Xã được tỉnh chọn thí điểm chuyển đổi số: Đã có chuyển biến gì ?

04/09/2023 | 12:41 GMT+7

Năm 2021, xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A), được UBND tỉnh lựa chọn thí điểm thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã. Sau hai năm triển khai thí điểm 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của địa phương đã có nhiều thay đổi tích cực.

Ứng dụng tiện ích số, nhiều người dân trên địa bàn xã Thạnh Xuân đã tự quay clip, livestream bán các sản phẩm ngay tại nhà, điều mà chưa bao giờ họ nghĩ có thể làm được trước đây.

Khi công nghệ... ra dân

Là địa bàn phát triển mạnh các loại cây ăn quả, mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Do đó, để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn còn được hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương. Trên sàn giao dịch này, các hộ sản xuất, kinh doanh và người dân có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trao đổi, mua bán, mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa. Toàn xã đã có hơn 137 sản phẩm đăng ký trên sàn thương mại điện tử “Vỏ sò” và “Postmart”. UBND xã cũng đăng ký 1 tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử “Vỏ sò” với tên “XÃ THẠNH XUÂN, CHÂU THÀNH A, HG”, với các mặt hàng đã được đăng bán: măng cụt, chôm chôm, nhãn, chanh, ổi, chả cá thát lát, ốc nhồi, cua đinh, ba ba giống và thịt, trái nhàu, bưởi Năm Roi, khổ qua…

Ông Lê Thành Tông, ở ấp Trầu Hôi, chia sẻ: “Từ hồi được hướng dẫn mở tài khoản trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart, rồi giới thiệu và bán sản phẩm trên này, tôi thấy phấn khởi lắm, đỡ lo một phần về tình trạng được mùa mất giá như trước đây. Giờ chỉ cần chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, tôi đã giới thiệu bán được bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, măng cụt tới hàng ngàn khách hàng gần xa”.

Khi được hướng dẫn mở tài khoản trên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản, giờ đây trái cây trong vườn nhà ông Tông không chỉ có đầu ra ổn định, mà giá cả lại khá cao.

Chuyển đổi số không chỉ góp phần quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương, tận dụng các tiện ích số, đã giúp cho công việc buôn bán các sản phẩm phục vụ nông nghiệp của ông Lê Phước Bền, ở ấp Xẻo Cao, ngày càng thuận lợi hơn. Ông Bền tâm sự: “Từ hồi biết đến các tiện ích của công nghệ, tôi đã biết dùng điện thoại quay các clip hướng dẫn sửa, sử dụng cũng như bán máy móc phục vụ nông nghiệp. Nhờ vậy, sản phẩm của tôi hiện không chỉ người dân địa phương biết đến, nhiều khách ở xa từ tỉnh Long An, thành phố Cần Thơ… đã tìm đến mua máy hoặc các thiết bị cần thiết”.

Thực hiện mô hình điểm, xã được đầu tư khá đồng bộ cơ sở hạ tầng viễn thông, trang thiết bị máy tính… đáp ứng nhu cầu phục vụ chuyển đổi số. Cùng với đó là các ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền số như hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử; cổng dịch vụ công và một cửa điện tử; sử dụng chữ ký số chuyên dùng.

Những chuyển biến tích cực...

Là công nhân làm việc cho công ty may, chị Trần Thị Anh Khoa, ở ấp Láng Hầm C, cũng như nhiều đồng nghiệp cảm thấy rất bất tiện mỗi khi cần làm thủ tục hành chính. Vì muốn đến xã để làm giấy tờ, chị phải xin nghỉ làm một buổi hoặc cả ngày, bởi có nhiều thủ tục đôi khi phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn thiện. Chị Khoa bộc bạch: “Từ hồi được hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chỉ cần lên điện thoại thao tác khoảng vài phút là xong hết. Chứ như trước đây, đến xã rồi ngoài chờ đợi tới lượt, có khi thiếu giấy tờ này kia phải chạy tới chạy lui mới xong. Mới đầu, khi nộp hồ sơ trực tuyến tôi thấy không an tâm, tại có nhiều thao tác không biết mình làm đúng không, rồi không biết khi nào mới nhận được kết quả. Nhưng qua hướng dẫn của địa phương, sau vài lần tự nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà, bản thân tôi thấy sử dụng dịch vụ công trực tuyến rất tiện lợi tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại nhiều lắm”.

Năm qua, địa phương tiếp nhận 7.458 hồ sơ nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 111,06% kế hoạch. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp đánh giá hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%.

Sau hơn hai năm thực hiện thí điểm, một trong những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số cấp xã ở Thạnh Xuân, chính là nhiều người dân đã dần thay đổi về nhận thức, trở thành những nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như: hơn 85% hộ gia đình trên địa bàn đã sử dụng tài khoản mobile money hoặc tài khoản internet banking giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (hóa đơn điện, nước, đóng BHYT); hơn 5.000 người dân và 100% hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn đã cài ví điện tử; trên 85% hộ gia đình cài app Hậu Giang…

Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết: “Đến nay, địa phương đã hướng dẫn mở được 4.500 tài khoản dịch vụ công, hơn 5.000 ví điện tử, trên 10.293 sổ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn. Hiện tại, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 75%. Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân tạo tài khoản dịch vụ công, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, gắn với thực hiện Đề án 06, xã đang tích cực vận động người dân trong độ tuổi quy định làm căn cước công dân, cài đặt tài khoản định danh điện tử cấp 1, 2 trên ứng dụng VNeID”.

Ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, Đảng ủy, UBND xã Thạnh Xuân chú trọng thực hiện đồng bộ giải pháp xây dựng chính quyền điện tử, nhất là đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Để đưa dịch vụ công trực tuyến đến người dân, xã là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị vào bộ phận “Một cửa” theo hướng hiện đại với các thiết bị công nghệ, như máy tra cứu thủ tục hành chính, máy lấy số thứ tự giao dịch, máy in, máy scan, máy photo, camera giám sát, màn hình tivi… lắp đặt hệ thống wifi, âm thanh, khu vực ngồi chờ có máy lạnh, nước uống, báo, tạp chí phục vụ người dân miễn phí.

Với những kết quả trong triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã ở Thạnh Xuân, đã cho thấy sự quyết tâm của địa phương, đặc biệt là sự nhập cuộc, dần nâng cao nhận thức của người dân về nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Tuy nhiên, đây là hành trình dài, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt và nỗ lực hơn nữa, để chuyển đổi số thật sự đi vào cuộc sống...

Trên địa bàn xã Thạnh Xuân hiện có 9 tổ công nghệ số cộng đồng/9 ấp, với 63 thành viên là lực lượng đoàn viên thanh niên, phụ nữ, học sinh… tham gia hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số. Tính đến nay, toàn xã đã mở được 4.500 tài khoản dịch vụ công; hơn 5.000 ví điện tử; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 75% dân số; đưa hơn 137 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; mở hơn 10.293 sổ sức khỏe điện tử cho người dân; trên 85% hộ gia đình trên địa bàn đã sử dụng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng BHYT; khoảng 80% đối tượng chính sách trên địa bàn đã được hướng dẫn mở tài khoản nhận chi trả hàng tháng…

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>