia được hình thành trên cơ sở lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay; từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung bộ, vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Nam Trung bộ (khu vực Khánh Hòa và phụ cận).

Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn và gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế gắn với vùng động lực quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa.

Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định hệ thống các giải pháp để thực hiện quy hoạch, bao gồm giải pháp về huy động nguồn lực, về cơ chế, chính sách, về khoa học, công nghệ, về nguồn nhân lực và về hợp tác quốc tế.

Theo đó, chúng ta cần nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư công, ưu tiên cho mạng lưới hạ tầng quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh và kết nối vùng với các trung tâm kinh tế lớn, kết nối khu vực, quốc tế; đầu tư các công trình có sức lan tỏa cao, giải quyết các nút thắt của vùng, mang lại hiệu quả cho toàn vùng.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Phát triển các loại thị trường vốn; có cơ chế phù hợp để khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Đổi mới mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; định hướng thu hút các doanh nghiệp lớn có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư vào địa bàn các vùng động lực, tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trong nước...

Nhóm PV-CTV

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>