Thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy và cán bộ giúp Hậu Giang ổn định, phát triển

26/10/2022 | 09:55 GMT+7

Đó là đánh giá của Đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương do bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, làm Trưởng đoàn, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang mới đây.

Công tác sắp xếp, kiện toàn, bổ nhiệm cán bộ được tỉnh Hậu Giang thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Đoàn công tác cho rằng Tỉnh ủy Hậu Giang đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng về công tác tổ chức, cán bộ. Đặc biệt là tỉnh rất quan tâm xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ trình độ, phẩm chất đạo đức, ngang tầm nhiệm vụ.

Quyết liệt, chủ động thực hiện

Báo cáo về tình hình thực hiện công tác tổ chức bộ máy và cán bộ trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết, trên cơ sở các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời tổ chức triển khai, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng về công tác tổ chức, cán bộ. Tỉnh ủy xác định việc nâng cao nguồn nhân lực là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược trong công tác cán bộ, có vai trò quan trọng, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác cán bộ.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương đạt nhiều kết quả. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh để thành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; sắp xếp giảm 27 đơn vị cấp phòng bên trong của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy. HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức của 19/19 sở, ban, ngành tỉnh, qua đó đã giảm được 45 đơn vị cấp phòng, giảm 3 chi cục trực thuộc sở, 57 phòng trực thuộc chi cục.

Về kết quả thực hiện tinh giản biên chế, khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội giảm 91 người, tỷ lệ giảm đạt 10,17%. Khối chính quyền địa phương giảm 1.738 người, tỷ lệ giảm đạt 10,06%.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo việc rà soát, xây dựng kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và ấp, khu vực không đủ chuẩn theo quy định đến năm 2021 và những năm tiếp theo. Kết quả sắp xếp giảm 1 đơn vị hành chính cấp xã (xã Phú An thuộc huyện Châu Thành) và 14 ấp, khu vực. Đồng thời, trên cơ sở sắp xếp các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp, khu vực, đã giảm 462 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, 16 công an viên, lực lượng dân quân tự vệ ở cấp xã và 3.911 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu vực.

Làm rõ thêm kết quả Hậu Giang đạt được, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành cho biết ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tỉnh đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ theo đề án đã được Bộ Chính trị phê duyệt; đồng thời rất sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt, ngay sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tỉnh ủy Hậu Giang đã nhanh chóng quán triệt và cụ thể hóa thực hiện gắn với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, trong đó quan tâm đến việc đổi mới năng lực lãnh đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Về phương pháp quán triệt nghị quyết có nhiều đổi mới với phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực”, kết hợp giữa hình thức trực tiếp với trực tuyến. Theo đó, khi Trung ương, tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt đều được kết nối trực tuyến đến cấp xã. Đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh trực tiếp quán triệt các nghị quyết của Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược đó là: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh”. Điều đó cho thấy Hậu Giang rất coi trọng việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ đức, đủ tài, đủ sức phục vụ cho sự phát triển.

Để cụ thể hóa thực hiện đột phá chiến lược kể trên, tỉnh đã ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản, trong đó những văn bản mang tính định hướng lớn như: Nghị quyết số 05 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án số 01 về nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025; Đề án số 02 về phát triển Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy định số 1120 về Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang…

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, việc triển khai công tác quy hoạch cán bộ được Hậu Giang đặc biệt quan tâm, là một trong những tỉnh rất sớm hoàn thiện, rà soát quy hoạch cán bộ giai đoạn 2020-2025 và quy hoạch cán bộ các cấp giai đoạn 2025-2030. Trên cơ sở quy hoạch, đánh giá cán bộ, vừa qua, tỉnh đã tổ chức kiện toàn cán bộ các cấp, công tác này được thực hiện bám sát các chủ trương của Trung ương và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, đảm bảo lựa chọn những cán bộ có đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nghiêm cấm các hành vi chạy chức, chạy quyền.

Qua việc triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản, chủ trương về công tác tổ chức bộ máy và cán bộ bước đầu đã tạo sự chuyển biến thực chất, rõ nét trong nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo sự đồng thuận, nỗ lực, quyết tâm cao, sự tâm huyết, khát vọng được cống hiến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở, từ đó thúc đẩy toàn diện về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Nổi bật trong 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 14,74%, xếp thứ 5 trong cả nước, tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, vượt xa so với chỉ tiêu nghị quyết của đại hội. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt cao nhất từ trước đến nay. Tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trong nhóm tỉnh, thành cao của cả nước. Năm 2022, dự kiến thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.000 tỉ đồng. Công tác cải cách hành chính được tỉnh thực hiện mạnh mẽ, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất, tốt nhất cho doanh nghiệp; kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư.

Tiếp tục thực hiện tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Đảng

Ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, đánh giá Hậu Giang đã triển khai thực hiện tốt Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tỉnh đã thực hiện đạt kết quả bước đầu Nghị quyết số 18 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Qua đó đã sắp xếp, giảm nhiều đầu mối, trung gian, giảm cấp phó trong cơ quan Đảng, chính quyền, hướng tới xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ông Mai Văn Chính còn cho rằng Hậu Giang thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế theo quy định; triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, công tác đào tạo, luân chuyển, bố trí, đánh giá cán bộ được tỉnh thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Phấn khởi với kết quả mà Hậu Giang đạt được, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đánh giá tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó có công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tỉnh đã ban hành Chương trình số 50 để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế hiện có. Ngoài ra, tỉnh đã nỗ lực thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Bà Trương Thị Mai cho rằng nhờ công tác tổ chức bộ máy và cán bộ được thực hiện tốt đã giúp Hậu Giang ổn định, phát triển. Đặc biệt là tăng trưởng GRDP trong 9 tháng năm 2022 đạt 14,74%, xếp thứ 5 trong cả nước, tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, từng bước được nâng lên.

Thời gian tới, bà Trương Thị Mai đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tiếp tục chú trọng cụ thể hóa 10 nhiệm vụ trọng tâm công tác xây dựng Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tiếp tục cụ thể hóa thực hiện toàn diện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng; việc cụ thể hóa phải phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, đưa nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý Hậu Giang cần quan tâm thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tạo nền tảng để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển vượt bậc hơn nữa. Trong đó, Hậu Giang cần xác định rõ các tiềm năng, lợi thế hiện có để có biện pháp đồng bộ để tận dụng, khai thác hiệu quả; tiếp tục liên kết với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>