Tiện ích với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

07/07/2022 | 07:18 GMT+7

Chuyển đổi số được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện. Đặc biệt, xu hướng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt hay thanh toán điện tử là một trong những mục tiêu của tỉnh và ngành ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh.

Khách hàng quét mã QR thanh toán giao dịch.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh Hậu Giang, thời gian qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai các ứng dụng thanh toán trực tuyến cùng nhiều chương trình ưu đãi khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng đa dạng, an toàn, tiện lợi. Theo đó, cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ được chú trọng đầu tư, nâng chất lượng và phát huy hiệu quả, công nghệ thanh toán điện tử hiện đại, công tác đảm bảo an toàn an ninh hệ thống thanh toán điện tử được coi trọng và tăng cường.

Ông Lê Thanh Tiền, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Để triển khai thực hiện các mục tiêu năm 2022 của Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 10/5/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, hiện nay chi nhánh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện theo Kế hoạch số 82 của UBND tỉnh, đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ tiện ích, tuyên truyền những lợi ích trong thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân. 

Trong năm 2021, số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua các dịch vụ ngân hàng trên địa bàn như ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, séc, thẻ, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, thanh toán qua QR pay… đều tăng. Đối với thanh toán hoạt động qua thẻ ATM, thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, máy ATM và số lượng phát hành đều tăng qua các năm. Tính đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 79 máy ATM, tăng 6 máy, với số lượng thẻ phát hành trên 489.000 thẻ, tăng trên 134.000 thẻ so với năm 2019. Đối với hoạt động thanh toán qua máy POS, số lượng giao dịch tăng gấp đôi, còn giá trị thanh toán tăng gần gấp 3 lần.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai và thực hiện tốt việc thu thuế từ chi nhánh đến các phòng giao dịch. Cụ thể, trong năm 2021 số lượng khách hàng nộp thuế qua các tổ chức tín dụng được 59.241 món, với số tiền trên 2.432 tỉ đồng. Trong năm qua, phối hợp với các ngành đã thu hộ tiền điện đối với các dịch vụ thanh toán tiền điện với số tiền trên 647 tỉ đồng, tăng 233 tỉ đồng. Đối với việc thu tiền học phí đạt 10.317 món, với số tiền gần 12 tỉ đồng, tăng hơn 8,5 tỉ đồng. Đối với chi trả lương hưu, dịch vụ an sinh xã hội, trợ cấp bảo hiểm xã hội, y tế, trợ cấp nghỉ việc cho các đối tượng thụ hưởng với 39.604 món với số tiền trên 175 tỉ đồng, tăng trên 44 tỉ đồng so với năm 2020.

Theo Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, việc thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai thực hiện cho khách hàng khi đến giao dịch. Tuy nhiên, một số người dân vẫn còn quen hình thức thanh toán dùng tiền mặt. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt để thay đổi thói quen của người dân. 

Để thực hiện Kế hoạch số 82 của UBND tỉnh, hiện nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp và các sản phẩm dịch vụ. Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Dịch vụ và Marketing, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hậu Giang (Agribank), cho biết: Xu hướng công nghệ số ngày càng được các tổ chức tín dụng quan tâm, đầu tư và áp dụng vào các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Thay cho thói quen thanh toán bằng tiền mặt, người dùng đã chuyển dịch qua các hình thức tiện dụng hơn như sử dụng thẻ ATM, thẻ tín dụng, POS. Không dừng lại ở đó, hiện nay khách hàng có thể thực hiện tất cả các giao dịch, thanh toán trong vài giây chỉ với một cú chạm trên các ứng dụng ngân hàng số qua mã QR.

Trên địa bàn tỉnh, Agribank Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều sản phẩm dịch vụ mang đến những tiện ích vượt trội. Đẩy mạnh triển khai số hóa trong thanh toán dịch vụ công, Agribank Hậu Giang liên tục mở rộng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ ở các lĩnh vực khác nhau như điện, nước, viễn thông, giáo dục, y tế, bảo hiểm và các đơn vị hành chính công, thuế, Kho bạc Nhà nước để đáp ứng tối đa nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, Agribank đã triển khai các giải pháp tuyên truyền, quảng bá và khuyến khích sử dụng dịch vụ ngân hàng đến mọi đối tượng khách hàng để thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn như mở tài khoản, đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, triển khai QRCode, phát thẻ ngân hàng cho đối tượng khách hàng trên địa bàn nông thôn, học sinh, sinh viên; trang bị máy POS; luân phiên đưa ngân hàng lưu động (xe giao dịch lưu động) đến vùng sâu, vùng xa để người dân dễ tiếp cận nguồn vốn, cấp hạn mức thấu chi và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại.

Tính đến nay, Agribank Hậu Giang có khoảng 170.000 khách hàng cá nhân có tài khoản thanh toán, trong đó gần 5.000 khách hàng trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Khoảng 110.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, 100.000 thẻ ATM đang lưu hành. Có 11.000 hộ gia đình thanh toán hóa đơn tiền điện, 1.000 hộ gia đình thanh toán hóa đơn tiền nước qua Agribank, với mỗi năm trung bình có hơn 120.000 hóa đơn tiền điện và 12.000 hóa đơn tiền nước.

Theo Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Hậu Giang, nhằm thực hiện Chủ trương của Chính phủ, NHNN, Vietinbank Việt Nam về đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong dân cư, hiện nay, chi nhánh chuẩn bị chiến dịch phủ sóng VietQR, đẩy mạnh tư vấn khách hàng cá nhân mở tài khoản trực tuyến và tạo mã VietQR trên toàn địa bàn tỉnh. Tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh thay đổi nhận thức của người dân thay đổi thói quen dùng tiền mặt chuyển sang  thanh toán không dùng tiền mặt.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>