MobiFone Hậu Giang tận tâm cùng người dân chuyển đổi số

27/09/2022 | 08:41 GMT+7

Chuyển đổi số hiện nay là yêu cầu tất yếu để hội nhập. Chuyển đổi số giúp công tác quản lý của chính quyền kịp thời và chặt chẽ hơn, nền kinh tế năng động và người dân có nhiều lợi ích sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa. MobiFone Hậu Giang càng không đứng ngoài cuộc vì mục tiêu trên và đã tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện nhiều hoạt động ở tỉnh và đến tận cơ sở, góp phần cùng với tỉnh nhà chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, đưa Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi vào đời sống.

MobiFone Hậu Giang phối hợp tổ chức ra mắt mô hình Chợ 4.0 ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 nhiệm vụ đột phá, trong đó có nội dung “thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực”; cụ thể hóa Nghị quyết, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đến ngày 4-12-2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25 thông qua Đề án Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, mục tiêu là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh…

Đây là các cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng ở địa phương, từ đó, các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung chuyển đổi số đặt ra.

Từ hiệu quả chính quyền số

8 tháng đầu năm, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh thành phố Vị Thanh nỗ lực thực hiện tốt công tác tuyên truyền rộng khắp trên địa bàn. Nói rộng khắp vì 100% đài truyền thanh xã, phường, trạm truyền thanh các ấp, khu vực đều tiếp được sóng truyền thanh của thành phố, trong đó triển khai nền tảng truyền thanh thông minh với 43 cụm loa không dây rộng khắp xã, phường.

Từ đó, hầu hết các thông tin thời sự trong nước, trong tỉnh và địa phương đều được chuyển tải đến bà con ngày 2 buổi sáng, chiều; đặc biệt, giai đoạn đại dịch Covid-19, Trung tâm tăng tầng suất phát sóng, thời lượng tuyên truyền để mọi người hiểu được cách phòng, tránh đại dịch.

Nhà gần cụm loa truyền thanh, anh Huỳnh Nhật Cường, ở phường IV, cho biết, theo dõi thường xuyên trên đài tôi thấy bổ ích lắm, như đợt Covid-19 là phòng ngừa dịch bệnh, biết chính quyền khuyến cáo gì; hiện nay là về kinh tế - xã hội, nhất là có thông tin về thủ đoạn của các loại tội phạm để bà con mình biết mà phòng chống.

Song song đó là tiện ích chữ ký số được áp dụng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

“Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác.

Áp dụng chữ ký số đối với các cấp chính quyền Hậu Giang thật sự “giải phóng được sức lao động” khi mà khối lượng công việc, nhất là của lãnh đạo tỉnh rất nhiều.

Một trong các tiện ích của chữ ký số được lãnh đạo một văn phòng cho biết là “tiết kiệm thời gian, chi phí xử lý văn bản hành chính”. Cụ thể, đó là thay vì phải in tài liệu, lưu trữ và ký tay từng văn bản, người dùng hoàn toàn có thể ký hàng loạt văn bản điện tử ngay trên máy tính và gửi trực tiếp thông qua môi trường internet. Ngay cả khi người ký không thể có mặt thì việc ký vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được trên ứng dụng điện thoại với loại chữ ký số sử dụng công nghệ ký từ xa. Loại chữ ký số này còn có khả năng phân quyền sử dụng giữa các phòng ban, bộ phận trong công ty, làm giảm thời gian di chuyển, in ấn, hay chờ tới lượt ký.

Kết quả trên chưa phản ánh đầy đủ về chính quyền số nếu không nhắc đến MobiFone Hậu Giang với giải pháp hóa đơn điện tử - MobiFone Invoice được đơn vị triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh.

Đây là giải pháp cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên dùng tạo lập, xuất hóa đơn điện tử và quản lý phát hành hóa đơn trực tuyến, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của nhà nước về quản lý hóa đơn. Là một trong số ít các giải pháp Hóa đơn điện tử toàn diện trên thị trường, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 78/2021 của Bộ Tài chính, theo Thông báo của Tổng cục Thuế, đảm bảo mang lại cho khách hàng một giải pháp toàn diện, an toàn, ổn định và đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý cũng như của khách hàng sử dụng.

Triển khai MobiFone Invoice, MobiFone Hậu Giang phối hợp Cục Thuế tỉnh cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử góp phần thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chủ trương sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tại Hậu Giang theo tinh thần chung.

Ông Trần Quốc Thắng, Phó Giám đốc MobiFone Hậu Giang, thông tin: Hiện nay, toàn tỉnh có 120 đơn vị, doanh nghiệp áp dụng MobiFone Invoice, đây là tiện ích không thể thiếu trong thời buổi chuyển đổi số mà MobiFone Hậu Giang đã tiên phong đi đầu, góp phần lớn trong nhiệm vụ chuyển đổi số chính quyền.

Đến kinh tế số

Cùng chính quyền trong “thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực”, MobiFone Hậu Giang cũng triển khai hệ sinh thái tài chính số MobiFone Money.

Để hệ sinh thái tài chính này sớm đi vào cuộc sống, đơn vị cung cấp và phổ cập cho khách hàng các dịch vụ tài chính trên nền tảng số một cách dễ dàng, nhanh chóng và an toàn.

Đến nay MobiFone Hậu Giang đã triển khai nhiều gói dịch vụ ở Hậu Giang như ví điện tử MobiFone Pay, dịch vụ Tiền di động (Mobile Money), dịch vụ Cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử, Các dịch vụ tài chính hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Số liệu chưa đầy đủ gần đây thể hiện, Hậu Giang có trên 5.000 người dân sử dụng MobiFone Money.

Trao đổi với anh Nguyễn Văn Việt, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, về ứng dụng MobiFone Money, anh cho biết rất tiện lợi trong trao đổi, thanh toán tiền điện, nước, mạng internet, không như trước đây phải dùng tiền mặt, đi đến nơi về đến chỗ mới giao dịch tiền được; nhà tôi 5 người đều xài ứng dụng này.

Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm kinh doanh công nghệ số MobiFone miền Tây, trao đổi: Các dịch vụ của MobiFone Money sẽ góp phần đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của Chính phủ, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện mọi mặt của xã hội.

Khi xã hội số rộng rãi

Tuy Hậu Giang là tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền rất quan tâm triển khai, phổ biến rộng rãi ra toàn dân về việc ứng dụng các tiện ích số; MobiFone Hậu Giang cũng phối hợp chặt chẽ đối với hoạt động này.

Với phần mềm MobiEdu do MobiFone Hậu Giang cung cấp đã góp phần rất lớn trong dạy và học ở tỉnh, nhất là giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành.

Năm học 2021-2022, Trường THPT Chiêm Thành Tấn, thành phố Vị Thanh sử dụng phần mềm MobiEdu trong dạy và học. Qua đó, Ban Giám hiệu trường đánh giá cao việc ứng dụng phần mềm này bởi hệ sinh thái Mobiedu có những tiện ích phù hợp, thông minh, thật sự là giải pháp trường học số cho nền giáo dục.

 Với chuyển đổi số cộng đồng, tháng 7 vừa rồi, MobiFone Hậu Giang rất tích cực hưởng ứng thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022. Sự lan tỏa của Tuần lễ mà trước đó là những hoạt động tuyên truyền, phổ biến, cho đến nay có thể ghi nhận ở hầu hết các ấp, xã trên địa bàn tỉnh.

Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã, đang chuyển đổi số cộng đồng rất tích cực. Cụ thể đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên như: hướng dẫn sử dụng và cài đặt các phần mềm ứng dụng thanh toán trực tuyến, tuyên truyền, tập huấn, thành lập các mô hình, câu lạc bộ về chuyển đổi số.

Hội LHPN huyện Châu Thành đã phối hợp cùng Điện lực huyện tổ chức tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin tham gia chuyển đổi số cho khoảng 400 người dân trên địa bàn; tổ chức 1 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số cho 160 cán bộ hội cơ sở. Hội LHPN huyện Châu Thành A tham gia cùng “Tổ chuyển đổi số cộng đồng” các xã, thị trấn vận động hơn 3.200 phụ nữ cài đặt ví điện tử và ứng dụng dịch vụ công...

Ông Hồ Văn Út, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tổ công nghệ số cộng đồng huyện Châu Thành A, cho biết: “Trên địa bàn huyện có 79/79 ấp đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. 8/10 xã, thị trấn của huyện đã hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số. Đối với tiểu thương buôn bán tại chợ, chúng tôi sẽ tạo tài khoản dịch vụ công, cài đặt ví điện tử, tạo mã QR để người mua quét mã khi không dùng tiền mặt. Hiện nay, hầu hết tiểu thương ở các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Châu Thành A đã được hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số để tiến tới thực hiện mô hình chợ 4.0.

Cũng ở huyện Châu Thành A, xã Trường Long Tây vừa ra mắt mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ xã. Đây là chợ thứ 3 của huyện, sau chợ Rạch Gòi, chợ Một Ngàn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Với chợ 4.0, tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa bằng cách quét mã QR thanh toán không dùng tiền mặt, với mô hình này người dân có thể thoải mái đi chợ mà không cần mang theo tiền bên mình. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể sử dụng ví điện tử của mạng MobiFone… Các hành viên trong Tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng của xã Trường Long Tây đã phối hợp với các nhà mạng trang bị mã QR cho hơn 120 gian hàng tiểu thương tại chợ, hướng dẫn cài đặt cho hơn 1.520 người dân có tài khoản và ví điện tử.

Giám đốc MobiFone Hậu Giang, bà Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh: Kết quả chuyển đổi số ở Hậu Giang có sự đóng góp khá lớn của MobiFone và quyết tâm hơn của MobiFone Hậu Giang trong thời gian tới là sẽ triển khai rộng rãi các hệ sinh thái số vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Bởi chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thực hiện thường xuyên, liên tục; chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội, giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành; giúp người dân thuận lợi hơn trao đổi hàng hóa, thanh toán…

“Bằng khả năng, trách nhiệm và khát vọng của tập thể đơn vị, chúng tôi sẽ góp sức để Hậu Giang nhanh chóng “thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực” một cách có chất lượng”, bà Nguyễn Ngọc Anh khẳng định.

Từ đầu năm đến nay, MobiFone Hậu Giang đã phối hợp với các cấp chính quyền Hậu Giang tổ chức ký kết, thực hiện các hội thảo về chuyển đổi số với nhiều hoạt động với sự tham gia của khoảng 5.000 cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân. Tất cả đã góp phần rất lớn hoàn thành mục tiêu từng năm và cả nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh “thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực”.
Trong đánh giá công tác chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2021, tỉnh Hậu Giang là một trong những địa phương được đánh giá có bước tăng đột phá trong chuyển đổi số, với xếp hạng DTI 2021 hạng 17/63 tỉnh, thành phố về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số (tăng 11 bậc so với năm 2020).

 

NGỌC ANH - ANH DUY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>