Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử

08/11/2022 | 05:32 GMT+7

Thời gian qua, Công an tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu đặt ra theo Đề án số 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Công an huyện Vị Thủy tăng cường cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho người dân và đăng ký tài khoản định danh điện tử.

Xác định Đề án số 06 là bước cụ thể hóa những tiện ích từ dữ liệu dân cư và thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp số hóa thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân nhằm thay đổi phương thức thủ tục hành chính thủ công sang phương thức điện tử. Từ đó, UBND huyện Vị Thủy giao Công an huyện tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch và thành lập tổ công tác triển khai đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, thành lập Tổ công tác Đề án số 06 từ huyện đến xã, thị trấn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ về thực hiện cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử; các tiện ích thông qua thẻ CCCD, ứng dụng VNEID. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra an ninh, đánh giá an ninh mạng, an toàn thông tin hệ thống Cổng dịch vụ công huyện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết phục vụ triển khai đề án.

“Chúng tôi còn tăng cường làm thêm giờ, các ngày nghỉ, ngày lễ để hoàn thành tốt việc cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử cho người dân đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn. Nhờ vậy mà đến nay, đã cấp hơn 58.650 thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, trong đó kèm định danh điện tử hơn 6.130 trường hợp”, thiếu tá Nguyễn Kim Nhanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Vị Thủy, cho biết.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, với vai trò là Cơ quan thường trực Tổ công tác triển khai Đề án số 06 tỉnh, Công an tỉnh đã xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của đề án này. Qua đó, chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong đề án.

Trên tinh thần đó, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân hiểu rõ và đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử trong các giao dịch hành chính, dịch vụ công; tổ chức cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân và tích hợp các giấy tờ để sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống xã hội… Đến nay, Công an tỉnh thu nhận hơn 713.030 hồ sơ cấp CCCD và 103.440 tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Ngoài ra, tỉnh đã cung cấp được 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06. “Nhìn chung, từ khi triển khai, thực hiện Đề án số 06, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; còn các đơn vị liên quan có sự phối hợp chặt chẽ. Riêng hệ thống trang thiết bị, nguồn nhân lực được củng cố, hoàn chỉnh để đáp ứng yêu cầu đặt ra”, thượng tá Nguyễn Bá Thành, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, đánh giá.

Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. Bởi Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi... nên khả năng tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế, nhất là nhiều người dân không biết sử dụng máy tính, internet, từ đó gây trở ngại cho việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Việc đăng ký tài khoản định danh điện tử để thực hiện trên dịch vụ công còn phức tạp, khó thực hiện.

Nhất là đa số người dân chưa đăng ký thông tin thuê bao di động chính chủ bằng số CCCD nên việc đăng ký tài khoản định danh không thực hiện được. “Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án số 06, trong đó tập trung về lợi ích thiết thực của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong thực hiện thủ tục hành chính để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động đăng ký định danh điện tử thông qua cấp căn cước công dân và thực hiện trên ứng dụng VNEID”, thượng tá Nguyễn Bá Thành nói.

Cũng theo thượng tá Nguyễn Bá Thành, đơn vị còn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở đợt cao điểm “90 ngày đêm” thực hiện các giải pháp bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>