Chuyện ngại va chạm...

20/09/2022 | 08:53 GMT+7

Tiếp cận nhiều văn kiện đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở gần đây, thấy có những nhận định khá giống nhau: Còn tình trạng đảng viên nể nang, ngại va chạm; phê bình của đảng viên đôi lúc còn e ngại; và đề ra giải pháp khắc phục tình trạng trên trong nhiệm kỳ mới. Có lần đọc văn kiện nhiệm kỳ trước của một chi bộ, vẫn thấy nội dung ấy. Phóng viên có khảo sát nhỏ nhưng cũng đáng quan tâm.

Nhận xét của một chi bộ tại đại hội đảng viên.

Ít hay nhiều ?

Đại hội chi bộ A, thông tin ở phần hạn chế, khuyết điểm ghi: Tự phê bình và phê bình của một vài đảng viên đôi lúc còn e ngại. Nguyên nhân thể hiện trong văn kiện nêu: Do chi bộ có nhiều đồng chí là lãnh đạo sinh hoạt chung nên...

Với một chi bộ khác, tình trạng này cũng tương tự. Để tính chiến đấu của đảng viên được ghi nhận đầy đủ, chi bộ viết: Tự phê bình và phê bình trong đảng viên được thực hiện thường xuyên nhưng có lúc chưa nghiêm túc; có lúc chưa thật sự rõ nét; và thừa nhận, nguyên nhân là do còn nể nang.

Tại đại hội đảng viên chi bộ B, phó bí thư chi bộ đọc văn kiện nhận xét: còn một vài cán bộ, đảng viên chưa mạnh dạn phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng chi bộ, nguyên nhân do đảng viên thiếu tính chủ động…

Cầm trong tay gần chục văn kiện thì ngần ấy trong phần hạn chế, khuyết điểm hay nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm của chi bộ đều có ít nhiều nội dung trên, được tất cả đảng viên chi bộ thống nhất thông qua tại đại hội.

Đem điều này hỏi lại các bí thư chi bộ về việc có hay không nhiệm kỳ trước vẫn với đánh giá, nhận xét trên thì người thừa nhận, có người không dám khẳng định vì nói ra sẽ đụng chạm, không tốt cho mình.

Bí thư một Chi bộ xin giấu tên thông tin: Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, sợ ảnh hưởng khi phát biểu không biết vừa ý lãnh đạo không, có ở chi bộ mình và tồn tại nhiều năm qua chứ không phải đại hội vừa rồi.

Ở chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhận xét “có một vài, một ít cán bộ, đảng viên; đôi lúc, có lúc ngại, sợ” thì cấp cơ sở phải chăng là nhiều cán bộ, đảng viên và nhiều lúc nể nang? Trên cơ sở thì sao?...

Nể nang, ngại va chạm là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị của đảng viên được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị…”, và Văn kiện Đại hội XII của Đảng một lần nữa đề cập: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”…

- Vậy câu trả lời là ít hay nhiều?

- Khẳng định rằng là nhiều - “một bộ phận không nhỏ”.

Nó vẫn còn hiện hữu ở nhiệm kỳ 2020-2025 của các cấp đảng bộ và ngay ở chi bộ hiện nay - nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở.

Chuyện của người không sợ va chạm

Ông Lê Tuấn Kiệt (Ba Kiệt), nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cần Thơ (cũ), khi được hỏi lúc còn công tác và về sinh hoạt ở Chi bộ ấp 4, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, có ngại va chạm không, ông trả lời liền “hỏng có đâu, mình thấy trái là mình phải nói mới được”.

Ông Ba Kiệt tâm sự chuyện xưa, chuyện nay về xây dựng chi bộ nghe rất hay!

- Ông có nhớ khi còn tại vị, đã phê bình cấp trên mình không?

- Có chứ, đó là chuyện tế nhị, mình cũng nói thẳng là anh nên khéo, chứ không mất uy tín chết, cho nên anh ta sửa thôi.

- Ông nhận thấy, môi trường ông sinh hoạt khi ấy ra sao ?

- Dân chủ lắm, nhiều đảng viên lớn tuổi nên vô người ta nói thẳng hà, biết gì nói nấy, nói hết, mà hông phải lớn tuổi rồi mới dám nói, cái chính là hồi đó không sợ trù dập. Bị gì nói ra khuyết điểm, hạn chế của đồng chí mình là thương nhau, chớ hông thương thì nói chi. Mình đấu tranh là để cho đồng chí mình khỏi phải bị kỷ luật; mình sợ thì cái đó bậy rồi, hỏng được.

- Bây giờ thì sao ông?

Ông Ba kể mấy đời bí thư chi bộ ở ấp này, có người chịu nói thì bị ghét, có người lềnh lềnh thì đắc cử. Ông nào nói thẳng thì khó đắc cử à, bị đảng viên ở chi bộ khoái ông nào ít nói, ít rầy la...

- Bây giờ đảng viên đâu có nói đâu, nói nhiều còn bị ghim nữa chứ nên ít ai chịu nói, chịu đấu tranh...

Trong câu chuyện rất chân thật của ông Ba Kiệt làm phóng viên nhớ lại lời dạy của Tổng Bí thư Trường Chinh: “Xuất phát từ đoàn kết mà phê bình để tăng cường đoàn kết, như thế mới thật là đoàn kết chân chính”.

Và trong phát biểu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bế mạc Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ngày 2-2-1999, có đoạn: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Tự phê bình và phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, thực hiện dân chủ là một truyền thống tốt đẹp của Đảng ta”.

Để “dám nói” đi vào đời sống chính trị

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích, cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Trong đó, “dám nói” liên quan nhiều đến những gì vừa đề cập. Với thực tế hiện nay cho thấy có cán bộ, đảng viên không dám nói mà ứng xử theo lối “dĩ hòa vi quý”, “gió chiều nào theo chiều ấy”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, làm cho cái tốt không có điều kiện nảy nở, phát huy…

Bằng kinh nghiệm chính trị đúc kết được của ông Ba Kiệt thì “nói nhiều còn bị ghim nữa chứ nên ít ai chịu nói, chịu đấu tranh”, thì sao dám nói?

Vậy làm thế nào để cán bộ, đảng viên dám nói?

Ở cấp cơ sở, bà Phạm Thị Đang, Bí thư Đảng ủy phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, cho biết: Để cán bộ, đảng viên luôn ý thức cao, tận tình phục vụ quê hương, nhân dân thì vấn đề nêu gương trước tiên trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy - UBND phường hết sức quan trọng. Ngoài ra, còn là sự quan tâm chăm bồi thế hệ trẻ để nâng cao ý thức chính trị vì Đảng vì dân, nếu đã có mục tiêu vì Đảng vì dân rồi thì sẽ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn…

Đồng tình với cách làm nêu gương, nhưng ông Lê Tuấn Kiệt cũng băn khoăn: vận hành được chủ trương 6 dám khó lắm; muốn được trước tiên cán bộ lãnh đạo phải làm gương thực hiện trước; cán bộ lãnh đạo phải hơn người khác trong cách nghĩ, cách làm; nói và làm phải vì cái chung trước chứ không vì cái lợi cho mình.

Với ông Lê Minh Thật, cán bộ hưu trí huyện Long Mỹ, thì 6 dám là bước đột phá trong tiến trình dân chủ ở nước ta, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể phải quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Muốn 6 dám ngày đạt kết quả cao thì từ Trung ương đến cơ sở phải thực hiện nghiêm túc, cán bộ các cấp phải nói đi đôi với làm; như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, trong đó có nội dung 6 dám.

Sáu dám là cơ sở pháp lý, chính trị để cán bộ, đảng viên không còn ngại va chạm, nhanh chóng thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh của mình vì sự phát triển chung quê hương, đất nước. Nhưng như ở phần đầu của bài viết cho thấy, nhiều chi bộ, bí thư chi bộ không muốn tiết lộ danh tính của mình, phải chăng vẫn còn gì đó họ chưa dám ?

Mượn lời của ông Huỳnh Văn Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thay lời kết bài viết: Để cán bộ, đảng viên dám nói thì Đảng cũng phải có lực lượng dám lắng nghe, dám bảo vệ người nói lên sự thật; từ dám lắng nghe, dám ghi nhận, nhanh chóng sửa chữa hạn chế, khuyết điểm thì mới có nhiều người dám nói nữa.

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>