Nhân tố tạo động lực tăng trưởng của Hậu Giang

01/06/2023 | 07:32 GMT+7

Liên tục những tháng đầu năm, Hậu Giang đón nhận nhiều tin vui về tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh.

Trong buổi chiều cuối tháng 5, một cán bộ của tỉnh cho hay: “Tổng cục Thống kê công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt 14,21%, dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long, xếp số 1 cả nước, tăng 7 bậc so với 6 tháng đầu năm 2022 (tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 11%, dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long, xếp thứ 8 cả nước)”.

Trước đó, 3 tháng đầu năm, Hậu Giang cũng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng khi đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long và thứ 4 cả nước.

Tin vui khác nữa được công bố trong tháng 4-2023, đó là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 tỉnh nhà tăng 26 bậc, đứng thứ 12 cả nước. Cụ thể, Hậu Giang đạt 68,12 điểm, tăng hơn 4,92 điểm so với bảng xếp hạng năm 2021, tăng 26 bậc, lần đầu tiên vươn lên xếp thứ 12 cả nước. Có đến 7/10 chỉ số thành phần đạt từ 7 điểm trở lên, trong đó có những chỉ số rất ấn tượng như chi phí thời gian đạt 7,63 điểm; thiết chế, pháp lý đạt 7,55 điểm; tính năng động đạt 7,26 điểm; gia nhập thị trường đạt 7,25 điểm…

Dấu ấn của sự thay đổi tích cực ấy, suy cho cùng, xuất phát từ nhân tố con người. Bởi tỉnh nhà luôn khắc sâu và hiện thực hóa lời dạy của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đã minh chứng rõ ràng hơn về việc khẳng định “gốc của mọi công việc”. Đại hội xác định 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá giai đoạn 2020-2025 là: “Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của Tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Cụ thể hóa Nghị quyết XIV, Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Chương trình hành động số 50 và Kết luận 159 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chương trình 50, trong đó xác định phải ban hành các nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển toàn diện tỉnh nhà trong thời gian tới.

Bám sát Nghị quyết XIV, Chương trình 50 cũng chọn nhân tố con người là ưu tiên trước nhất để “then chốt” này “mở mũi” đột phá: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh”.

Khi chủ trương đã đủ, đã rõ thì “khung pháp lý” kiện toàn cán bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà lần lượt được ban hành.

Đó là Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 01/6/2022 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án số 05 ngày 01/6/2022 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” trên địa bàn tỉnh; Đề án số 04 ngày 01/6/2022 về “Thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”; Ban hành Quy định số 1120 ngày 1/6/2022 về “Quy định bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”; Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 13/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tỉnh Hậu Giang có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức tốt; có khát vọng, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ”; đề án về nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ…

Điểm qua có thể thấy, Hậu Giang rất ưu tiên ban hành chủ trương, chính sách, quy định nâng tầm cán bộ. Lĩnh hội nội dung các nghị quyết, đề án, có thể khẳng định trong công tác cán bộ được chỉ đạo xây dựng trên tinh thần đổi mới, đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, khát vọng, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Khi các đảng văn về cán bộ của Hậu Giang đi vào cuộc sống, “gốc của mọi công việc” dần đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, “ngang tầm nhiệm vụ” thì kết quả, thành quả, thành tựu có được nửa nhiệm kỳ 2020-2025 lần lượt được báo cáo, xếp hạng…

Cũng phải nói thêm rằng, sau kiện toàn bộ máy tổ chức, chương trình, nghị quyết, đề án về cán bộ đi vào đời sống chính trị - xã hội có độ trễ nhất định. Chính vì thế, Hậu Giang đã có những chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV với phương châm “chủ trương 1, chương trình 10, hành động 100”; các cấp, các ngành phải thấm nhuần và thực hiện ngay tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng vươn tầm.

Với các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết đã ban hành, các cấp, các ngành phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, rõ ràng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, có năng lực, bản lĩnh, sâu sát cơ sở, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu chung. Các cấp ủy, chính quyền và toàn dân lĩnh hội đầy đủ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc...

Một khởi đầu nhiều thuận lợi, nhiều thành tựu đánh dấu đỏ Hậu Giang trên bản đồ phát triển. Một kết quả mỹ mãn - tốt đẹp tới mức hài lòng, hoàn toàn như mong muốn bởi Hậu Giang luôn khắc sâu, thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. 

Hậu Giang sẽ tiếp tục đà phát triển chứ “không say sưa, ngủ quên trong chiến thắng”. Sẽ ban hành thêm các đảng văn về cán bộ như: Chính sách thu hút nguồn nhân lực; Chính sách đặc thù của tỉnh để khuyến khích cán bộ không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tự nguyện tinh giản biên chế; Chính sách khen thưởng thường xuyên, đột xuất nhằm tăng thu nhập ngoài lương, tạo động lực cho cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc… để “gốc của mọi công việc” bền, vững, là tác nhân, là động lực, là sức mạnh thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nửa nhiệm kỳ còn lại và các năm tiếp theo.

Hậu Giang cũng sẽ lĩnh hội đầy đủ hơn nữa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”; trong đó, thế hệ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu chung sẽ nhiều hơn, ngang tầm nhiệm vụ hơn, cống hiến hơn nữa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>