Đổi mới phương pháp giảng dạy – Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy ở Trung tâm Chính trị thành phố Vị Thanh

28/06/2023 | 14:24 GMT+7

Trung tâm Chính trị thành phố Vị Thanh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn thành phố.

Giảng viên sử dụng phương pháp vấn đáp trong giờ dạy.

Trong giai đoạn hiện nay, để góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, mỗi giảng viên phải không ngừng phấn đấu rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức và năng lực công tác, mà trước hết là nâng cao chất lượng giảng dạy, vì chất lượng giảng dạy là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm. Để nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên, một giải pháp quan trọng là phải thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy.

Đổi mới phương pháp giảng dạy là khâu trọng tâm trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy ở các trung tâm chính trị cấp huyện và Trung tâm Chính trị thành phố Vị Thanh nói riêng. Đổi mới phương pháp giảng dạy thực chất không phải là sự thay thế các phương pháp giảng dạy truyền thống bằng một loạt các phương pháp giảng dạy mới. Về bản chất, đổi mới phương pháp giảng dạy là đổi mới cách tiến hành các phương pháp, trên cơ sở khai thác triệt để ưu điểm của các phương pháp truyền thống và vận dụng linh hoạt một số phương pháp mới nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học, chính vì vậy phương pháp giảng dạy mới còn được gọi là phương pháp giảng dạy tích cực. Như vậy, mục đích cuối cùng của đổi mới phương pháp giảng dạy là làm thế nào để học viên phải thực sự tích cực, chủ động, tự giác, luôn trăn trở tìm tòi, suy nghĩ và sáng tạo trong quá trình lĩnh hội kiến thức.

Phương pháp giảng dạy tích cực tập trung vào phát huy tính tích cực của người học. Giảng viên là người giữ vai trò hướng dẫn, gợi ý, tổ chức thực hiện giờ dạy. Phương pháp giảng dạy tích cực sẽ giúp nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức của người học, có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên của trung tâm đã có nhiều cố gắng thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm đạt kết quả tốt nhất trong giảng dạy và học tập. Lãnh đạo trung tâm đã quan tâm và chú trọng việc cử giảng viên đi tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp dạy học tích cực - cơ bản. Qua việc tham dự các lớp tập huấn và bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực - cơ bản, giảng viên của trung tâm đã có được những kiến thức cơ bản về phương pháp giảng dạy tích cực, từ đó mỗi giảng viên đều nâng cao nhận thức về việc phải đổi mới phương pháp giảng dạy từ phương pháp truyền thống như trước đây chủ yếu là phương pháp thuyết trình sang phương pháp giảng dạy tích cực với nhiều phương pháp khác nhau như hỏi - đáp, làm việc nhóm, tình huống …cùng việc soạn giảng trên máy vi tính và trình chiếu với nhiều hình ảnh và các số liệu, biểu đồ minh họa… Với phương pháp giảng dạy phong phú và đa dạng đã tạo điều kiện cho các giảng viên có điều kiện chọn lựa và áp dụng phù hợp với các đối tượng người học và nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Các buổi học, giảng viên sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực đã làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động, học viên được tham gia vào nội dung bài giảng, cùng làm việc giữa giảng viên và học viên, chính vì vậy tính tích cực tham gia học tập của học viên được phát huy, các học viên nhiệt tình tham gia các phương pháp giảng dạy, học tập do giảng viên đề ra, việc tham gia giải quyết các tình huống cụ thể đã làm cho học viên dễ hiểu bài và có thể vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ, học viên nhớ và hiểu bài lâu hơn so với phương pháp thuyết trình, qua đó học viên cũng đã có đóng góp ý kiến cho giảng viên để khắc phục các nhược điểm trong giảng dạy làm cho chất lượng giảng dạy được nâng cao. Qua thời gian thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, chất lượng giảng được nâng lên, giảng viên đều có chung nhận thức là phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đây là một trong những vấn đề cơ bản để giảng dạy tốt và học tập tốt.

Tuy nhiên, đây chỉ là những kết quả bước đầu, trong việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, vẫn còn có những buổi học, phương pháp giảng của giảng viên chỉ là thuyết trình, ngôn ngữ, ngữ điệu diễn đạt đều đều, thậm chí là tẻ nhạt, sử dụng phương pháp chưa khoa học, hợp lý, chưa phù hợp với đối tượng và nội dung bài giảng, chưa có tính thuyết phục, chưa phát huy được tính tích cực hưởng ứng của học viên, chất lượng giảng dạy chưa cao. Gần đây nhất, khi tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ học viên đối với giảng viên, vẫn còn có phiếu học viên đánh giá ở mức độ hài lòng đối với phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Từ những kết quả đã đạt được và những hạn chế nêu trên, xác định rõ nguyên nhân của những hạn chế, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy, theo tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, lãnh đạo trung tâm tiếp tục quan tâm, cử giảng viên tham dự các lớp bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực - cơ bản và phương pháp giảng dạy tích cực nâng cao cho đội ngũ giảng viên. Nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên về việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, nhận thức rõ tính ưu việt và giá trị khoa học của các phương pháp đó.

Thứ hai, đẩy mạnh việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn, để định hướng một cách thống nhất về cách tiếp cận nội dung kiến thức và áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực ở từng chuyên đề, để trên cơ sở đó đội ngũ giảng viên chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bài giảng của mình.

Thứ ba, xây dựng phòng học thông minh bằng cách tăng cường đầu tư, trang bị các trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy như máy vi tính, máy chiếu.

Thứ tư, mỗi giảng viên phải tích cực áp dụng các phương pháp giảng dạy một cách khoa học, có hiệu quả.

Để đổi mới phương pháp giảng dạy thì một yếu tố cơ bản của quá trình dạy học là người giảng viên. Giảng viên phải thành thạo trong các kỹ năng giảng dạy từ cách tổ chức lớp học, bố trí thời lượng, đặt câu hỏi, tổ chức và khuyến khích học viên thảo luận, dẫn dắt thảo luận, nhận xét, đánh giá… Giảng viên phải là những chuyên gia trong lĩnh vực, chuyên môn của mình, phải sử dụng thành thạo, hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại, tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng có thể gây phản tác dụng.

Thứ năm, tăng cường công tác thăm lớp, dự giờ giảng viên

Thông qua việc thường xuyên thực hiện công tác thăm lớp, dự giờ qua thao giảng, thanh tra, kiểm tra của các giảng viên, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên làm sâu sắc, phong phú thêm nội dung giảng dạy, sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, học tập, giúp đỡ lẫn nhau trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, tình cảm và trách nhiệm nghề nghiệp, thúc đẩy phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt", nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Nghĩ rằng, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo trung tâm, sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ giảng viên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ thực hiện có hiệu quả, chất lượng, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm trong thời gian tới.

Ths. Nguyễn Thanh Phong

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>