Nhiều ý kiến thảo luận tâm huyết, hiến kế cho sự phát triển của tỉnh

08/12/2021 | 16:08 GMT+7

Tại phiên họp thứ ba Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa X diễn ra vào sáng ngày 8-12, các đại biểu được chia thành 4 tổ thảo luận. Rất nhiều ý kiến được đại biểu nêu lên, trao đổi đã làm rõ thêm nhiều vấn đề về quản lý nhà nước trong điều hành, thực hiện Nghị quyết năm 2021, đồng thời hiến kế cho Hậu Giang phát triển hơn trong năm 2022.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ.

Tăng trưởng kinh tế 8% có khả thi ?

Nhiều đại biểu tại tổ thảo luận số 2 đã trao đổi về kết quả thực hiện Nghị quyết năm 2021 và các chỉ tiêu sẽ tập trung thực hiện trong năm 2022. Đại biểu bày tỏ sự lo lắng khi chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2021 không đạt theo kế hoạch đề ra; đồng thời thể hiện sự băn khoăn khi tỉnh đề ra chỉ tiêu này trong năm 2022 là 768 triệu USD, tăng 25,7% so năm 2021.

Phân tích làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết, nguyên nhân dẫn đến giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 76,38% kế hoạch trong năm nay là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc hoạt động với quy mô nhỏ.

Ông Toàn cho biết, Sở Công thương đã làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Qua đánh giá, nhiều doanh nghiệp sẽ trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới nên giá trị xuất khẩu sẽ từng bước gia tăng trong thời gian tới. Đó là cơ sở để tỉnh xây dựng chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ trong năm 2022 là 768 triệu USD.

Tại tổ này, đại biểu còn đặt câu hỏi về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2022 là 8% liệu có quá cao trong điều kiện còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết, tỉnh đã căn cứ trên tình hình thực tế và rất cân nhắc khi quyết định đề ra chỉ tiêu này.

Theo ông Tuyên, tỉnh có điều kiện để thực hiện đạt chỉ tiêu này bởi trong năm tới, nhiều doanh nghiệp lớn như: Nhà máy nhiệt điện sông Hậu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu… sẽ mở rộng sản xuất, từ đó sẽ góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương.

Giải đáp các vấn đề đại biểu đặt ra về hiệu quả của hình thức học trực tuyến, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đối với những học sinh thiếu trang thiết bị học tập, Sở đã chỉ đạo cho giáo viên đến tận nhà giao bài. Về việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập thì phải đợi đến khi dịch Covid-19 tạm ổn, khi học sinh trở lại học trực tiếp thì giáo viên sẽ tổ chức ôn tập và cho học sinh kiểm tra.

Không khí thảo luận tại tổ số 3 cũng khá sôi nổi, đại biểu đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhờ vậy mà trong điều kiện có nhiều khó khăn, thử thách do dịch Covid-19 nhưng tỉnh đã có nhiều điểm sáng trong phát triển.

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế và các mặt của đời sống xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị tỉnh có báo cáo đánh giá tổng quát, toàn diện về sự tác động của dịch, cũng như các biện pháp về công tác phòng, chống dịch, từ đó có dự báo và đề ra các giải pháp phù hợp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ này, đại biểu Nguyễn Thị Tiếm, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đánh giá cao khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua Nghị quyết về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025.

Quan tâm đến sự phát triển lĩnh vực du lịch trong thời gian tới, đại biểu Tiếm cho rằng tỉnh cần xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách. Một khi lĩnh vực du lịch phát triển sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng dần chất lượng đời sống người dân.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ.

Cần quan tâm phát triển kinh tế hợp tác

Tại tổ thảo luận số 4, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đề xuất tỉnh cần quan tâm hơn giải pháp về nguồn nhân lực của tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú ý nhóm nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Tỉnh cần chú trọng công tác đào tạo nghề để tạo ra nguồn lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đặc biệt đối với nhóm lao động hồi hương do dịch Covid-19, cần rà soát nắm ngành nghề, chuyên môn của nhóm đối tượng này để giới thiệu vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp hiện có trên địa bàn. Đối với lao động trở về chưa có tay nghề thì cần có chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm tại chỗ để người dân ổn định cuộc sống, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà”, bà Hằng đề xuất.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bà Hằng kiến nghị HĐND tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế từ 3 tháng, 6 tháng cho đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021-2022.

Theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, hơn nửa năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến người dân, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Ông Triều đề nghị tỉnh nên có chính sách cho vay đối với cá nhân hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tạo điều kiện cho họ vượt qua khó khăn.

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, ông Triều cho rằng, thời gian qua, dù tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể nhưng số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chất lượng hoạt động của một số hợp tác xã chưa đảm bảo yêu cầu. Do đó, tỉnh cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tạo nhận thức cho người dân trong tham gia kinh tế tập thể. Trong đó, cần quan tâm việc hỗ trợ vốn cho người dân tham gia các tổ kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho thành viên các tổ phát triển sản xuất, tạo bước đệm để kinh tế tập thể phát triển hơn trong thời gian tới.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hiệu trưởng Trường Chính trị, cho rằng kinh tế hợp tác sẽ tạo sức mạnh nội sinh trong Nhân dân; quản lý tốt, phát huy hiệu quả kinh tế hợp tác sẽ giúp chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề xã hội ngay tại địa phương. Do đó, cần có những nghị quyết chuyên đề, chính sách phù hợp thúc đẩy các hợp tác xã hiện có, nhất là khâu chế biến sau nuôi trồng và liên kết giữa các hợp tác xã, liên kết giữa các xã, các đơn vị cấp huyện trong tiêu thụ sản phẩm.

Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, bà Loan cho rằng, phương án “thẻ xanh” cần được thúc đẩy nhanh chóng, trong đó tiêu biểu là lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và hộ gia đình có đảng viên, đoàn viên, hội viên và phải lấy công nghệ làm phương pháp chủ yếu cho tổ chức thực hiện. Nếu phương án này được triển khai đồng bộ, chính quyền các cấp sẽ được thuận tiện hơn, ít tốn các nguồn lực trong truy vết, khoanh vùng, cảnh báo khi xuất hiện các ca dịch trong cộng đồng và ảnh hưởng sinh kế của người dân thấp nhất có thể.

Cũng theo bà Loan, cần đổi mới truyền thông theo hướng thích ứng khác với sống chung. Qua đó, trang bị cho người dân kiến thức, sự hiểu biết khách quan, khoa học về Covid-19 và cách phòng, chống, mục đích là tăng sức đề kháng của toàn xã hội, không chủ quan nhưng cũng không cần sợ thái quá làm mất động lực lao động, sản xuất và thiếu chủ động thích ứng.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ.

Bà Loan còn kiến nghị trong công tác điều hành kinh tế - xã hội địa phương năm 2022, tỉnh cần đánh giá sát hơn, có giải pháp tốt hơn cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nội lực cho phát triển kinh tế trong năm 2022, tạo nền tảng cho kế hoạch 5 năm 2020-2025.

Tại tổ thảo luận số 1, đại biểu cho rằng tình hình xuống giống vụ lúa Đông xuân bị thiệt hại do mưa lớn; dịch tả heo châu Phi gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của nông dân, đề nghị ngành nông nghiệp quan tâm rà soát để tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kịp thời giúp người dân khắc phục khó khăn.

Qua báo cáo của UBND tỉnh cho thấy tiến độ thu hồi đất thực hiện các công trình, dự án của ngành tài nguyên và môi trường còn chậm. Đại biểu kiến nghị trong thời gian tới, ngành này cần có giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn, nhất là chú trọng các giải pháp khắc phục hạn chế mang tính chủ quan của ngành.

Tại 4 tổ thảo luận đã ghi nhận hàng chục ý kiến, kiến nghị của các đại biểu. Nhìn chung, đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, mạnh dạn bày tỏ, đề đạt những vấn đề quan trọng xuất phát từ ý kiến, kiến nghị, bức xúc của cử tri, cũng như liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những ý kiến tại các tổ thảo luận đã tạo nên cái nhìn toàn diện hơn về sự phát triển của tỉnh trong năm 2021, đồng thời giúp các cấp, các ngành đề ra những biện pháp, chính sách phù hợp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị trong năm tới.

T.SƠN - Mỹ AN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>