Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

13/09/2021 | 07:42 GMT+7

Định hướng phát triển nhanh trong những năm tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành lưu ý, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Hậu Giang, một trong những kết quả nổi bật mà tỉnh đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010; Kết luận số 28 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2011-2020 là xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao về giá trị, nâng cao năng suất, hiệu quả.

Tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Những kết quả phát triển nổi bật   

Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 140.270ha, chiếm 87,5% diện tích tự nhiên. Để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới thông qua nhiều chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất nhằm phục vụ tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp, góp phần duy trì ổn định mức tăng trưởng chung của tỉnh. Tỉnh còn xây dựng một số chuỗi giá trị các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển các nông sản chủ lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa nông nghiệp.

Đáng ghi nhận là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang được thành lập năm 2012 theo Quyết định số 1152 của Thủ tướng Chính phủ, quy mô 5.200ha đã tạo nền tảng cho tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đến nay, đã thu hút được nhiều dự án quan trọng với tổng mức đầu tư trên 330 tỉ đồng tập trung ở các lĩnh vực như: phát triển giống, sản xuất phân bón, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp kết hợp với vi sinh...

Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 34.679 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả được nhân rộng, trong đó có 22.335 mô hình thu nhập từ 50-100 triệu đồng/ha/năm; có 12.344 mô hình thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, một số hộ có doanh thu 1-2 tỉ đồng/ha/năm, doanh thu bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác khoảng 92,6 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết, là một huyện nông nghiệp nên Vị Thủy tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, nhất là triển khai nhiều mô hình sản xuất chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn gắn với bao tiêu hàng nông sản; triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn, sạch và ứng dụng khoa học công nghệ mới, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả cao được nhân rộng.

Nằm trong Dự án VnSAT ở Hậu Giang, ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy đã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa theo “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho nông dân, hướng nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa hàng hóa mang tính bền vững, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Vì vậy, kỹ thuật canh tác lúa theo mô hình “ 3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” hiện không còn xa lạ với người dân huyện Vị Thủy.

Ông Trần Văn Thêm, ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, trước đây sản xuất theo tập quán cũ, gieo sạ mật độ rất dày, khoảng 20kg cho 1 công. Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, ông bắt đầu chuyển dần qua sản xuất theo kỹ thuật này. Hiện ông thực hiện trên 1ha, chỉ còn gieo sạ khoảng 8kg/công, giảm lượng giống hơn phân nửa so với trước. Theo ông Thêm, nhiều nông dân như ông đã áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” để giảm lượng giống gieo sạ, lúa ít sâu bệnh nên giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật và lượng phân bón so với tập quán cũ.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện theo chuỗi giá trị cũng là mục tiêu mà huyện Vị Thủy đã và đang tập trung thực hiện. Trong đó, huyện chú trọng chuyển tư duy phát triển nông nghiệp từ ưu tiên tăng sản lượng sang phát triển theo định hướng thị trường, chuỗi giá trị sạch, an toàn và canh tác thông minh, xây dựng cánh đồng lớn, phấn đấu nông sản sau thu hoạch được bao tiêu trên 85%.

Cùng với đó, tập trung phát triển nông nghiệp xanh, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và tiếp cận nông nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất một số loại nông sản, thủy sản chủ lực. Mục tiêu là đến năm 2025 có ít nhất 2 mặt hàng nông sản chủ lực được thị trường công nhận thương hiệu hàng hóa, gắn với các vùng chuyên canh lúa, hoa màu, thủy sản.

Sản xuất theo hướng gia tăng giá trị

Để phát triển nhanh, bắt kịp các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước trong những năm tới, Hậu Giang đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020-2025 tăng 7-7,5%, cao hơn khu vực và cả nước tối thiểu 0,5%; giai đoạn 2026-2030 tăng 8-10%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung cả nước là 1%/năm. Góp phần thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp xác định phải phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Trong đó, tập trung phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; xây dựng, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung bền vững gắn với công nghiệp chế biến phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển của tỉnh theo hướng hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai… Nói về giải pháp thực hiện, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững.

Đặc biệt là trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang đã được HĐND tỉnh thông qua. Đẩy mạnh mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông sản, sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào đầu tư tại các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nhằm giảm chi phí đầu tư đầu vào, tăng giá trị đầu ra cho nông sản.

Cũng theo ông Trần Chí Hùng, tỉnh sẽ triển khai tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đặc biệt các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao chất lượng cao, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Tập trung triển khai các chương trình quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ cao; ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tích cực nhân rộng các mô hình, dự án khoa học công nghệ vào nông nghiệp, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp các kỹ năng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đáp ứng việc ứng dụng công nghệ 4.0.

Định hướng phát triển nhanh trong những năm tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành lưu ý, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trọng tâm là triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình số 02 về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025. Ưu tiên mở rộng, nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp thu hút nhiều lao động nông thôn, vừa tạo đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp, vừa giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.

Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất theo hướng gia tăng giá trị, nâng cao năng suất, hiệu quả. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường...

Mục tiêu phát triển đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I tăng bình quân trên 3%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%; tỷ lệ sản lượng sản phẩm nông sản được chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, thân thiện môi trường đạt trên 30%; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 30% tổng số lao động...

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>