Kênh thông tin quan trọng trong đồng bào dân tộc Khmer

21/06/2023 | 08:34 GMT+7

Với chức năng, nhiệm vụ và ưu thế của mình, Báo Hậu Giang đã và đang kịp thời truyền tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer.

Ông Thạch Gươl (giữa), người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở ấp 5, xã Vĩnh Trung, thường xuyên tuyên truyền người dân về các quy định của pháp luật.

Góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Khmer

Ấp 5, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy có hơn 31% hộ dân tộc Khmer. Trước đây, do chưa tiếp cận kịp thời, sâu sát với các quy định của pháp luật nên nhận thức của nhiều hộ còn hạn chế, dẫn đến vi phạm như: đá gà, đánh bài, không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, đánh nhau… Tuy nhiên, thông qua những thông tin trên Báo Hậu Giang nên địa phương và người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã tuyên truyền đến người dân trong ấp nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định.

Nhiều năm qua, ông Thạch Gươl, được chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer của ấp, nên hàng tuần được tiếp cận và đọc Báo Hậu Giang. Từ đây, ông biết nhiều hơn về thủ đoạn của các loại tội phạm, sau đó tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn không tham gia vào các tệ nạn xã hội; chấp hành tốt các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; mạnh dạn hơn trong đấu tranh, tố giác tội phạm…

“Những nội dung trên tôi tuyên truyền đến đồng bào dân tộc mọi lúc, mọi nơi, từ đám tiệc, đi chùa cúng bái đến họp tổ, nhóm, đi chợ… để họ nắm bắt được thường xuyên”, ông Thạch Gươl chia sẻ.

Bà Sơn Thị Mỹ Hoa có 2 đứa cháu đang học tiểu học của một trường trên địa bàn xã. Trước đây, với tâm lý nhà gần trường và ở nông thôn, nên mỗi khi đưa rước cháu bằng xe đạp điện, bà không bao giờ đội nón bảo hiểm. Thế nhưng, sau khi được ông Thạch Gươl tuyên truyền và đọc trên Báo Hậu Giang về các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nên bà Hoa tuân thủ chấp hành tốt.

“Tuy không có điều kiện thường xuyên đọc Báo Hậu Giang, nhưng mỗi lần tiếp cận, tôi thấy có rất nhiều thông tin bổ ích cho mọi người, trong đó có phòng, chống tội phạm, quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, mô hình phát triển sản xuất hiệu quả... Tôi sẽ tuyên truyền người thân tiếp tục thực hiện tốt các quy định của pháp luật để xóm, ấp bình yên”, bà Sơn Thị Mỹ Hoa cho biết.

Ông Hồ Văn Đô, Bí thư, kiêm Trưởng ấp 5, xã Vĩnh Trung, đánh giá: “Cũng nhờ Báo Hậu Giang mà nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn ấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật được nâng lên, góp phần giúp tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn ổn định. Nhiều năm qua, ấp không xảy ra tội phạm về trật tự xã hội, người dân gây tai nạn giao thông”.

Tuyên truyền, định hướng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Khoảng 3 năm qua, hộ bà Thị Bé Ba, ở khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh là một trong những gia đình tiêu biểu trong vượt khó phát triển kinh tế. “Cũng nhờ theo dõi, đọc Báo Hậu Giang về những hộ dân linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, nên gia đình tôi áp dụng theo và đạt được kết quả như hiện nay”, bà Thị Bé Ba giải thích.

Theo bà Thị Bé Ba, cách đây khoảng 4 năm, trong một lần đến UBND phường IV để được giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Trong thời gian ngồi chờ cán bộ giải quyết, tình cờ bà thấy tờ Báo Hậu Giang để trên bàn làm việc của một cán bộ nơi đây, nên mượn đọc. Sau khi đọc, bà thấy thông tin về nhiều hộ làm mô hình trồng nấm rơm ở huyện Long Mỹ thoát nghèo, khá giả. Từ đó, thôi thúc bà xây dựng mô hình phù hợp với gia đình mình.

Qua nhiều đêm suy nghĩ, bà Thị Bé Ba nhận thấy, đặc trưng của địa phương là làm ruộng, trước khi xuống giống thì phải mướn máy chan mặt đất cho bằng phẳng, trong khi dịch vụ này ở địa phương rất ít người làm. Do đó, bà bàn với chồng mua máy về làm dịch vụ chan đất ruộng cho đến nay.

Theo bà Thị Bé Ba, khoảng 3 năm qua, trước mỗi vụ lúa, vợ chồng bà làm dịch vụ chan đất không chỉ cho người dân ở địa phương mà nhiều xã, phường trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy, thu về trên 20 triệu đồng/vụ, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Ngoài hộ bà Thị Bé Ba, trên địa bàn phường IV cũng có nhiều gia đình chuyển đổi ngành nghề thành công nhờ học hỏi những thông tin trên Báo Hậu Giang như: hộ ông Danh Thu, Danh Chi với nghề bán tạp hóa; Danh Sang làm dịch vụ máy xới, gặt đập liên hợp…

Ông Thái Văn Sóc, Bí thư, kiêm Trưởng khu vực 1, phường IV, nhận xét: “Thời gian qua, Báo Hậu Giang không chỉ có vai trò truyền tải những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn định hướng trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đây, giúp nhiều hộ mạnh dạn hơn trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên kinh tế gia đình dần khấm khá, góp phần thay đổi diện mạo địa phương”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>