Ưu tiên chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

01/02/2023 | 07:48 GMT+7

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định giáo dục được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực y tế. Vậy ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà đã có những khởi đầu thế nào trong chuyển đổi số.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tương tác trong quá trình học.

Khởi đầu từ công nghệ...

Nếu trước đây giờ học của khối lớp 1 Trường Tiểu học Tân Long 1, huyện Phụng Hiệp, chủ yếu là cô giảng, trò chép, thì nay học sinh không chỉ hào hứng, chăm chú nghe giảng, còn tương tác với giáo viên và các bạn. Việc soạn giáo án điện tử, dạy học bằng máy chiếu, màn hình tivi đã giúp cho các tiết học giờ trở nên sinh động hơn, thông qua sáng tạo của giáo viên khi truyền tải kiến thức đến học sinh.

Bà Võ Việt Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long 1, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Hiện tại, 100% các bài dạy của giáo viên các khối đều sử dụng giáo án điện tử, không chỉ vậy, việc giao bài, chấm còn được linh động thực hiện qua phần mềm. Có thể thấy, từ khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đã giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, sáng tạo hơn trong giảng dạy. Nhờ vậy, học sinh rất hứng thú và tiếp thu bài nhanh hơn”.

Các trường trên địa bàn tỉnh còn tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực từ quản lý, đào tạo, đến nghiên cứu khoa học, tuyển sinh... Hệ thống phần mềm quản trị đã giúp các trường quản lý hiệu quả hoạt động chuyên môn của giáo viên; tiến trình, kết quả học tập của học sinh, cùng nhiều hoạt động khác. Hệ thống quản trị của nhiều trường học cho phép phụ huynh có thể truy cập, tra cứu kết quả học tập, rèn luyện của con em mình.

Điển hình như tại Trường THPT Chiêm Thành Tấn, thành phố Vị Thanh, từ đầu năm học 2022-2023 trường đã sử dụng phần mềm quản lý trường học (Smas). Ông Nguyễn Quốc Sở, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Khi sử dụng phần mềm Smas, đã giúp trường thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý hồ sơ học sinh, hồ sơ giáo viên, quá trình học tập và rèn luyện của học sinh; quá trình công tác, giảng dạy của giáo viên; quản lý các kỳ thi của học sinh. Trong đó, các ứng dụng của phần mềm như quản lý nhà trường, việc tính điểm, đánh giá học sinh được thực hiện nhanh gọn hơn thay vì viết tay vào sổ theo dõi hay học bạ như trước đây”.

Phần mềm Smas được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đưa vào thực hiện nhiều năm nay. Không chỉ thực hiện chức năng quản lý (cập nhật đầy đủ dữ liệu, thông tin về giáo viên, học sinh, điểm, xếp loại…), phần mềm còn có chức năng nổi bật: nhắn tin tích hợp từ phần mềm với các dịch vụ tin nhắn giáo viên và dịch vụ tin nhắn phụ huynh học sinh. Tính năng này, gồm những tin nhắn tự động (khi nhà trường cập nhật đầy đủ dữ liệu lên phần mềm Smas theo định kỳ, phần mềm sẽ tự động gửi thông tin tới các số điện thoại di động đăng ký nhận tin) và tin nhắn chủ động (khi có những thông tin đột xuất, nhà trường cập nhật vào phần mềm để nhắn tin cho giáo viên hoặc phụ huynh).

“Với ứng dụng Smas, thầy cô giáo có thể chủ động cập nhật điểm số của từng môn học và hạnh kiểm cho mỗi học sinh. Từ đó, qua app edu.one trên điện thoại thông minh liên kết với Smas, phụ huynh có thể nắm được thông tin về thời khóa biểu, lịch học, kết quả học tập của con em mình giúp phụ huynh và các em kịp thời lên kế hoạch học tập phù hợp”, ông Nguyễn Quốc Sở, Hiệu trưởng Trường THPT Chiêm Thành Tấn, chia sẻ thêm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tương tác trong quá trình học.

Chuyển mình nhờ công nghệ

Xác định sử dụng hoàn toàn các bước thanh toán bằng công nghệ, trực tuyến cũng là một trong những bước tiến để tiến tới xây dựng trường học thông minh, ông Nguyễn Phước Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tâm sự: “Nhà trường đã và đang phối hợp với đơn vị cung cấp các phần mềm nhằm đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường. Ngoài ra, còn hướng dẫn giáo viên, phụ huynh lập tài khoản, cài đặt App thanh toán học phí. Chúng tôi cũng tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh để tạo sự đồng thuận, thực hiện đồng bộ trong nhà trường. Trường thực hiện thu hộ BHYT, học phí cho học sinh bằng hình thức không dùng tiền mặt đạt khoảng 30%”.

Để thay đổi thói quen nộp học phí, các khoản đóng góp từ trực tiếp sang sử dụng công nghệ số, phòng giáo dục và đào tạo huyện đã có văn bản hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Phối hợp với các đơn vị cung cấp các ứng dụng, giải pháp công nghệ số... để hướng dẫn thực hiện các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học.

Không chỉ các trường nói trên, mà nhiều trường học từ mầm non, mẫu giáo đến THPT trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động. Việc chuyển đổi số trong các trường học tuy mới bắt đầu nhưng đã đem lại hiệu quả rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận với những thành tựu mới của khoa học - kỹ thuật trong xu thế hội nhập quốc tế.

Ông Phan Trọng Nguyễn, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy, cho biết: “Với lợi thế có 37/45 trường đạt chuẩn quốc gia, nên về trang thiết bị để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của các trường đảm bảo phục vụ nhu cầu. Hiện tại, các trường trên địa bàn đang sử dụng phần mềm Vnedu (phần mềm quản lý trường học), dù còn gặp một số khó khăn nhỏ, nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Dự kiến sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị tập huấn, triển khai phần mềm không dùng tiền mặt để các trường thực hiện”.

100% cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý trường học. Hơn 150 cơ sở giáo dục đã đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục do Bộ GD&ĐT cung cấp. 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã được kết nối internet cáp quang tốc độ cao và phủ sóng wifi.

Dù chuyển đổi số ở các trường vẫn gặp không ít khó khăn, nhưng bước đầu góp phần không nhỏ cho các trường trong thực hiện các hoạt động dạy học hiện đại.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>