Các bài học kinh nghiệm không kém phần quan trọng trong nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội

26/04/2023 | 08:01 GMT+7

Sau loạt bài: Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng: “Chìa khóa” nhân lên sự đoàn kết, tiến bộ, phát triển; trong đó, Báo Hậu Giang nhấn mạnh đến nhân tố “đoàn kết, đồng lòng, ủng hộ của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự phát triển ấn tượng của tỉnh”, thì các bài học khác cũng không kém phần quan trọng.

Ông Nghiêm Xuân Thành (thứ 2 từ phải qua), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. (Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân tại nhà công vụ). Ảnh: ĐÌNH BẢO

Người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, có năng lực, bản lĩnh

Đó là các bài học về việc Hậu Giang quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương, từ đó, cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải bảo đảm vừa có tính khả thi, vừa có tính đột phá.

Trước khi ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết, cần khảo sát thực tiễn, tổ chức thảo luận, lấy ý kiến từ tập thể cấp ủy đến cán bộ, đảng viên. Cán bộ chủ chốt phải trực tiếp tham gia góp ý xây dựng chương trình hành động, không giao phó cho bộ phận tham mưu. Sau khi ban hành, chương trình hành động phải được người đứng đầu cấp ủy trực tiếp triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là các đối tượng trực tiếp triển khai thực hiện.

Song song đó, chương trình hành động thực hiện nghị quyết được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện; có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, rõ ràng. Tập thể cấp ủy phân công nhiệm vụ cho các cấp ủy viên theo lĩnh vực công tác; gắn trách nhiệm cá nhân cấp ủy viên phụ trách đơn vị, lĩnh vực trong suốt quá trình triển khai thực hiện chương trình hành động.

Chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, có năng lực, bản lĩnh, sâu sát cơ sở, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu chung.

Đồng thời, định kỳ cấp ủy tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện nghị quyết theo chương trình hành động đã đề ra. Làm rõ phạm vi trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá nhân, tổ chức trong triển khai thực hiện, qua đó, phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt, kịp thời nhân rộng những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh, Hậu Giang luôn chủ động hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh khá trong khu vực, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ và đồng thuận trong Nhân dân; phát huy tiềm năng, lợi thế, nhất là nguồn lực con người, điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử để biến tiềm lực thành nguồn lực, biến khát vọng thành hành động, biến không thể thành có thể…

Những thành tựu, bài học kinh nghiệm quý báu nửa nhiệm kỳ là tiền đề rất quan trọng để thời gian còn lại của nhiệm kỳ là nền tảng vững chắc, động lực để tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành và hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, đưa Hậu Giang đạt mục tiêu tỉnh phát triển khá, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc…

Hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất

Với tinh thần “đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng” để tạo động lực phát triển mới, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân tỉnh nhà sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản:

Tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, điều chỉnh, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, bảo đảm cung cấp tốt, thuận lợi hơn các dịch vụ công thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên cơ sở duy trì tối đa đơn vị hành chính theo tiêu chí, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số giai đoạn 2023-2030.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng theo phương châm: “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Nghiên cứu xây dựng danh mục vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên. Chú trọng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn tại địa bàn cơ sở. Khẩn trương hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân.

Song song đó là triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, trọng tâm là phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã;... Tập trung nguồn lực tài chính phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, tạo động lực gia tăng nhanh tỷ trọng và cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ cùng với hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số.

Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy trong công tác phát triển đảng viên; xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ, bảo đảm tăng về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng đảng viên. Nghiên cứu ban hành chỉ thị, đề án phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Đổi mới công tác kiểm tra theo hướng trọng tâm, trọng điểm, khoa học; tiếp tục đổi mới hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Cải cách hành chính phải hướng đến nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từng năm và cả nhiệm kỳ; gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số. Các cấp ủy, chính quyền thường xuyên, chủ động làm việc, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với mục tiêu hiện thực hóa tối đa các dự án đầu tư đã ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2022 và với các nhà đầu tư mới.

Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề ra lộ trình, tiến độ thực hiện theo từng mốc thời gian; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ đơn vị, cá nhân phụ trách; định kỳ tổ chức rà soát, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo. Trong đó, năm nay tập trung tối đa các nguồn lực triển khai thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cả năm đã đề ra; toàn hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện đạt về số lượng, chất lượng đợt thi đua đặc biệt lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang (2004-2024)…

Xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng

 

Hậu Giang rất chủ động trong triển khai thực hiện Nghị quyết 13 ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 123 ngày 22-8-2022 thực hiện Nghị quyết, trong đó, xác lập quan điểm chỉ đạo rất rõ ràng và hệ thống mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể phù hợp với định hướng phát triển mà Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh…

Theo đó, xác định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Hậu Giang sẽ phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng là 4 lĩnh vực đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo và với quan điểm “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”.

Đến năm 2025, Hậu Giang xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng, cụ thể:

Tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu tích cực, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 đạt tốc độ 7%-7,5%/năm (hoặc cao hơn trung bình cả nước và khu vực khoảng 0,5%).

Đa dạng hóa, gia tăng nhanh bền vững nguồn thu ngân sách địa phương để tăng nguồn lực đầu tư phát triển.

Phấn đấu tăng thu nội địa tối thiểu 15% hàng năm. Chuẩn bị hạ tầng cho tăng tốc phát triển, với các nhiệm vụ chính bao gồm: Quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp; hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ; hạ tầng giao thông các tuyến đường tỉnh, huyện và liên xã.

Chuẩn bị các cơ sở hạ tầng xã hội để thu hút lao động nhập cư, giảm dần mức tỷ suất di cư qua các năm.

Cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng dịch vụ hành chính công đưa tỉnh Hậu Giang nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố có các chỉ số về môi trường cạnh tranh tốt nhất vùng ĐBSCL, bao gồm: Chỉ số PCI, PAPI và các chỉ số khác như: PAR Index, SIPAS…

 

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>