Cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân

02/12/2022 | 08:25 GMT+7

Truyền thông chính sách được xác định là quá trình chia sẻ thông tin về chính sách của Chính phủ và chính quyền địa phương đến người dân một cách tích cực nhất. Qua đây, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của công chúng để đạt được mục tiêu chính sách đề ra.

Các địa phương trên tại tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông chính sách bằng nhiều hình thức đa dạng, từ hệ thống loa cố định đến di động, các đợt tuyên truyền lưu động, trực quan...

Truyền thông chính sách gắn chặt với cơ sở

Trong cái nắng gay gắt của những ngày cuối tháng 11, chúng tôi có dịp đến xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, một trong những xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Dù là vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, nhưng tại đây nhận thức của bà con về các chính sách của Chính phủ và địa phương đã được nâng lên rõ nét. Người dân giờ đã biết chủ động vươn lên thoát nghèo, tự nguyện tham gia BHYT, tiếp cận với các chính sách về y tế, giáo dục… không còn trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ. 

Để có được kết quả này, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền địa phương đã chỉ đạo quyết liệt việc tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân. Hình thức được thực hiện thông qua hệ thống loa truyền thanh, ứng dụng zalo… Anh Nguyễn Tấn Tùng, cán bộ văn hóa - thông tin UBND xã Lương Nghĩa, chia sẻ: “Xã có 59 loa và cụm loa truyền thanh phủ đều các ấp. Do đặc trưng địa bàn là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nên ngoài tuyên truyền bằng tiếng Việt, chúng tôi còn thực hiện tuyên truyền các chính sách bằng tiếng Khmer qua hệ thống loa do VOV hỗ trợ. Không riêng gì địa phương, vào ngày rằm và 30 âm lịch hàng tháng, các chùa lớn trên địa bàn cũng mở các thông tin tuyên truyền về chính sách, chủ chương của Chính phủ và chính quyền địa phương bằng tiếng Khmer để người dân được biết”.

Thông thường mỗi buổi sáng, từ 6 giờ 25 phút và chiều từ 4 giờ 50 phút, hệ thống loa truyền thanh của địa phương sẽ đồng loạt bật để tuyên truyền các thông tin, hoạt động, chỉ thị, chính sách… trong thời gian từ 5-7 phút. Nội dung tuyên truyền tại xã được hỗ trợ từ Đài Truyền thanh huyện Long Mỹ. Nhờ được tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Chính Phủ, tỉnh dành cho vùng đồng bào dân tộc… ngày nay, cuộc sống của người dân trên địa bàn xã từng bước được nâng lên rõ rệt. Trong đó, số lượng hộ nghèo giảm, tỷ lệ hộ khá giàu tăng từng năm, ngoài ra còn xuất hiện nhiều gia đình hiếu học tiêu biểu…

Xác định truyền thông chính sách là một bộ phận quan trọng trong công tác hoàn thiện thể chế. Nhận thức rõ điều đó, tỉnh đã tập trung làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền từ trước, trong, sau khi ban hành chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật theo nguyên tắc “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân giám sát, Dân thụ hưởng”.

Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thực hiện qua các kênh, phương tiện truyền thông như: Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang, Tạp chí Văn nghệ Hậu Giang; 8 trung tâm văn hóa - thể thao và truyền thanh cấp huyện, 75 Đài truyền thanh xã với 3.556 loa truyền thanh (1.799 loa truyền thanh hữu tuyến và 1.757 loa truyền thanh vô tuyến); Cổng Thông tin điện tử của Tỉnh ủy; Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh với 45 cổng thành viên và 5 Trang thông tin điện tử tổng hợp...

Truyền thông chính sách cần sự đổi mới

Không riêng gì tại Hậu Giang, việc truyền thông chính sách cũng đang được xem là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ, Nhà nước để góp phần thực hiện hiệu quả việc ban hành các chính sách, chỉ thị, nghị quyết… Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách đã được chú trọng và đổi mới, từ “truyền thông nội bộ” tới truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở trung ương với nguồn lực được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ, ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Để thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề xuất: Các bộ, ngành, địa phương xác định đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ về công tác truyền thông chính sách thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình. Trên cơ sở đó, phân công một đầu mối hiện có để chủ trì thực hiện nhiệm vụ này và bố trí công chức, viên chức trong tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh các kênh thông tin truyền thống đang hoạt động rất hiệu quả như báo chí, truyền hình, phát thanh... việc tăng cường sử dụng các phương tiện, hình thức tuyên truyền phi truyền thống như: mạng xã hội, tin nhắn tuyên truyền... và cả các hình thức tuyên truyền như hệ thống loa phát thanh của xã, thôn, bản, đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên đến từng hộ gia đình, từng người dân đang rất hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị: “Cần tiếp tục đa dạng hóa các phương pháp và phương tiện truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện đặc thù của các vùng miền để các thông tin đến được với người dân, xã hội một cách nhanh chóng, chính xác nhất”.

Hiện nay, hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông...) góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ...

Mong muốn truyền thông chính sách thật sự hiệu quả hơn nữa, ông Lê Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), đề nghị: “Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương, các cơ quan chức năng cần có cơ chế nghiên cứu cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách tham gia thực hiện truyền thông, chính sách. Trong đó, có việc đặt hàng và đặt hàng giao nhiệm vụ, thường xuyên thiết lập kênh kết nối xuyên suốt và phối hợp hiệu quả các cơ quan để đảm bảo các hoạt động này được triển khai ổn định bền vững và có hiệu quả”.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách mới đây với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Công tác truyền thông chính sách có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, truyền thông chính sách phải để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng;” giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.

“Một số chủ trương chính sách đúng đắn, nếu làm truyền thông không tốt cũng khó tạo được sự đồng thuận. Thông qua truyền thông, phản ánh của dư luận về một số chính sách không phù hợp, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Để làm tốt công tác truyền thông chính sách đòi hỏi không chỉ có quyết tâm mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp, thậm chí phải là nghệ thuật,” Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>