Doanh nghiệp trong hành trình số hóa: Hướng đi nào là đúng ?

28/05/2023 | 21:22 GMT+7

Đó là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp đặt ra trong Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp” với mong muốn tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Để thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải thay đổi thói quen tiếp cận thông tin và nhận thức đúng về quá trình này. Ảnh: MỘNG TOÀN    

Điều gì cản trở…?

Chuyển đổi số là một quá trình không hề dễ, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động. Chi phí, nguồn vốn, tâm lý ngại thay đổi, nguồn nhân lực, thiếu chuyên môn và kỹ năng,… là những vấn đề được coi là rào cản trong tiến trình doanh nghiệp SME tiếp cận với chuyển đổi số.

Theo ông Nông Thái Hoàng, Giám đốc Marketing và Truyền thông Digi-Texx Việt Nam: “Cái khó trong việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp SME là họ chưa thật sự biết họ cần gì. Việc không có lộ trình và kế hoạch cụ thể khiến cho nhiều doanh nghiệp mất đi định hướng, dễ “đi nhầm đường”, bởi đây là một môi trường phức tạp với lượng thông tin đa dạng và chồng chéo”.

Cũng theo ông Hoàng, thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất, còn nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp SME gặp khó trong việc tiếp nhận một phần vì thiếu thông tin truyền thông, chưa tiếp cận được nguồn thông tin; phần khác là tâm lý ngại thay đổi do đã quen với cách làm truyền thống.  

Bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Hiện nay, các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh; đồng thời áp dụng trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu và chuẩn hóa quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và áp dụng đồng bộ hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn mang tính cục bộ, rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện chuyển đổi số một cách rõ ràng ngay từ đầu; do đó việc chuyển đổi số chưa mang lại thành công như mong đợi của doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp cần làm gì ?

Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số là một cách thức hiệu quả nhằm tối ưu hoạt động doanh nghiệp; tăng hiệu quả để giảm chi phí, tối ưu hóa và tự động hóa quy trình, nâng cao mức độ hài lòng của nhân viên, tăng mức cạnh tranh của sản phẩm, phương pháp mới để tăng doanh thu; ngoài ra chuyển đổi số còn giúp tối ưu trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa kinh doanh.

Trước câu hỏi doanh nghiệp cần làm gì để chuyển đổi số có hiệu quả, ông Phạm Trung Nhơn, Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng VNPT Hậu Giang, nhấn mạnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và doanh nghiệp cần phải thay đổi. Theo ông Nhơn, ba yếu tố quyết định sự thành bại chuyển đổi số của doanh nghiệp là: Con người, Thể chế và Công nghệ. Để chuyển đổi số mang lại hiệu quả, tránh tình trạng phải “bỏ dỡ” giữa chừng và tốn chi phí, chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất, nhu cầu chuyển đổi số cho ngành của mình, từ đó lãnh đạo doanh nghiệp phải lên kế hoạch, chọn đúng đối tác, nhà tư vấn, triển khai vận hành cho hiệu quả.

Ông Nhơn lưu ý, doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đưa ra yêu cầu, nếu không đưa ra được yêu cầu thì phải thuê công ty tư vấn, lượng hóa được yêu cầu, chỉ tiêu đối với nhà cung cấp, có như vậy quá trình chuyển đổi số mới sát với thực tế nhu cầu.

Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, VNPT đã xây dựng từng gói giải pháp phù hợp với quy mô, mô hình kinh doanh, giá trị mục tiêu mà doanh nghiệp muốn hướng tới. Đặc biệt, các giải pháp phải đưa ra được lộ trình chuyển đổi số để doanh nghiệp hình dung được nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số từng giai đoạn và doanh nghiệp phải chuẩn bị những gì?

“VNPT đã xây dựng hệ sinh thái các giải pháp chuyển đổi số phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp như hệ sinh thái hộ kinh doanh, giải pháp hóa đơn điện tử, chữ ký số từ xa VNPT smartCA, hay nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp onesme.vn… Các giải pháp này nhìn chung dễ sử dụng và vận hành, rất phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ”, ông Nhơn cho biết.

Ngoài ra, cũng theo đại diện VNPT, chuyển đổi số phải xuất phát từ người đứng đầu doanh nghiệp và cần sự thống nhất cao trong ban lãnh đạo và bộ máy. Theo đó, doanh nghiệp cần làm từ dễ đến khó, từ trong ra ngoài (từ chuyển đổi số trong nội bộ) để tránh tình trạng thay đổi đột ngột trong doanh nghiệp, làm nản lòng cán bộ công nhân viên...

Với quan điểm “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là khoản đầu tư, không phải chi phí”, ông Khang Lê, Chuyên viên Marketing của Tập đoàn Zoho, nhấn mạnh điều đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm là tăng mức độ nhận diện thông qua các trang thương mại điện tử, website, từ đó doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng và tăng khả năng kết nối thông qua internet.

Mở ra nhiều cơ hội mới…

Hợp tác xã Cloud ra mắt vào tháng 3-2023, là mô hình chia sẻ sức mạnh điện toán đám mây nhằm phục vụ đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng dịch vụ hạ tầng công nghệ viễn thông vận hành các phần mềm, nền tảng số phục vụ cho hoạt động kinh doanh,...

Mô hình hợp tác xã Cloud do VinaCIS Group giới thiệu là một tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh sản xuất. Ông Giáp Hùng Cường, Tổng Giám đốc VinaCIS Group, khẳng định: Các bước từ tạo server cho đến thanh toán đều được tự động hóa hoàn toàn, giao diện trực quan, dễ hiểu, phù hợp với cả những người không có kiến thức về điện toán đám mây.

Trong lĩnh vực vận hành doanh nghiệp, Zoho One được xem là phần mềm hợp nhất để vận hành toàn bộ doanh nghiệp. Nền tảng này tích hợp hơn 45 ứng dụng phục vụ cho tất cả các hoạt động từ các bộ phận phòng ban như kinh doanh, Marketing, kế toán, nhân sự… Zoho One cho phép người dùng sử dụng trên mọi thiết bị máy tính hoặc điện thoại di động. Đặc biệt, nền tảng tích hợp với nhiều ứng dụng của bên thứ 3 khác nhau để cung cấp cho người dùng các giải pháp toàn diện và đa dạng hơn.

Bên cạnh Zoho One, Digi-Texx được giới thiệu là giải pháp số hóa và quản lý dữ liệu toàn diện cho doanh nghiệp. Digi-Texx chuyên cung cấp giải pháp chuyển đổi số và gia công quy trình kinh doanh (BPO) có 100% vốn đầu tư của Đức. Đây là nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy với hơn 20 năm kinh nghiệm cho các ngành như: thương mại điện tử, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng,… Digi-Texx giúp đơn giản hóa các quy trình, cải thiện mức độ dịch vụ và tiết kiệm chi phí nhờ áp dụng các công nghệ mới nhất như AI, Deep Learning, Big Data và Computer Vision.

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>