Kỳ vọng trở thành huyện chuyển đổi số

01/02/2023 | 08:00 GMT+7

Với những kết quả nổi bật trong chuyển đổi số, Châu Thành A là địa phương cấp huyện duy nhất khu vực phía Nam được chọn phát biểu tại hội nghị tổng kết vừa qua của Bộ Thông tin và Truyền thông. Kỳ vọng trở thành huyện chuyển đổi số là mục tiêu phấn đấu của địa phương này.

Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, kiểm tra việc quét mã thanh toán tại Chợ 4.0 - Trường Long Tây.

Kỳ vọng lớn

Là địa phương cấp huyện duy nhất ở khu vực phía Nam được phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết: Trong thời gian tới, huyện định hướng chuyển đổi số gắn với 4 trụ cột phát triển: công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng trên địa bàn. Huyện cũng có kế hoạch chuyển đổi số trong cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, nông nghiệp, đô thị để từng bước chuyển đổi số hoạt động của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn. Ngoài ra, dựa trên lợi thế địa phương, sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm nông sản huyện ra khỏi phạm vi địa lý của huyện, để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hoạt động trở nên phổ biến.

Bên cạnh những định hướng thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A đã đề xuất mong muốn được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn thí điểm, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, đô thị thông minh và chuyển đổi số trong giai đoạn 2023-2025. Cụ thể, địa phương đề xuất được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, đầu tư, định hướng, hướng dẫn mô hình, cách thức xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số cấp huyện; hướng dẫn cách thức xây dựng dữ liệu thực hiện chuyển đổi số đối với các lĩnh vực có phạm vi tác động lớn như y tế, giáo dục, nông nghiệp…

Huyện Châu Thành A có quy mô dân số hơn 100.000 người. Trong những năm qua, huyện đã rất tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số.

Huyện đã đưa vào hoạt động bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo mô hình trung tâm phục vụ hành chính công với đầy đủ trang thiết bị công nghệ thông tin như: nhận dạng khuôn mặt, lấy số tự động. Tháng 8-2022, huyện cho ra mắt mô hình “Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt” đầu tiên ở thị trấn Một Ngàn.

Với mô hình này, người dân có thể đi chợ chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, việc thanh toán sẽ được thực hiện thông qua các ứng dụng ví điện tử như VNPT Money, Viettel Money… để giao dịch không dùng tiền mặt tại các sạp hàng và kiốt trong chợ. Mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt đang được huyện kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đến thời điểm hiện tại, huyện đã triển khai được hơn 25.700 ví điện tử, hơn 24.822 tài khoản dịch vụ công trực tuyến và hơn 300 tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp trên địa bàn đã chấp nhận thanh toán không tiền mặt thông qua quét mã QR Code. Gắn với chuyển đổi số, địa phương tập chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, việc tập trung chuyển các tiện ích số đến với người dân là mục tiêu lớn được thực hiện quyết liệt.

Hiệu quả đi vào thực tiễn

Hai địa phương của huyện được tỉnh lựa chọn thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi số cấp xã trong năm 2021 là xã Thạnh Xuân và thị trấn Rạch Gòi. Trong thực hiện mô hình điểm này là có sự vào cuộc quyết liệt từ địa phương và nhận được sự đồng thuận của người dân các xã, thị trấn. Từ thành công chuyển đổi số cấp xã, với phương châm “thận trọng, linh hoạt”, huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình chuyển đổi số đến tất cả địa phương trên địa bàn. Qua đây, đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận ở cả 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 79 tổ công nghệ số cộng đồng đến các ấp, khu vực; 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính; 100% nhà văn hóa ấp được lắp đặt wifi cho cán bộ và người dân sử dụng miễn phí. Địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện, 10 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo hướng hiện đại. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đang được khai thác, sử dụng có hiệu quả, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt trên 99,91%. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trong năm đạt tỷ lệ gần 70% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận.

Về kinh tế số, 100% cán bộ, công chức, viên chức người lao động cấp huyện đã sử dụng ví điện tử, trên 90% sử dụng internet banking và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại những nơi chấp nhận thanh toán. 100% bộ phận tiếp nhận, trả kết quả huyện và cấp xã đã thực hiện thu phí không dùng tiền mặt. Mô hình chợ 4.0 đến nay đã được triển khai ở 3 đơn vị trên địa bàn huyện. 100% cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn huyện có sử dụng hóa đơn điện tử. Trên 90% người dân có thể tự thanh toán tiền điện, nước, hóa đơn sinh hoạt hàng tháng. Về xã hội số, toàn huyện có 24.822 tài khoản dịch vụ công trực tuyến, hơn 96,31% hộ gia đình đã cài ứng dụng di động Hậu Giang (app Hậu Giang), trên 95,38% hộ gia đình trên địa bàn đã cài đặt dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (ví điện tử, tài khoản ngân hàng, Mobile money)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhằm thúc đẩy công tác chuyển đổi số ở các xã, thị trấn, qua phát động thi đua, đã có 56 mô hình, sáng kiến chuyển đổi số của các cá nhân, tập thể đang thực hiện.

Chuyển đổi số ở huyện Châu Thành A thời gian qua nhận được sự đồng thuận lớn của người dân địa phương. Người dân tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với việc thực hiện giao dịch điện tử trong thanh toán hóa đơn sinh hoạt hàng tháng; thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính; nộp học phí tại các trường học; buôn bán nông sản, các mặt hàng qua các ứng dụng mạng xã hội…

Huyện Châu Thành A là địa phương duy nhất được tỉnh chọn thí điểm thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã (xã Thạnh Xuân, thị trấn Rạch Gòi)

 

Toàn huyện đã cài được hơn 25.700 ví điện tử, hơn 24.822 tài khoản dịch vụ công trực tuyến và trên 300 tài khoản trên các sàn thương mại điện tử; Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện, 10 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, thị trấn được đầu tư theo hướng hiện đại; ra mắt 3 chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cán bộ, công chức, viên chức người lao động, cơ quan, đơn vị thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại những nơi chấp nhận thanh toán; 100% các trường trên địa bàn thực hiện thu phí không dùng tiền mặt; toàn huyện trang bị hơn 400 camera an ninh ở các tuyến đường…

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>