Đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ

14/09/2022 | 16:11 GMT+7

Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, những năm qua, Tỉnh ủy Hậu Giang đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, địa phương tập trung thực hiện dân chủ, công khai, chặt chẽ, đúng quy định Trung ương trong công tác tổ chức, cán bộ.

Công tác cán bộ thường xuyên được Hậu Giang kiện toàn để phục vụ hiệu quả hơn nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương.

Cụ thể, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn trên cơ sở phát huy năng lực của cán bộ chủ chốt và vai trò của người đứng đầu, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ có nhiều đổi mới, đồng bộ, thực chất và hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm, coi trọng. Chế độ, chính sách đối với cán bộ được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Việc kiểm tra, giám sát công tác cán bộ được tăng cường, góp phần đổi mới và thực hiện hiệu quả các nội dung của công tác cán bộ.

Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 77 ngày 10/4/2018 và thực hiện Nghị quyết số 18 với 19 nhiệm vụ, công việc cụ thể theo lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tham mưu thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 142 ngày 22/01/2018 để triển khai thực hiện, nội dung bám sát 8 nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 19 của Trung ương. Đến nay, đạt một số kết quả bước đầu về thực hiện các mô hình kiêm nhiệm chức danh, như trưởng ban tuyên giáo cấp huyện kiêm giám đốc trung tâm chính trị (thực hiện 8/8 huyện, thị, thành); trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện (thực hiện 3/8 đơn vị); chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra (thực hiện thí điểm 1 đơn vị); bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã: được 10 xã; bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu vực được 282/539 ấp, khu vực.

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện được chỉ đạo từng bước, theo lộ trình đề ra.

Đến nay, Tỉnh ủy đã phê duyệt và tổ chức thực hiện đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ theo Quy định số 04-QĐi/TW của Ban Bí thư với kết quả sắp xếp theo quy định đối với Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung, các ban còn lại giải thể văn phòng, sắp xếp lại các phòng chuyên môn, ghi nhận giảm 8 đầu mối cấp phòng, giảm 8 chức danh trưởng phòng và tương đương, bố trí lại số nhân viên thừa hành, phục vụ hợp lý theo chức năng nhiệm vụ. Các sở, ban, ngành tỉnh đã xây dựng 19 đề án, sắp xếp từ 139 phòng chuyên môn còn 92 phòng chuyên môn (giảm 47 phòng); sắp xếp 16 chi cục trực thuộc sở còn 12 chi cục (giảm 4 chi cục). UBND cấp huyện có 8 đề án, sắp xếp từ 101 phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện xuống còn 82 đơn vị, giảm 19 đơn vị.

Thực hiện lộ trình tinh giản biên chế đảm bảo đúng theo kế hoạch đã đề ra, gắn với đó là kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy trong từng đơn vị, địa phương hợp lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng khung năng lực, vị trí việc làm đảm bảo theo hướng khoa học, tinh gọn đáp ứng được yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đối với khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cấp tỉnh, huyện đến năm 2021 giảm 10% số lượng biên chế so với số lượng biên chế được giao; đối với khối hành chính sự nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập, lộ trình giảm mỗi năm 327 viên chức và 21 hợp đồng lao động theo Nghị định 68; xây dựng định mức biên chế sự nghiệp, số lượng hợp đồng,… cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Công tác đánh giá cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, tập hợp được nhiều kênh tham gia nhận xét, đánh giá.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện như: Quy định số 2372 ngày 29/11/2019; Hướng dẫn số 04 ngày 29/11/2019 về nội dung kiểm điểm, tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn mức chất lượng, trách nhiệm, thẩm quyền các chủ thể tham gia đánh giá tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý hàng năm… Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa ban hành Quy định số 1120 ngày 01/6/2022, Quy định Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, áp dụng ngay từ năm 2022. Qua đó từng bước thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ bằng các hình thức phù hợp, gắn với kết quả thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII).

Khẳng định rằng, công tác cán bộ; nhận xét, đánh giá cán bộ đã có những chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng nể nang, ngại va chạm; trách nhiệm người đứng đầu được đề cao; giúp cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ ưu điểm để phát huy, kịp thời khắc phục, sửa chữa khuyết điểm và những mặt còn hạn chế để phấn đấu vươn lên hơn nữa…

THANH HIẾU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>