Nhà đầu tư quan tâm đến tiềm năng công nghiệp công nghệ số tại Hậu Giang

19/05/2023 | 08:51 GMT+7

Sau lễ khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2023, đã diễn ra 5 hội thảo trong sáng và chiều ngày 18-5, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm đến tiềm năng phát triển công nghiệp công nghệ số tại tỉnh.

Tại hội thảo, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh ký kết hợp tác với Công ty TNHH Giáo dục STEM và Phát triển kỹ năng 4C; Công ty TNHH MTV phát triển phần mềm Âu Lạc.

Những hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở, đầy chia sẻ và có nhiều hiến kế, góp ý, để Hậu Giang nói riêng và các tỉnh, thành trong vùng nói chung nhìn nhận đúng tiềm năng, những hạn chế trong phát triển công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Hội thảo Xúc tiến đầu tư phát triển Khu công nghệ số khu vực ĐBSCL

Chủ trì là bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA), Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung; ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Có 6 tham luận được trình bày và gần 10 ý kiến trao đổi giữa các doanh nghiệp, chuyên gia, chú ý đến tiềm năng, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu công nghệ số của tỉnh, nguồn nhân lực hiện tại và định hướng đầu tư tương lai của Hậu Giang, việc phát triển dịch vụ phục vụ khu này.

Trong số những tham luận tại hoạt động, đáng chú ý là ý kiến của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, khi cho rằng dù Hậu Giang còn khó khăn và việc đáp ứng các tiêu chí để thành lập Khu công nghệ số hoặc Khu công nghệ thông tin như điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhưng tỉnh đã quyết tâm rất cao, điển hình là 2 lần phối hợp cùng HCA tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số, chính việc tìm cơ hội và tạo ra cơ hội hợp tác thông qua Tuần lễ cùng các hoạt động phối hợp, xúc tiến khác sẽ tạo cho Hậu Giang những bước đi chắc chắn. Còn ông Frank Schellenberg, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Nhà sáng lập Công ty TNHH DIGI-TEXX, đã liên tưởng Hậu Giang như bang Bavaria ở nước Đức, một nơi xưa kia chỉ có thế mạnh về nông nghiệp, du lịch, không có nhiều cơ hội phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, chính sự thay đổi tư duy và vực dậy tiềm năng, từ một bang nghèo, nơi đây phát triển vượt bậc khi đầu tư mạnh cho công nghệ, mời gọi được nhiều công ty lớn. Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng Hậu Giang cũng sẽ làm được điều này, khi tỉnh tiên phong thực hiện những hoạt động đầu tư, xúc tiến lĩnh vực công nghệ cao và DIGI-TEXX đã thấy được tiềm năng đó.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long chia sẻ về những lý do vì sao nên đầu tư vào Hậu Giang, bản thân ông sau mấy mươi năm điều hành Công viên Phần mềm Quang Trung với đồng nghiệp, sẽ là cơ sở, những bài học để phát triển Khu công nghệ số Hậu Giang, tỉnh giáp ranh nhiều tỉnh, thành, nhân lực trẻ, dồi dào, hệ thống cao tốc khi xây dựng xong được kỳ vọng kết nối với nhiều đô thị lớn và từ Thành phố Hồ Chí Minh về đây không còn quá xa xôi. Khó khăn thì không ít, từ số 0 lên số 1 là một khoảng cách dài, nhưng chính sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ là niềm tin lớn cho nhà đầu tư.

Hội thảo Giải pháp chuyển đổi số nâng cao công tác quản lý cơ sở y tế, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh

Hội thảo có sự tham dự của bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đại biểu đã nghe báo cáo các giải pháp, mô hình CĐS trong lĩnh vực y tế, gồm: Kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử - Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang; giải pháp kho dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây VED; giải pháp kho hồ sơ sức khỏe người dân; xây dựng Cổng thông tin hồ sơ sức khỏe theo chuẩn HL7/FHIR; chuyển đổi số y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân; giải pháp máy tính ASUS chuyên biệt dành cho y tế tại Việt Nam. Đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các vấn đề về thực trạng, khó khăn, thách thức trong quá trình CĐS y tế để cùng tìm ra hướng tháo gỡ.

Bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, khẳng định: “Đẩy mạnh CĐS, hình thành “Người thầy thuốc số” luôn là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. Trong 8 lĩnh vực được ưu tiên CĐS của chương trình chuyển đổi số quốc gia thì y tế là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu bởi nó tác động trực tiếp đến người dân, độ bao phủ rộng khắp. Hội thảo CĐS y tế đã thật sự là diễn đàn trao đổi, chia sẻ ý kiến để có sự thống nhất chung về nhận thức và cách làm CĐS”.

Hội thảo Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tham dự có ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và khoảng 300 đại biểu.

Hội thảo tham luận một số nội dung: Bức tranh ĐMST tại Việt Nam; ĐMST mở: Những câu chuyện điển hình và cách thức kêu gọi hợp tác từ tổ chức, cá nhân; Giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng đồng bằng sông Cửu Long từ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp miền Trung; Ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi lươn công nghiệp. Hội thảo còn có bàn tròn thảo luận về những kinh nghiệm triển khai và bài học thực tế trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, mong muốn: “Thông qua hội thảo này, các chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, những bạn trẻ tài năng, nhiệt huyết gặp gỡ, kết nối chia sẻ kinh nghiệm về hình thành ý tưởng, xây dựng mô hình khởi nghiệp ĐMST. Làm rõ những nội dung trọng tâm về cơ hội và thách thức của khởi nghiệp ĐMST. Đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp định hướng phát triển. Góp phần tạo điều kiện thúc đẩy tổ chức, cá nhân thực hiện thành công mô hình khởi nghiệp ĐMST trong thời gian tới”.

Các đại biểu tham gia Hội thảo Giải pháp chuyển đổi số nâng cao công tác quản lý cơ sở y tế, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Hội thảo Giải pháp Chuyển đổi số thúc đẩy chính quyền số, hành chính công và đô thị thông minh

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp trình bày, giới thiệu về các nội dung: Mô hình, giải pháp về chính quyền số đang được triển khai tại Đà Nẵng những kết quả đạt được giúp cải thiện cuộc sống cho người dân; giải pháp nền tảng đô thị thông minh; hệ miễn dịch không gian số bảo vệ an toàn thông tin cho chính quyền và người dân; chuyển đổi số dựa trên dữ liệu… Đại biểu thảo luận xoay quanh các vấn đề về xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh những thuận lợi, khó khăn; chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số…

Bà Võ Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với nền tảng công nghệ số, khái niệm về chính quyền số, đô thị thông minh ngày càng phổ biến, tất cả hoạt động của cơ quan, các cấp đều ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, giúp tương tác kết nối chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với nhau, nhà nước và doanh nghiệp. Sau hơn 3 năm triển khai đồng bộ, khẩn trương và quyết liệt trên cả nước Chương trình CĐS Quốc gia đến nay, công tác CĐS đã mang lại những kết quả ban đầu hết sức quan trọng làm cơ sở cho những kết quả đột phá trong thời gian tới...

Vào sáng cùng ngày, sau lễ khai mạc đã diễn ra Hội thảo Thúc đẩy Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế vùng ĐBSCL năm 2023

Các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận về: “Bức tranh tổng quan về chuyển đổi số khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, “Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức cho địa phương”, “Mô hình xây dựng chính quyền số - vấn đề và định hướng”, “Đổi mới sáng tạo trong khu vực công”, “Xu hướng đổi mới sáng tạo ở 5 lĩnh vực chủ đạo”, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm triển khai, bài học thực tế về chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Nhóm PV VHXH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>