Thắng lợi một nhiệm kỳ

12/04/2023 | 08:14 GMT+7

Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra. Nổi bật là Hội đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp (bên phải) thăm mô hình kinh tế tuần hoàn của Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong ở xã Tân Bình.

Theo bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp, trong 5 năm qua, nhờ phát huy tốt tinh thần đoàn kết, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện đã nỗ lực, hoàn thành nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao hàng năm. Cán bộ, hội viên tích cực, chủ động vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện, nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra.

Thiết thực chăm lo hội viên

Cách nay hơn 4 tháng, gia đình ông Phạm Văn Việt, hội viên nông dân ấp Tân Thành, xã Tân Bình, được Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng mái ấm nông dân. Khoảng 1 tháng sau đó, căn nhà bán kiên cố với diện tích khoảng 50m2 được xây dựng hoàn thiện. Hiện nay, ở tuổi xế chiều, vợ chồng ông Việt đã có được mái ấm khang trang và không còn lo sợ cảnh mưa lùa, gió tạt như những năm trước.

“Hơn 15 năm qua, vợ chồng tôi sống trong căn nhà cây tạm bợ cho đến khi cột kèo rỗng mục vẫn chưa có tiền cất lại do hoàn cảnh nghèo khó. Hay tin Hội Nông dân tặng cho mái ấm, lúc đó vợ chồng tôi mừng đến không ngủ được”, ông Việt cho biết.

Không chỉ riêng gia đình ông Việt mà trước thềm Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp lần thứ XII nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn đã vận động mạnh thường quân trao tặng được 51 mái ấm nông dân, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng, tổng kinh phí vận động trao tặng nhà 2,54 tỉ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Út, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân huyện và các cơ sở hội đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Ngoài việc vận động trao tặng mái ấm nông dân cho hội viên khó khăn về nhà ở để lập thành tích chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp thì trước đó Hội đã thành lập Tổ “Vận động thân nhân Việt kiều hỗ trợ xây dựng mái ấm nghĩa tình nông dân”, với 15 thành viên. Từ khi hoạt động đến nay tổ đã cất tặng 15 mái ấm nông dân cho hội viên nông dân nghèo khó khăn về nhà ở. Tổng kinh phí vận động tặng mái ấm gần 1 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, hội nông dân các cấp trên địa bàn huyện còn hỗ trợ vốn sinh kế cho 7 hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hội viên nghèo với số tiền 70 triệu đồng để thực hiện các mô hình sản xuất nhỏ, tạo thu nhập trong cuộc sống. Xây dựng mô hình “Hũ gạo nghĩa tình nông dân” qua đó quyên góp hơn 10 tấn gạo trao tặng cho 1.085 lượt hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trẻ em nghèo, cận nghèo, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn huyện. Các cấp hội còn vận động tặng trên 1.539 phần quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trao trên 356 suất học bổng, 12.460 quyển tập cho học sinh nghèo trên địa bàn...

Các cấp hội còn triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn và Kế hoạch giúp chi hội thoát nghèo bền vững giai đoạn 2018-2023. Theo đó, hội nông dân mỗi xã, thị trấn chọn 1 ấp đăng ký giúp thoát nghèo. Trong 5 năm, Hội đã giúp 385/385 hộ thoát nghèo, đạt 100% so nghị quyết, trong đó đã giúp 15/15 chi hội giúp thoát trắng, không còn hộ nghèo trong đề án. Với kết quả đó, đã góp phần đáng kể cho công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. 

Nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện luôn chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể nhằm tạo điều kiện cho nông dân nâng cao đời sống kinh tế.

Cuối năm 2022, Hội Nông dân huyện và Hội Nông dân xã Tân Bình hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong, tại ấp Tân Long, xã Tân Bình. Hợp tác xã có 14 thành viên tham gia, do bà Lữ Thị Nhật Hằng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc Hợp tác xã.

Bà Hằng cho biết: “Sau khi hỗ trợ thành lập hợp tác xã, Hội Nông dân huyện còn đang tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện để có thêm điều kiện mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã”.

Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong thành lập với nguồn vốn điều lệ 6 tỉ đồng. Hợp tác xã đang sở hữu khoảng 1ha diện tích đất sản xuất. Hiện nay, hợp tác xã đã xây dựng thành công mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

“Chúng tôi thu mua nguồn rơm rạ sau các vụ lúa của người dân trong và ngoài địa bàn để trồng nấm rơm sạch. Sau khi thu hoạch nấm thì bã rơm được tận dụng để trồng rau sạch và trồng cỏ để nuôi bò. Từ phế phẩm của bò cũng được tận dụng để làm thức ăn nuôi trùn quế. Con trùn quế sẽ làm thức ăn cho cá, gà, vịt... Đối với phân trùn quế, chất thải chăn nuôi được xử lý lại để trồng rau, trồng cỏ cho bò ăn. Với vòng tuần hoàn như thế mỗi năm nguồn thu nhập của chúng tôi đạt từ 500 triệu đồng, ngoài ra còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên tại địa phương”, bà Hằng cho biết.

Mới đây, Hội Nông dân xã Tân Bình còn phối hợp Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi bò với 7 thành viên, trong đó có một số hội viên là thành viên của hợp tác xã có kinh nghiệm nuôi và kết nối với các nông dân có mô hình chăn nuôi bò tại địa phương nhằm tạo điều kiện cho nông dân phát huy tốt hiệu quả mô hình chăn nuôi bò để tăng thu nhập.

Trong 5 năm qua, Hội Nông dân huyện và các cơ sở hội cũng làm tốt chức năng cầu nối tổ chức các hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Cụ thể đã phối hợp tổ chức 894 buổi tư vấn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 22.350 lượt hội viên, nông dân, đạt 123,14% chỉ tiêu nghị quyết; tổ chức 603 cuộc tập huấn nhanh trên các loại cây trồng: cây lúa, cây ăn trái, rau màu tại các xã, thị trấn có 15.075 nông dân tham dự. Phối hợp mở 72 lớp, đào tạo nghề cho nông dân như kỹ thuật trồng cây có múi, kỹ thuật canh tác lúa, kỹ thuật nuôi lươn… có 1.800 người tham dự, qua đó có 1.476 người có việc làm sau đào tạo, đạt tỷ lệ 82%.

Đồng thời, các cấp hội còn quản lý, sử dụng có hiệu quả các chương trình, quỹ hỗ trợ, hoạt động ủy thác ngân hàng giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện nhận ủy thác quản lý 157 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ trên 251 tỉ đồng, giúp cho 7.347 hộ vay để phát triển sản xuất. Riêng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân hiện nay trên 7 tỉ đồng, trong nhiệm kỳ tăng trưởng quỹ được 2,2 tỉ đồng, đạt 110% nghị quyết. Đến nay, nguồn vốn này đã cho vay 22 dự án, với 209 hộ vay. 

Nhờ làm tốt vai trò đại diện của Hội trong việc chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân mà 5 năm qua, Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp đã củng cố, phát triển mới được 10.600/6.009 hội viên, đạt 176,40% chỉ tiêu nghị quyết. Đến nay, huyện có 31.630 hội viên nông dân, trong đó có 31.630 hộ có hội viên, chiếm 85,67% hộ nông dân. Toàn huyện hiện có 142 chi hội, 783 tổ hội. Hàng năm, các cơ sở hội, chi, tổ hội duy trì nền nếp hoạt động theo đúng Điều lệ Hội. Nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu của hội viên.

Bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp, cho biết, thực hiện nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội trong huyện đã phát huy vai trò nòng cốt của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Hội tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở hội và chất lượng hội viên; đa dạng hóa các mô hình tập hợp nông dân, nhất là mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã thu hút được nhiều nông dân tham gia. Nội dung và phương thức hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành của ban chấp hành hội nông dân các cấp từng bước đổi mới, đạt kết quả quan trọng. Quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ từng năm có chọn nội dung tập trung, đột phá, tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các đơn vị. Các phong trào thi đua do Hội phát động tiếp tục phát triển, qua đó đã góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân...

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>