Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

09/03/2023 | 22:58 GMT+7

Phát huy kết quả đạt được thời gian qua, huyện Châu Thành A sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt khâu đột phá trong công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn phát triển.

Sự hài lòng của dân là thước đo quan trọng trong đánh giá cán bộ, công chức cũng như chất lượng hoạt động tại Bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành A.

Theo đó, trong công tác cải cách hành chính, bên cạnh cải cách thể chế, huyện tập trung cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, huyện thường xuyên rà soát, cập nhật và tổ chức thực hiện việc niêm yết, công khai các nội dung về thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh công bố thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã trên Trang thông tin điện tử huyện, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận một cửa) các cấp, kịp thời gỡ những thủ tục đã bãi bỏ, thay thế.

Tiếp tục phát huy hiệu quả Bộ phận một cửa

Mặt khác, trong quá trình thực hiện, huyện cũng luôn đảm bảo tuân thủ các nội dung, thông tin về thủ tục hành chính qua việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu. Đồng thời, thực hiện tốt việc quản lý qua hệ thống camera giám sát, máy tính bảng đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn huyện.

Huyện cũng đang tiếp tục duy trì mô hình “Chính quyền thân thiện” tại Bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn, tạo không khí gần gũi giữa người dân với cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn, đảm bảo phục vụ cho người dân và doanh nghiệp theo quy định. Chưa kể, Bộ phận một cửa các cấp đều được sắp xếp lại cơ sở vật chất theo mô hình không gian mở, giúp phát huy công năng và mang lại tiện ích trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Đến nay, ngoài Bộ phận một cửa của huyện được thực hiện theo mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công thì 10/10 Bộ phận một cửa cấp xã trên địa bàn huyện đều được vận hành theo hướng hiện đại. Đáng ghi nhận là nhờ trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại nên tất cả đã và đang phục vụ tốt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc cũng như giúp người dân, doanh nghiệp thoải mái, hài lòng hơn khi đến giao dịch thủ tục hành chính nơi đây.

Ông Lê Minh Kha, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện, cho rằng, từ khi chính thức đưa vào hoạt động Bộ phận một cửa huyện theo mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, đến nay mang lại nhiều kết quả thiết thực. Trước hết là thông qua mức độ đánh giá rất hài lòng và hài lòng đạt hơn 99%; tỷ lệ hồ sơ trả kết quả được giải quyết trước hẹn, đúng hẹn cũng đạt hơn 99%, còn hồ sơ trễ hẹn từng bước được kéo giảm đáng kể.

Cụ thể trong năm qua (tính đến thời điểm báo cáo 2-12-2022), cấp huyện tiếp nhận tổng số 5.934 hồ sơ thủ tục hành chính. Qua đó, giải quyết đúng và trước hẹn 5.827 hồ sơ, bao gồm 1.030 hồ sơ trực tuyến; 7 hồ sơ trễ hẹn do thực hiện phần mềm kết thúc trễ hẹn và đang trong thời gian giải quyết 100 hồ sơ. Riêng cấp xã đã tiếp nhận tổng số 26.422 hồ sơ. Trong đó, giải quyết trước hẹn và đúng hẹn 25.860 hồ sơ, bao gồm 21.316 hồ sơ trực tuyến; 39 hồ sơ trễ hẹn cũng do kết thúc trên phần mềm trễ hẹn.

Thiết thực mô hình “Tổ chuyển đổi số cộng đồng”

Đáng ghi nhận là thông qua việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền đã giúp cho việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với cấp huyện, cấp xã trong năm qua đạt trên 90% tổng số hồ sơ phát sinh mức độ 3, 4. Đặc biệt là địa phương tổ chức thành công Cuộc thi “Đề xuất mô hình, sáng kiến, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số trên địa bàn huyện Châu Thành A”.

Cuộc thi nhằm khơi dậy ý tưởng, cách làm hay, mô hình mới, từ đó lựa chọn, tìm ra những mô hình, sáng kiến, giải pháp cải cách hành chính có khả năng ứng dụng thực tiễn cao trên địa bàn huyện. Theo đó, tại cuộc thi, nhóm thực hiện mô hình “Tổ Chuyển đổi số cộng đồng huyện - Giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn huyện Châu Thành A” đã xuất sắc giành giải nhất. Mô hình này cũng đạt giải ba của cuộc thi cấp tỉnh năm 2022.

Chia sẻ về hiệu quả của mô hình do mình làm Trưởng nhóm, ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho biết, mô hình góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đồng tình, hưởng ứng. Nhờ vậy đã trở thành phong trào hành động cách mạng ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị trên toàn huyện.

Nhất là mô hình có khả năng nhân rộng theo cấp số nhân, ít nhất 1 người biết có thể truyền đạt cho 2 người. Vì vậy, ông Phúc tin rằng mô hình sẽ giúp huyện xóa trắng “Hộ chưa hiểu biết về chuyển đổi số”. Bởi chỉ hơn 4 tháng thực hiện, mô hình đã tuyên truyền, hướng dẫn được 24.092/26.768 hộ gia đình cài tài khoản dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng di động Hậu Giang và tài khoản dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (mobile money, ví điện tử, tài khoản ngân hàng...), đạt tỷ lệ 90%.

Ngoài ra, hướng dẫn các hộ nông dân, cơ sở có sản phẩm OCOP cài đặt được trên 350 tài khoản để đăng bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, qua đó có 16 sản phẩm tiêu biểu của huyện được quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử (trang Voso). Phối hợp với 3 xã, thị trấn vận động các tiểu thương cài đặt ví điện tử và đưa vào hoạt động 3 chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai hướng dẫn 10/10 trạm y tế có mở sổ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn huyện, đạt tỷ lệ 100%...

“Qua mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức cũng như nâng cao tỷ lệ người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng kỹ năng số, nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trong việc giải quyết các thủ tục hành chính công trên môi trường mạng, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại, tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân khi đến cơ quan công quyền; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính”, ông Phúc chia sẻ thêm.

Chuyển đổi số góp phần thay đổi mọi mặt đời sống, hoạt động của dân

Theo UBND huyện, qua 2 năm chuyển đổi số đã góp phần thay đổi mọi mặt về đời sống, hoạt động của người dân trên địa bàn. Đến nay, 100% trạm y tế xã, thị trấn, căn tin tại các trường học, căn tin bệnh viện được trang bị thu phí qua mã QR Code. Hiện các ấp trên địa bàn đang thực hiện mô hình nhóm zalo ấp. Trưởng ấp là quản trị nhóm, đăng thông tin cần biết về chính trị, kinh tế - xã hội có liên quan để người dân biết, còn người dân cũng có thể đăng tải những tin tức tương tác với nhau.

Đặc biệt, Tổ chuyển đổi số cộng đồng huyện đã phối hợp cùng các nhà mạng, các xã, thị trấn, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trên 90% người dân tiếp cận và biết cách sử dụng các dịch vụ do chuyển đổi số mang lại. Hiện toàn huyện có 24.822 tài khoản dịch vụ công trực tuyến, App Hậu Giang; có 23.544 tài khoản ví điện tử thanh toán không dùng tiền mặt; có trên 80% người dân có sử dụng điện thoại thông minh và có cài đặt sổ sức khỏe điện tử...

 

Bài, ảnh: NGUYỄN NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>