Rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chol Chnam Thmay
Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, trụ trì chùa Ratanabatha, đánh giá: “Năm nay, đời sống đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh khấm khá hơn năm trước, nên Tết Chol Chnam Thmay này, bà con sẽ đón mừng rộn ràng, sung túc hơn”.
Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer năm nay, sẽ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16-4. Tuy nhiên, không khí đón tết của đại đức, chư tăng, bà con bắt đầu rộn ràng từ một tuần trước.
Các vị sư của chùa Pôthyrăngsây lau dọn sa la để chuẩn bị đón tết.
Chuẩn bị đón tết rộn ràng
Những ngày này, tại các phum sóc trên địa bàn tỉnh không khí đón Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer rộn ràng, vui vẻ hẳn lên. Các gia đình đồng bào dân tộc Khmer ngoài giờ lao động, sản xuất, đều tranh thủ dọn dẹp nhà cửa cho trang hoàng, sạch đẹp để đón tết. Nhiều phật tử ôn luyện những điệu múa truyền thống, bài hát để khoe tài trong những ngày tết sắp đến.
Dù công việc đồng áng có nhiều bận rộn nhưng hộ bà Kim Thị Tuyết, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, vẫn tranh thủ thời gian dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, bàn thờ Phật, cha mẹ, mua bông về trang trí. Theo bà Tuyết, gia đình có 7 công ruộng, vụ lúa Đông xuân vừa rồi, trừ chi phí lời gần 5 triệu đồng/công. Do lời khá cao nên Tết Chol Chnam Thmay này, hộ bà sẽ đón mừng rộn ràng, sung túc hơn năm ngoái.
Cụ thể, nếu năm rồi, bà làm 2 mâm để mời bà con, hàng xóm đến đón năm mới, thì năm nay, dự kiến tăng lên từ 4-5 mâm. “Tuy chưa giàu nhưng cuộc sống gia đình tôi đã thoải mái hơn trước nhiều. Vả lại, Chol Chnam Thmay là Tết truyền thống của dân tộc nên việc đón phải tươm tất, với mong muốn cả năm gia đình đều khỏe mạnh, sung túc, vui tươi”, bà Tuyết chia sẻ.
Tương tự, mấy ngày qua, hộ ông Danh Xem, ngụ khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh, cũng tất bật chuẩn bị đón Tết truyền thống của dân tộc mình. Ngoài dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, bàn thờ cha mẹ, chuẩn bị các nguyên liệu để gói bánh, ông còn sơn phết hàng rào, vách tường cho mới; tham gia tập luyện một số trò chơi dân gian để vui chơi với bà con trong những ngày tết.
“Tết này, ngoài người thân, hàng xóm, còn bạn của con đến chung vui. Do đó, tôi dự định làm 5 mâm để đãi khách. Năm mới, hy vọng kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển, gia đình tôi ngày càng ấm no, đủ đầy”, ông Danh Xem bày tỏ.
Còn việc chuẩn bị đón tết tại 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh cũng rộn ràng từ mấy ngày qua. Trong đó, có Chùa Ratanabatha, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, là một trong những chùa Phật giáo Nam tông Khmer lớn và thu hút phật tử đến vào dịp lễ, tết nhiều nhất tỉnh.
Vì thế, cũng như mọi năm, Ban Quản trị chùa phối hợp với xã chuẩn bị tổ chức tốt một số trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao, đập nồi đất để tạo sinh khí vui tươi đón mừng Tết Chol Chnam Thmay. Chưa kể, mấy ngày qua, nhiều bà con phật tử còn đến chùa tập nhảy lâm thôn và một số bài hát để biểu diễn trong đêm 14 và 15-4 này.
Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, trụ trì chùa Ratanabatha, cho biết: “Để chuẩn bị Tết Chol Chnam Thmay, chùa treo cờ, sơn phết hàng rào, cột cờ để tạo mỹ quan cho khuôn viên chùa sáng, sạch, đẹp. Đây là tết lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Khmer, nên chúng tôi phải chuẩn bị trang hoàng nhất, với hy vọng năm mới bà con phật tử hưởng mọi điều tốt lành”.
Còn tại chùa Pôthyrăngsây, thuộc khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh, đang xây chánh điện, nhưng cũng không ảnh hưởng đến việc tổ chức Tết Chol Chnam Thmay. Nhất là năm nay, các đại đức, chư tăng, phật tử đón Tết Chol Chnam Thmay vui hơn khi sa la của chùa được đưa vào sử dụng. Chùa vừa đóng xong ghe ngo để ngày 14-4 này, bà con phật tử tham gia tranh tài tại tỉnh Kiên Giang.
Đời sống ngày càng phát triển
Ban Dân tộc tỉnh thông tin, năm 2023, công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nhất là trong đồng bào dân tộc Khmer được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo đồng bộ, kịp thời. Cụ thể, các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc được triển khai, thực hiện sâu sát, phù hợp, góp phần giúp đồng bào vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.
Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, trụ trì chùa Ratanabatha, chia sẻ: “Tôi rất vui khi mỗi lần tết đến là chứng kiến thêm sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer, càng ấm no, hạnh phúc. Đó là nhờ việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án của Đảng, Nhà nước, tỉnh dành cho đồng bào dân tộc Khmer”.
Ông Thạch Khét, ngụ ấp 4, xã Vị Bình là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước trong năm 2023, chia sẻ: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi khá khó khăn, nhưng năm 2020, gia đình được hỗ trợ vay vốn để nuôi bò và cải tạo lại đất trồng hoa màu. Tôi còn được tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt nên đã áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, sinh kế gia đình gặp nhiều thuận lợi, cuộc sống dần khấm khá”.
Những chính sách của Đảng, Nhà nước, không chỉ giúp người dân chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm, mà còn thay đổi cả thói quen canh tác cũ để mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, giúp nhiều hộ từng bước vươn lên khá giàu.
Theo ông Ký Hiếu Thanh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thông qua các chính sách dành cho đồng bào dân tộc Khmer đã có tác động lớn đến diện mạo các phum sóc; đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện, phát triển.
“Mỗi năm, hộ nghèo, cận nghèo dân tộc Khmer đều giảm; chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào tiếp tục được chú trọng; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer được giữ gìn, phát huy”, ông Ký Hiếu Thanh cho biết thêm.
Với những kết quả đạt được, đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer, để tết này, bà con đón mừng năm mới trong không khí an vui, rộn ràng hơn.
Nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer đón tết tươi vui, ấm áp, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với ngành chức năng, địa phương tổ chức một số hoạt động thiết thực. Đó là họp mặt các vị sư sãi, cán bộ hưu trí, gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công cách mạng và người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer; tổ chức đoàn đi thăm, chúc tết, tặng quà tại Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh... |
Bài, ảnh: NHẬT TÂN
- Chuẩn bị tốt cho đại hội chi bộ
- Tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp
- Chậm nhất ngày 31-12-2024, kết thúc tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở
- Infographic: MỨC ĐÓNG BHYT ĐƯỢC NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 10 CỦA HĐND TỈNH
- Điểm tin sáng 5-10: Người dân gửi hơn 6,8 triệu tỉ đồng vào ngân hàng
- Cùng Sunlife Việt Nam tìm hiểu 3 loại hình bảo hiểm phổ biến
- Infographic: TRÌNH TỰ XÁC ĐỊNH HỘ LÀM NÔNG, LÂM, NGƯ VÀ DIÊM NGHIỆP CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH
- Điểm tin sáng 4-10: Khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
- Nâng cao kỹ năng cho các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”
- Bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp ra mắt mô hình mới
- Xét xử 16 bị cáo liên quan đến “tín dụng đen”
- Nguy cơ ùn tắc kiểm định khi gần 300 đăng kiểm viên ra tòa