Đổi mới trong thảo luận, góp ý xây dựng chương trình, nghị quyết

31/10/2022 | 08:37 GMT+7

Hội nghị trực tuyến triển khai các chương trình, nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII và sơ kết các văn bản của Trung ương, của tỉnh do Tỉnh ủy tổ chức cuối tuần qua đã cho thấy cách làm mới trong thảo luận, góp ý hoàn thiện các chương trình, nghị quyết của tỉnh.

Đại biểu phát biểu đóng góp ý kiến thảo luận tại tổ.

Cụ thể hóa thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tỉnh ủy xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Chương trình thực hiện Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết thực hiện Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Cùng với đó là Chương trình thực hiện Nghị quyết số 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Để xây dựng được một chương trình, nghị quyết của tỉnh là cả quá trình bài bản, công phu và trải qua nhiều bước. Sau khi có dự thảo các chương trình, nghị quyết thì Tỉnh ủy sẽ tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để đại biểu thảo luận, cho ý kiến về nội dung trước khi biểu quyết thông qua.

Ghi nhận nhiều ý kiến nhờ đổi mới cách làm

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, tại các hội nghị trước đây, việc báo cáo, trình bày dự thảo chương trình, nghị quyết, rồi tham luận, kết luận và biểu quyết thông qua chỉ trong vòng 1 buổi, chủ yếu là các cơ quan chủ trì xây dựng các chương trình, nghị quyết lên báo cáo nên không nhận được các ý kiến đa chiều, ý kiến đóng góp sâu rộng của các đại biểu dự hội nghị. Do đó, Tỉnh ủy chỉ đạo đổi mới cách làm nhằm ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận rộng rãi, dân chủ, tập trung. Có như vậy thì các chương trình, nghị quyết của tỉnh khi ban hành đảm bảo sát hợp với tình hình thực tế.

Cách làm mới của Tỉnh ủy là vừa tổ chức thảo luận tập trung tại hội trường, vừa chia đại biểu thành 4 tổ cấp tỉnh, 8 tổ cấp huyện để trao đổi, đóng góp ý kiến. Mỗi tổ thảo luận cấp tỉnh có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện; tổ tại cấp huyện có cán bộ chủ chốt của huyện và cấp xã. Qua đó, tất cả cán bộ chủ chốt các cấp đều tham gia thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo chương trình, nghị quyết của tỉnh, phát huy cao nhất tinh thần dân chủ, trí tuệ tập thể.

Diễn ra trong thời gian 1 ngày với cách làm mới, hội nghị ghi nhận gần 130 lượt ý kiến góp ý đầy tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu. Chẳng hạn về dự thảo Chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21, đại biểu kiến nghị tỉnh cần nhấn mạnh đến giải pháp quản lý đảng viên đi làm ăn xa. Bởi vì có quy chế, quy định cụ thể, nhưng việc triển khai quản lý đảng viên đi làm ăn xa thời gian qua rất khó khăn, cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn.

Góp ý đối với dự thảo Chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18, đại biểu cho rằng UBND tỉnh cần có chính sách, kế hoạch quy hoạch sử dụng đất đai, tránh tình trạng quy hoạch treo kéo dài nhiều năm dẫn tới lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Đối với dự thảo Chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19, đại biểu phản ánh tình trạng “được mùa mất giá”, “cung vượt cầu” vẫn còn xảy ra, gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người nông dân.

Do đó, đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ khi người nông dân rơi vào tình trạng trên, giúp bà con có điều kiện tái sản xuất vào mùa sau. Ngoài ra, để hạn chế xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”, “cung vượt cầu”, đại biểu còn đề xuất cần có 1 tổ chức nghiên cứu dự báo về thị trường, kết nối cung cầu nông sản. Hoạt động của tổ chức này giúp dự báo thị trường tiêu thụ nông sản, định hướng, khuyến khích người dân trồng trọt, chăn nuôi các loại cây trồng, vật nuôi mà thị trường đang cần.

Đại biểu còn cho rằng việc quản lý, điều hành hoạt động hợp tác xã nông nghiệp thời gian qua còn yếu, có tình trạng nhiều máy móc, thiết bị được đầu tư phải “đắp chiếu” do không có người biết sử dụng. Vì vậy, trong Nghị quyết của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20, đại biểu cho rằng tỉnh cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý hợp tác xã để họ có đủ năng lực, trình độ lãnh đạo, điều hành hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào kinh tế hợp tác…

Với sự đổi mới trong cách thức thảo luận, góp ý xây dựng các chương trình, nghị quyết cho thấy Hậu Giang từng bước cụ thể hóa tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”. Mỗi ý kiến đóng góp của cán bộ chủ chốt các cấp là góp sức vào quá trình xây dựng Hậu Giang ngày càng phát triển. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Huyện ủy Vị Thủy, việc chia tổ thảo luận sẽ ghi nhận được nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, trực tiếp của đại biểu, giúp việc xây dựng các chương trình, nghị quyết phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, nhấn mạnh: “Việc chia tổ thảo luận là cách làm hay, ghi nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu. Hội nghị còn tổ chức thảo luận tại điểm cầu cấp huyện, có sự tham gia của cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã. Với sự tham gia góp ý của các đại biểu có chuyên môn và các đại biểu có thực tiễn ở cơ sở giúp chất lượng thảo luận, cho ý kiến đối với các chương trình, nghị quyết của tỉnh được nâng lên”.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đánh giá với việc đổi mới đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc vào các chương trình, nghị quyết của tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản đã tiếp thu tối đa và giải trình có sức thuyết phục những vấn đề các đại biểu thảo luận. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu, hoàn thiện, ký ban hành các văn bản được thông qua tại hội nghị.

Quyết tâm thực hiện nghị quyết của Trung ương

Các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII là những nội dung rất cơ bản, hệ trọng, tác động nhiều chiều đến quá trình xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, của tỉnh Hậu Giang nói riêng. Do đó, việc cụ thể hóa thật tốt các nghị quyết này sẽ tạo nền tảng quan trọng để tỉnh nhà phát triển nhanh hơn nữa. Đáng ghi nhận là, các chương trình, nghị quyết thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII được tỉnh xây dựng bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đặc biệt là đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện khả thi, tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Cụ thể, trong Chương trình thực hiện Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, tỉnh xác định sẽ quản lý đất đai hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Mặt khác, nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; tạo động lực để tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khá. Trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả; nông thôn phát triển toàn diện, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc; đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng nâng cao.

Thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các địa bàn trong tỉnh; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đối với Nghị quyết thực hiện Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy đánh giá khu vực kinh tế tập thể có chuyển biến tích cực, nhiều loại hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế như: hợp tác xã còn ít về số lượng và yếu về chất lượng; hiệu quả hoạt động thấp, chưa tạo được động lực lan tỏa, thu hút các thành phần tham gia.

Từ thực tế trên, thời gian tới, tỉnh tập trung đổi mới hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tăng nguồn lực tài chính, tài nguyên, nhân lực hỗ trợ kinh tế tập thể; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể… Trong khi đó, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, Chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trọng tâm là đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, chất lượng phát triển đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cấp ủy viên, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đảng viên, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở.

Có thể thấy, các chương trình, nghị quyết được Tỉnh ủy xây dựng đã bám sát các nghị quyết của Trung ương và phù hợp với thực tiễn của tỉnh, đặc biệt là được thảo luận dân chủ, rộng rãi trong cán bộ chủ chốt các cấp. Đây là tiền đề để các chương trình, nghị quyết khi ban hành sẽ được thực hiện có hiệu quả, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>