Thích ứng với 4.0 để hiệu quả hơn, hiện đại hơn

28/09/2022 | 18:59 GMT+7

Bài 2: Hiện đại, chuyên nghiệp hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động công vụ. Điều đó cho thấy nhận thức, tư duy mới trong nỗ lực đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, phù hợp với xu thế chung, mang lại nhiều “quả ngọt”.

Các cấp bộ đoàn tận dụng hiệu quả mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, tập hợp đoàn viên, thanh niên.

Tận dụng lợi ích của mạng xã hội

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu, khả năng sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng cao và phổ biến. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã thành lập nhiều nhóm mạng xã hội (zalo, facebook…) phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Các nhóm mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích góp phần cải cách hành chính trong hoạt động của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng.

Ông Lê Văn Hòa, Bí thư Chi bộ khu vực 2, phường IV, thành phố Vị Thanh, cho rằng việc thành lập và duy trì hiệu quả nhóm zalo mang lại nhiều lợi ích, rõ nhất là góp phần cải cách hành chính, giảm chi phí in tài liệu.

Ông Hòa giải thích: “Trước đây, khi chưa thành lập nhóm zalo, mọi thông báo, thông tin của chi bộ thì tôi phải liên hệ với từng đảng viên, nay chỉ cần nhắn trên nhóm thì mọi người có thể cập nhật được. Báo cáo họp lệ hàng tháng được cập nhật lên nhóm trước thời gian họp 3 ngày để đảng viên nghiên cứu, đóng góp trực tiếp trên đó. Cách làm này giúp chi bộ tiết kiệm chi phí in báo cáo; đảng viên có thể sớm tiếp cận với báo cáo nên có thời gian nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến”.

Tuổi trẻ tỉnh nhà lâu nay đã khai thác hiệu quả các tiện ích của mạng xã hội trong tuyên truyền, tập hợp đoàn viên, thanh niên. Hiện tại, Tỉnh đoàn đang quản lý 1 website, 3 trang fanpage (một trang lập ra từ tài khoản facebook) của đoàn, hội, đội và 1 trang zalo page Tuổi trẻ Hậu Giang hoạt động hiệu quả, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động của đoàn, hội, đội, các sự kiện, nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, của đất nước đến cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên và Nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn còn chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội từ huyện đến cơ sở thành lập trang fanpage và kết nối vào hệ thống quản trị fanpage của Trung ương Đoàn. Tính đến nay, có 12/13 trang fanpage cấp huyện, 125/128 trang fanpage đoàn cơ sở được vận hành (một số đơn vị đặc thù không có trang fanpage). Hệ thống fanpape này không chỉ làm tốt việc kết nối, tương tác giữa tổ chức đoàn với đoàn viên, thanh thiếu nhi mà còn là “cánh tay nối dài” của đoàn, hội, đội trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cập nhật, chia sẻ thông tin nhanh nhất hoạt động của các cấp bộ đoàn, qua đó nâng cao chất lượng tuyên truyền và thuyết phục thanh niên.

Anh Bùi Hữu Lộc, Bí thư Tỉnh đoàn, đánh giá, các trang mạng xã hội của các cấp bộ đoàn đã góp phần quán triệt và triển khai thông tin nhanh, rộng, tiện lợi, tiết kiệm. Hình thức triển khai phong phú, đa dạng, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu của thanh niên, góp phần cải cách hành chính trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.

Thấy được lợi ích của mạng xã hội nên hệ thống Mặt trận trên địa bàn tỉnh đã thành lập 600 nhóm zalo từ tỉnh đến cơ sở. Khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thì Mặt trận tỉnh sẽ cập nhật vào nhóm zalo của Mặt trận cấp huyện, sau đó huyện sẽ chuyển tải đến các nhóm ở cơ sở. Cách làm này giúp cán bộ Mặt trận các cấp tiếp nhận nhanh các văn bản chỉ đạo, sớm triển khai, phổ biến ra các tầng lớp nhân dân.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các nhóm zalo của Mặt trận hoạt động với nguyên tắc chỉ sử dụng cho công việc; không đăng, nhắn thông tin riêng tư hoặc trái mục đích. Nội dung đăng tải trên nhóm là triển khai các văn bản của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp đến cán bộ Mặt trận và Nhân dân. Đồng thời, ghi nhận những thông tin, những vấn đề phát sinh tại cơ sở và tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân ở địa bàn dân cư. Ngoài đóng góp cho công tác tuyên truyền, các nhóm zalo còn là diễn đàn để Mặt trận cấp huyện và cơ sở tương tác, trao đổi, học hỏi lẫn nhau những cách làm mới, mô hình hay trong hoạt động.

Hiệu quả của việc ứng dụng mạng xã hội đã được khẳng định và ngày càng có sức lan tỏa. Cũng vì thế mà mới đây UBND tỉnh đã thành lập zalo “Tiếp nhận phản ánh về cải cách hành chính tỉnh Hậu Giang”. Tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thể phản ánh, kiến nghị các vấn đề có liên quan đến công tác cải cách hành chính qua zalo này; ngành chức năng có liên quan sẽ tiếp nhận, giải quyết theo quy định. Đây là việc làm thiết thực nhằm tận dụng hiệu quả của mạng xã hội, đồng thời giúp chính quyền ngày càng gần dân.

Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Điều bất ngờ khi tham dự Đại hội Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2022-2027 vừa qua là không có sự xuất hiện của những quyển văn kiện trên bàn đại biểu. Hỏi anh Lê Võ Hoàng Văn, Bí thư Đoàn Khối, thì được biết đại biểu chỉ cần quét mã QR là có thể cập nhật được nội dung văn kiện trong điện thoại.

“Đại biểu dự đại hội đều sử dụng điện thoại thông minh nên việc quét mã QR được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng. Cách làm này giúp chúng tôi tiết kiệm được nhiều chi phí, công sức vì không cần in ấn văn kiện”, anh Văn chia sẻ.

Đáng chú ý là đại hội của 13/13 đơn vị đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn đều áp dụng quét mã QR để theo dõi văn kiện, danh sách đại biểu, danh sách phân chia tổ thảo luận. Được biết, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hậu Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra vào tháng 10 tới đây cũng sẽ thực hiện cách làm này. Đây là dấu ấn của tuổi trẻ tỉnh nhà trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động.

Anh Bùi Hữu Lộc, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết, cơ quan Tỉnh đoàn thời gian qua đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể là văn phòng và các ban chuyên môn của Tỉnh đoàn vận hành và sử dụng tốt hệ thống quản lý và điều hành văn bản tại địa chỉ https://vanban.haugiang.gov.vn, ứng dụng VNPT iOffice của hệ thống đoàn và chữ ký số; triển khai thực hiện tốt phần mềm quản lý đoàn viên trực tuyến; thực hiện quét mã QR điểm danh và chấm công cán bộ, công chức và người lao động của cơ quan vào đầu giờ mỗi buổi làm việc. Bên cạnh đó, còn thiết kế và nâng cấp trang website tuoitrehaugiang.org.vn nhằm đảm bảo tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu tuyên truyền công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh thời gian qua cũng đã nhanh chóng, chủ động thích nghi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, đạt được những kết quả nhất định. Nổi bật là tăng cường họp trực tuyến; sử dụng email, zalo để gửi văn bản, trao đổi thông tin; số hóa nhiều nội dung truyền thông, thông tin tuyên truyền trên trang website và các trang tin của hội.

Đặc biệt là mô hình “Quản lý hội không giấy” được các cấp hội triển khai thời gian qua được đánh giá là sáng tạo, hiệu quả, qua đó tận dụng sự phát triển của công nghệ hiện đại và thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền điện tử mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt thời gian gần đây. Theo đó, từ năm 2020, Hội LHPN tỉnh đã vận động trang bị 112 laptop, vận động 100% cán bộ hội các cấp trang bị điện thoại thông minh, để ứng dụng công nghệ trong trao đổi thông tin, chuyển tải văn bản, họp, tập huấn trực tuyến, sử dụng mạng xã hội, các sản phẩm công nghệ trong hoạt động truyền thông, tuyên truyền của Hội. Nhờ đó mà công tác tập hợp, sinh hoạt hội viên đạt hiệu quả, giảm bớt thời gian hội họp để hỗ trợ cơ sở, giảm đáng kể chi phí văn phòng phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết, Hội LHPN tỉnh đã mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp giảm bớt thời gian, công sức làm việc, hiệu quả hoạt động được tăng lên rõ rệt; cán bộ hội tự tin hơn trong xử lý công việc.

Có thể thấy, phương thức lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới, hiệu quả hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Rõ nhất là việc triển khai nhiệm vụ được nhanh chóng, kịp thời, đồng thời tiết giảm không ít chi phí và sức người trong quá trình thực hiện.

Phấn khởi với kết quả đạt được hiện nay nhưng đó chưa phải là điểm dừng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đang được các cơ quan, đơn vị trong bộ máy công quyền đẩy mạnh hơn nữa, bởi đó là đòi hỏi tất yếu để không bị bỏ lại phía sau, không bị tụt hậu trước bước tiến mạnh mẽ từng ngày, từng giờ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số, chuyển đổi hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước lên môi trường số trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, 100% cơ quan sử dụng phần mềm, có kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; 100% văn bản trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử có ký số, được lưu chuyển trên hệ thống quản lý văn bản; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp cơ sở được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)…

 

Đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số

 

- Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cho biết, thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức về kiến thức chuyển đổi số và việc đăng ký sử dụng App Hậu Giang, trong đó có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân. Vận hành hiệu quả các website, trang fanpage, hệ thống quản lý fanpage, zalo page cung cấp thông tin chính thống, các chỉ đạo điều hành của hệ thống đoàn, các cơ quan Đảng, Nhà nước đến các cơ sở đoàn, cán bộ và đoàn viên, thanh niên. Tổ chức triển khai hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và chữ ký số; quản lý đoàn viên trực tuyến đến các cơ sở đoàn, cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh…

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào cuối năm 2021 đã xác định khâu đột phá là “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội giai đoạn 2022-2026”. Hiện nay, Hội LHPN tỉnh đang xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa thực hiện khâu đột phá này. Mục đích hướng tới là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội các cấp; khai thác hiệu quả từ các trang fanpage, mạng xã hội (facebook, zalo…), kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội cũng như hỗ trợ phụ nữ thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động hội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>