Doanh nghiệp than khó trong tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin, tuyển xong phải đào tạo lại

10/11/2023 | 21:30 GMT+7

 (HGO) – Nhằm kết nối cung cầu nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) giữa đơn vị đào tạo và nhà tuyển dụng, đặc biệt với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang, chiều ngày 10 - 11, UBND tỉnh tổ chức Tọa đàm “Kết nối cung cầu nhân lực CNTT”.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại tọa đàm.

Tham dự có bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung; đại diện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Cửu Long, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Võ Trường Toản, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang; các doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và ngoài nước.

Tại tọa đàm lần này, đại diện các trường đã cung cấp nhiều thông tin về việc đào tạo đối với ngành CNTT: Quy mô đang đào tạo, số lượng sinh viên ra trường hàng năm; sinh viên có hộ khẩu tại Hậu Giang đang theo học ngành CNTT ở các trường; tỷ lệ sinh viên ngành CNTT ra trường có việc làm tại các tỉnh vùng ĐBSCL…

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, hiện gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân sự CNTT; sinh viên CNTT khi ra trường phải mất thời gian đào tạo lại; chương trình đào tạo các trường khá manh mún, nên chất lượng nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; sinh viên ngành CNTT thiếu kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế…

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực CNTT cho doanh nghiệp hiện tại, Hậu Giang đã ký kết hợp tác với các trường đại học lớn: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Võ Trường Toản...

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung, chia sẻ nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn nhân lực CNTT.

Trong khuôn khổ tọa đàm, chia sẻ về tiềm năng của Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, cho biết: Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang được thành lập dựa trên 4 yếu tố: Hạ tầng, chính sách, dịch vụ và con người. Khu có rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, khi chỉ cách UBND tỉnh Hậu Giang 7 phút; cách Sân bay quốc tế Cần Thơ khoảng 1 giờ; khi các tuyến cao tốc đi qua tỉnh hoàn thành, việc di chuyển từ Hậu Giang đến Thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 3 giờ.

Khu Công nghệ số khi thành lập được định hướng vào 3 lĩnh vực chính: Công nghệ số, công nghệ cho nông nghiệp, công nghệ cho giáo dục…

Doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ những khó khăn trong tuyển dụng nhân sự CNTT.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tham khảo các chính sách dành cho doanh nghiệp CNTT từ các tỉnh, thành, để xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh Hậu Giang.

Tỉnh mong muốn các doanh nghiệp tư vấn thêm cho tỉnh, để tỉnh xây dựng chính sách dành cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu Công nghệ số. Hậu Giang cam kết sẽ gắn kết với các đơn vị đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực cung cấp cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, lên lộ trình tuyển dụng nhân sự từng năm.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ISC), thành lập tổ hỗ trợ tư vấn tuyển nhân sự cho Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang…

Tin, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>