Mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư chuyển đổi số

11/07/2022 | 08:16 GMT+7

Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022 đã mở ra cơ hội hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ với các địa phương, đơn vị trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bài 1: Khơi gợi và mở hướng

Với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng khép lại nhưng đồng thời mở ra cơ hội để các doanh nghiệp nhận diện rõ hơn tiềm năng, lợi thế, sự khác biệt khi đầu tư vào Hậu Giang cũng như đem đến cơ hội bứt phá cho tỉnh.

Các bạn trẻ trải nghiệm những ứng dụng công nghệ tiên tiến được trưng bày trong khuôn khổ Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng.

Kỳ vọng có cú hích về chuyển đổi số cho Hậu Giang nói riêng, cả vùng nói chung

Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022, với quy mô gần 1.200 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành, đơn vị, doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài tỉnh tham dự. Tuần lễ là tiền đề cho hoạt động đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, thu hút nhà đầu tư công nghệ và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tương lai.

Hậu Giang kỳ vọng thông qua hoạt động này, sẽ mời gọi, thu hút các nhà đầu tư công nghệ đến tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động chuyển đổi số toàn diện, xứng tầm với những tiềm năng, thế mạnh đang có.

Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang ký kết hợp tác chuyển đổi số.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA), Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung, chia sẻ: “Đây được xem là hoạt động có quy mô tương đối lớn, được HCA lần đầu tiên tổ chức tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong quá trình tổ chức vẫn còn những điều chưa được hoàn thiện như mong muốn, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện trong những lần tổ chức sau. Sau khi tuần lễ kết thúc, chúng tôi nhận nhiều phản hồi của doanh nghiệp, đơn vị. Theo các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua hoạt động từ tuần lễ đã giúp họ biết đến một vùng đất mới giàu tiềm năng là Hậu Giang. Qua đây, còn giúp doanh nghiệp khám phá được cơ hội, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng nhận thấy, HCA đã góp phần tạo nên cú hích nhỏ về chuyển đổi số cho Hậu Giang nói riêng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung”.

Ông Long cũng mong muốn nếu được sự đồng ý và cho phép của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, từ nay đến 2025, hàng năm HCA sẽ đăng cai, tổ chức các sự kiện lớn về ngành công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng tại Hậu Giang.

Tiến sĩ Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Tuần lễ hy vọng đã góp một tiếng nói, góp phần thay đổi sự quan tâm từ chính quyền đến doanh nghiệp và cả người dân nhìn nhận đúng vai trò chuyển đổi số. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp công nghệ đến gần hơn với nhau hơn, tạo sự gắn kết trong tương lai. Từ hoạt động này, sẽ mở hướng để triển khai, thực hiện thêm nhiều hoạt động liên quan đến công nghệ nói chung và chuyển đổi số nói riêng.

Đánh giá về Tuần lễ này, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, cho biết:  Hậu Giang lần đầu tiên phối hợp HCA tổ chức tuần lễ chuyển đổi số vùng, mọi khâu đều rất kỹ lưỡng và bài bản. Tuần lễ chuyển đổi số lần này không chỉ là hoạt động của tỉnh Hậu Giang, mà còn gắn cho vùng để tạo sự liên kết vùng. Ngay từ khâu tổ chức, mời các diễn giả, tổ chức đưa đón các đại biểu và quy mô còn có các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham gia cho thấy sự chu đáo. Điều này chứng tỏ hoạt động chuyển đổi số đã tạo được sức hút của các giới chuyên môn, các nhà doanh nghiệp và các địa phương. Nội dung hội thảo khá phong phú, tập trung rất cụ thể vào chuyển đổi số không chỉ dành cho chính quyền một tỉnh, mà còn đi sâu vào các ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp - thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long; du lịch… Ngoài ra, còn có triển lãm giới thiệu của doanh nghiệp phục vụ cho chuyển đổi số, số hóa như: chính quyền điện tử, thương mại điện tử, thúc đẩy du lịch, các sản phẩm thông minh phục vụ nông nghiệp. Mong rằng từ đây vùng đồng bằng sông Cửu Long và Hậu Giang tìm được các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với chính đơn vị mình.

Nhìn nhận đúng vai trò về chuyển đổi số

Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng với hàng loạt hoạt động, trong đó hướng về doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số và gặp gỡ những sinh viên, đây là cách giúp mọi người nhìn nhận đúng đắn nhất về vai trò của chuyển đổi số hiện nay.

Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen Logistics), ở Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, giai đoạn 1, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, trực thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Thịnh, chuyên cung cấp chuỗi dịch vụ tổng hợp và khép kín cho ngành nông sản, bao gồm các dịch vụ cho thuê kho, mặt bằng kinh doanh nông sản; các dịch vụ trong chuỗi xử lý, bảo quản nông sản; dịch vụ chiếu xạ, vận chuyển, xuất nhập khẩu và các dịch vụ hỗ trợ khác. Thời gian qua, doanh nghiệp này không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, kéo theo đó là một khối lượng công việc rất lớn cần xử lý. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại đây vẫn còn đơn giản, cơ bản theo lối truyền thống. Ông Tô Thái Thành, Trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Tiến Thịnh, cho biết: “Hàng ngày, chúng tôi vẫn đánh máy, lưu trữ, gửi email thôi chứ chưa có phần mềm để kết nối tất cả các phòng ban. Quy mô tập đoàn không còn là 1, 2 đơn vị nữa mà là rất nhiều đơn vị, phòng ban, con người và rất nhiều thao tác nghiệp vụ hàng ngày. Những thông tin đó nếu cứ trao đổi, chia sẻ theo hình thức truyền thống thì sẽ rất mất thời gian, đôi khi làm thông tin bị sai lệch”.

Trước thực trạng này, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên nói riêng và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Thịnh nói chung đang mong muốn thiết lập một phần mềm quản lý toàn hệ thống, để hỗ trợ lưu trữ tất cả cơ sở dữ liệu và ghi nhận những vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch triển khai nhưng chưa thực hiện do không tìm kiếm được đối tác phù hợp. Do đó, hiện doanh nghiệp đang rất cần tìm một đơn vị cung cấp phần mềm hiệu quả để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của mình.

Hợp tác xã Tân Long, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy cũng là một trong những hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh, đang có nhu cầu chuyển đổi số rất lớn. Thời gian qua, hợp tác xã đã có những bước đi nhỏ cho quá trình chuyển đổi số của mình như làm quen với khai báo thuế điện tử, thanh toán tiền mua bán lúa, vật tư nông nghiệp qua tài khoản ngân hàng. Hợp tác xã mong muốn có những bước tiến lớn hơn để đáp ứng nhu cầu thực tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Long, chia sẻ: “Hiện tại, về nhân lực, sức lao động của địa phương không còn nhiều. Trong khi đó, để kiểm soát, quản lý hợp tác xã về các dịch vụ thì cần rất nhiều con người. Nếu bây giờ lập trình được một hệ thống, phần mềm để chuyển đổi số, thì chúng tôi sẽ quản lý được hợp tác xã”. Cụ thể, hợp tác xã mong muốn có được một phần mềm để cập nhật đầu vào, đầu ra của nông sản, hệ thống trên sàn giao dịch; công khai, minh bạch về doanh thu cho các thành viên; kiểm soát được sản lượng, số lượng hàng hóa khi nhập vào kho lưu trữ,…

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Qua tham quan các doanh nghiệp, tôi thấy nhu cầu của họ đang rất lớn. Các doanh nghiệp hiện nay đã áp dụng chuyển đổi số, nhưng còn manh mún. Chính vì thế, nếu như cần phải làm công tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp của Hậu Giang, thì đây là một nhu cầu rất lớn để giúp các doanh nghiệp cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán hàng của mình”.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp, hợp tác xã đang gặp phải là chưa tìm được nhà tư vấn, đối tác phù hợp để hiện thực hóa nhu cầu của mình. Do đó, quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang rất cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía trong giai đoạn tới.

Mong muốn có làn gió mới trong chuyển đổi số tại tỉnh nhà

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022 lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh, đã kết thúc thành công tốt đẹp. Tuần lễ đã thu hút hơn 1.200 lượt khách tham dự từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, liên hiệp các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, quy tụ 27 gian hàng trưng bày các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ, cùng sự tham gia của hơn 30 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là điều kiện thuận lợi, một bước ngoặt để tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Qua đây, nhằm tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, thông qua chương trình, cộng đồng đã huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được hơn 3,5 tỉ đồng, đã góp một phần không nhỏ trong giải quyết vấn đề an sinh, xã hội của tỉnh.

Qua việc chia sẻ, giới thiệu những mô hình, giải pháp chuyển đổi số thành công, các cách tiếp cận, định hướng chuyển đổi số trong thời gian tới được các diễn giả, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trình bày tại Tuần lễ chuyển đổi số, lãnh đạo tỉnh rất kỳ vọng các chuỗi hoạt động của tuần lễ sẽ mang lại cho Hậu Giang một làn gió mới trong triển khai thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, du lịch, nhà hàng, khách sạn sẽ từng bước áp dụng các giải pháp công nghệ tối ưu để nâng cao chất lượng trong hoạt động quản lý, kinh doanh… Từng bước hình thành hệ sinh thái mới về kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực tại Hậu Giang. Từ đó, góp phần sớm thực hiện hoàn thành đạt, vượt các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đề ra. 

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN - ĐANG THƯ

------------------

Bài 2: Câu chuyện lớn của vùng

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>