Nhiều kỳ vọng từ Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022

07/07/2022 | 07:16 GMT+7

Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, kỳ vọng mở ra cơ hội để các tỉnh, thành trong khu vực có cơ hội tiếp cận được những giải pháp mới nhất về công nghệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển ở các địa phương thông qua chuyển đổi số.

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng lần này, Báo Hậu Giang có trao đổi với ông Lâm Nguyễn Hải Long (ảnh), Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung.

Thông qua Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng lần này, ông kỳ vọng gì về hoạt động chuyển đổi số tại Hậu Giang nói riêng và khu vực nói chung ?

- Hậu Giang là một tỉnh có rất nhiều tiềm năng, Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2045, kể cả Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đều có định hướng phát triển cho Hậu Giang, nằm trong tổng thể đó, Hậu Giang nổi lên như một địa phương tiềm năng trong thu hút đầu tư. Chính vì vậy, thông qua Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) mong muốn, có thể thúc đẩy các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển chương trình chuyển đổi số. Ngoài ra, với vai trò của mình, HCA có trách nhiệm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số với các địa phương, chúng tôi kỳ vọng mang lại làn gió mới về chuyển đổi số cho Hậu Giang và các tỉnh, thành.

Ngoài đưa các chủ trương, chính sách của Chính phủ về chuyển đổi số đến địa phương, thông qua Tuần lễ, chúng tôi mong muốn có thể thúc đẩy thêm nhiều hoạt động chuyển đổi số. Qua đây, nhằm tạo bước tiến vượt bậc, ít nhất có thể thay đổi nhận thức về hoạt động chuyển đổi số đến chính quyền, doanh nghiệp và người dân để làm sao phát triển kinh tế - xã hội gắn với chuyển đổi số trong thời gian sắp tới.

Ông đánh giá thế nào về công tác chuyển đổi số tại Hậu Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung ?

- Nhìn chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có chuyển động về chuyển đổi số, nhưng sự chuyển động này chưa được tập trung. Riêng ở Hậu Giang, chúng tôi có theo dõi về công tác chuyển đổi số, các ứng dụng của tỉnh đang có sự chuyển biến lớn. Cụ thể, app Hậu Giang được cập nhật rất tốt, chính quyền tỉnh hiện có rất nhiều chương trình ấn tượng thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, việc thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng, để hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số, đây là một cách làm rất hay cho thấy sự quyết tâm lớn của tỉnh.

Về phương pháp tổ chức thực hiện chuyển đổi số ở đồng bằng sông Cửu Long, đang có những chuyển biến tích cực, tin rằng ở những năm tiếp theo tôi nhận định sẽ có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, chính quyền chủ động, nhưng doanh nghiệp và người dân cần có nhận thức mới về chuyển đổi số. Doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn rất ít ứng dụng công nghệ, thay vào đó họ vẫn đi vào phương pháp truyền thống. Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động này, chính quyền cần đi đầu, thúc đẩy doanh nghiệp và người dân cùng thực hiện chuyển đổi số, để họ nhận thức rõ hơn về vai trò của chuyển đổi số, cảm nhận được sự bứt phá của chính quyền chuyển đổi số.

 Để tạo sự bứt phá về chuyển đổi số, theo tôi mỗi địa phương cần tập trung vào thế mạnh của mình để chuyển đổi số, nếu làm được như vậy sẽ dễ dàng tạo được tính lan tỏa. Ví dụ, Hậu Giang nên tập trung chuyển đổi số vào các sản vật chủ lực của địa phương như: lươn, cá thát lát… Chuyển đổi số cần thời gian và nguồn lực, không kỳ vọng các tỉnh, thành sẽ chuyển đổi số nhanh chóng, nhưng mỗi nơi cần có giải pháp riêng để tập trung vào những điểm mạnh địa phương sẵn có để làm bệ phóng cho hoạt động chuyển đổi số.

Từ các hoạt động chuyển đổi số sẽ có tác động và làm thay đổi tư duy chiến lược trong tiến trình phát triển của các địa phương ra sao, thưa ông ?

- Bản chất của chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình, có nghĩa là: Trước đây hoạt động giao dịch tiếp xúc với người dân chủ yếu là trực tiếp, thì nay chuyển đổi sang tiếp xúc qua mạng, qua không gian internet. Do đó, việc đưa các mô hình hay, cách làm mới từ chuyển đổi số, sẽ kỳ vọng giúp nâng cao nhận thức từ chính quyền tới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân. Từ đó, nhằm để mọi người nhận thức được phải tập trung vào việc ứng dụng khoa học công nghệ, có như vậy mới cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất.

Có thể, Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng Hậu Giang 2022, có quy mô tổ chức không bằng những sự kiện trước đó được Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện. Tuy nhiên, các hoạt động trong tuần lễ lần này, chúng tôi tập trung vào các mảng mà Hậu Giang đang có thế mạnh, để làm sao đưa hàm lượng công nghệ cao vào từng hoạt động, giúp người dân và doanh nghiệp thay đổi nhận thức, chủ động ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực của mình.

Hiện nay, câu chuyện liên kết vùng đang được nói đến nhiều trên tất cả bình diện, lĩnh vực, vậy có thể áp dụng liên kết vùng trong chuyển đổi số không, thưa ông ?

- Đa số các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long chưa được liên kết chặt chẽ, các địa phương có một sự tương đồng với nhau. Vì vậy, để kết nối, cần tập trung cho các hoạt động như triển khai những điển hình, ứng dụng hay, để làm sao lan tỏa ứng dụng đó cho Hậu Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, nhằm tiến tới hình thành liên kết chung trong công nghệ số, các tỉnh, thành có thể nghĩ đến việc dùng chung hạ tầng viễn thông. Thay vì mỗi tỉnh sẽ đầu tư một trung tâm dữ liệu, thì có thể một tỉnh, thành nào đó có thể đầu tư trung tâm dữ liệu, để các tỉnh khác cùng sử dụng. Nếu làm được như vậy, sẽ tiết kiệm được tài lực, nguồn lực, qua đây giảm bớt chi phí cho các tỉnh. Thông qua hoạt động này, có thể giúp các tỉnh, thành liên kết lại với nhau theo thế mạnh của từng địa phương.

Vì sao Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh rất mặn mà và quyết tâm trong việc tổ chức tuần lễ lần này tại Hậu Giang, thưa ông ?

- HCA là Hội Tin học đầu tiên của cả nước, với vai trò đơn vị kết nối thiết yếu hợp tác giữa chính quyền - doanh nghiệp với hiệp hội ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Với vai trò của mình, việc tổ chức Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022, nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số lan tỏa ra cộng đồng là cần thiết. Chúng tôi lựa chọn tổ chức tuần lễ tại Hậu Giang lần này, bởi nhận thấy so với các tỉnh, thành trong khu vực, Hậu Giang là một tỉnh còn khó khăn, nhưng tiềm năng trong tương lai rất lớn. Mong muốn rằng, thông qua tuần lễ sẽ tạo một bước tiến để Hậu Giang có một cú hích mới, đưa một tỉnh từ “vùng trũng” về công nghệ có thể thúc đẩy các hoạt động về công nghệ và thu hút được doanh nghiệp công nghệ đến với Hậu Giang.

Xin cảm ơn ông !

MỸ XUYÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>