Tận tâm, trách nhiệm với công việc

18/10/2023 | 10:27 GMT+7

Mỗi năm một lần, vào dịp 18-10, cán bộ, chuyên viên, người lao động Văn phòng cấp ủy Hậu Giang được tập trung để ôn lại Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy. Năm nay, mọi người về thành phố Ngã Bảy ôn lại và phát huy hơn nữa truyền thống hào hùng hơn 9 thập kỷ cống hiến, trưởng thành.

Ông Đồng Hoàng Dũng (đứng), Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, trao đổi công việc với Phòng Tổng hợp.

Kỷ niệm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy là dịp để mỗi cán bộ, công chức văn phòng ôn lại lịch sử các thời kỳ. 93 năm cống hiến và trưởng thành, văn phòng cấp ủy thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng. Như Bác Hồ đã nói: “Công tác văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình, cán bộ văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng…”, cho nên cán bộ, công chức văn phòng có thể tự hào rằng: Sự thành công của Đảng càng lớn thì công việc đóng góp có hiệu quả của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng cấp ủy càng nhiều.

Cán bộ Phòng Tổng hợp tập trung cho công việc.

Nhìn lại chặng đường 20 năm kể từ khi thành lập tỉnh Hậu Giang đến nay, người làm công tác tại các văn phòng cấp ủy ở tỉnh luôn tận tâm, hết lòng với công việc. Qua từng giai đoạn, có nhiều thế hệ cán bộ nơi đây trưởng thành.

Ông Đồng Hoàng Dũng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, thông tin, năm 2023 là năm bản lề của nhiệm kỳ 5 năm, là năm có nhiều sự kiện ấn tượng và quan trọng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, vì vậy, cán bộ văn phòng cấp ủy các cấp, trong đó có Văn phòng Tỉnh ủy bám sát nghị quyết, chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy để tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Phòng Tổng hợp, Văn phòng Tỉnh ủy có chưa đến 10 cán bộ, khi trao đổi, lãnh đạo Phòng lượng hóa khối lượng công việc đầu năm đến nay nhiều hơn so cùng kỳ và chắc chắn đây đến cuối năm cũng đầy ắp những công việc phải làm, với các lĩnh vực phụ trách tham mưu, giúp việc gồm: xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, nội chính và kinh tế - xã hội. Hầu như những chuyển biến của đời sống chính trị, xã hội, anh chị em nơi đây đều có công sức đóng góp.

Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cho biết thêm: Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thì Văn phòng, trong đó có Phòng Tổng hợp là nơi xây dựng, hoàn thiện các dự thảo thông báo, kết luận, chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết,… để Tỉnh ủy quyết định ban hành, lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là cả một quá trình nhằm cho ra đời những đảng văn đúng yêu cầu, khoa học, sát thực tế, đi nhanh vào cuộc sống.

Để có một văn bản chỉ đạo kịp thời, bộ phận phải am hiểu và cập nhật các văn bản gần nhất. Tiếp nhận, xử lý, hoàn thiện văn bản ở từng lĩnh vực một cách thận trọng, để qua đó tham mưu ban hành chủ trương đúng, góp phần tích cực đến quá trình phát triển các lĩnh vực ở địa phương. 

Trong công tác cán bộ, điểm qua các đảng văn quan trọng như: Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01/6/2022 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030; Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 01/6/2022 về việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 01/5/2023 về việc thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ. Những văn bản đó, với chi chít luận cứ, luận chứng và số liệu thì công tác thẩm định từ việc tổng hợp, so sánh, xác định chính xác vấn đề là cả một thời gian đầu tư của Bộ phận chuyên môn.

Đối với công tác cán bộ cụ thể, cán bộ phụ trách tuy đã quen việc nhưng khi tiếp nhận rất kỹ lưỡng trong phối hợp trao đổi về tiêu chuẩn, trình độ, các vấn đề lịch sử chính trị, lịch sử hiện tại, về bổ nhiệm, điều động, luân chuyển,… Muốn chính xác, tham mưu thuyết phục thì người làm công tác này phải không ngừng đọc, học, tham khảo nhiều nguồn, trong đó bám sát các quy định của Trung ương và của địa phương.

Về kinh tế - xã hội, để không bị động trong công việc, cán bộ tham mưu phải dự liệu nhiều vấn đề phát sinh trong thời gian gần; chủ động tài liệu, thông tin cần thiết khi thấy lịch làm việc của Thường trực Tỉnh ủy liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.

Để tham mưu ban hành các chủ trương về kinh tế - xã hội có chất lượng, cán bộ phụ trách ngoài học từ cấp trên, đồng nghiệp, còn học qua sách, báo, tài liệu liên quan, học của đồng nghiệp ở tỉnh, thành khác.

Một số chủ trương quan trọng về kinh tế - xã hội ở tỉnh có sự tham gia của cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy có thể kể đến đó là: hoàn thiện một bước các cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác; Chiến lược phát triển và hoàn thành Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với chất lượng quy hoạch cao,…

Ở Văn phòng Tỉnh ủy, với những cái khó, cái lớn, anh chị em có phương pháp giải quyết từ cái dễ, cái nhỏ trước, như vậy sẽ không bị rối. Công việc cần thiết thì phối hợp bên trong, bên ngoài và hỗ trợ qua lại. Vì vậy, dù lớn, dù khó nhưng với tinh thần đoàn kết, chấp hành nghiêm giờ giấc, chất lượng tham mưu luôn được đánh giá tốt và kịp tiến độ theo yêu cầu.

Văn phòng Tỉnh ủy không chỉ có Phòng Tổng hợp mà còn các Phòng Cơ yếu - Công nghệ thông tin, Phòng Tài chính Đảng, Phòng Quản trị, Phòng Hành chính - Lưu trữ, tất cả đều chung chí hướng tận tâm và trách nhiệm phục vụ.

Từ đầu năm đến nay, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng, Văn phòng Tỉnh ủy đã tham mưu, trình Thường trực, Ban Thường vụ và Tỉnh ủy ban hành 49 chương trình, 5 chỉ thị, 7 nghị quyết, 6 quy định, 22 thông báo, 128 kết luận... Tất cả đều được đánh giá cao về nội dung, hình thức, chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của cấp ủy.

Ông Đồng Hoàng Dũng khẳng định: Cán bộ, chuyên viên và người lao động văn phòng cấp ủy luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: “Công tác văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình. Cán bộ văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng... cho nên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật, để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Do đặc thù công việc, cán bộ Văn phòng cấp ủy phải luôn đặt mình trong trạng thái “Sẵn sàng chiến đấu” với tinh thần trách nhiệm cao nhất theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Cán bộ Văn phòng cấp ủy được tiếp xúc hầu hết các thông tin liên quan đến cấp ủy, chủ trương của Đảng, Nhà nước; được gần gũi và làm việc trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của cấp ủy, là cơ hội để học tập tác phong, kinh nghiệm công tác, phương pháp tư duy,… Đây môi trường thuận lợi giúp cán bộ văn phòng từng bước trưởng thành.

Đồng thời, ý thức văn phòng cấp ủy là “trường học đặc biệt” nên mỗi cán bộ, công chức luôn không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong, tuyệt đối trung thành, trau dồi kiến thức, tuân thủ nguyên tắc bảo mật; hòa nhã, khiêm tốn, tận tâm, tận lực, tận tụy, tận tình; không tự cao, tự mãn… góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Văn phòng cấp ủy với chất lượng, hiệu quả cao nhất theo phương thức “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”.

Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ ngày 14 đến 31-10-1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc) quyết định thành lập Văn phòng cấp ủy và các bộ phận chuyên môn giúp việc Trung ương Đảng. Đáp ứng nguyện vọng của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên Văn phòng các cấp ủy Đảng, Ban Bí thư Trung ương quyết định lấy ngày 18-10-1930 làm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy.

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>