Cùng vào cuộc chuyển đổi số

10/10/2022 | 07:33 GMT+7

Xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và là cơ hội để một tỉnh còn nhiều khó khăn như Hậu Giang dù “đi sau”, nhưng có thể “đuổi kịp”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, các cấp, các ngành, địa phương tại Hậu Giang ra sức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các tiện ích công nghệ số.

Cùng vào cuộc

“Chợ 4.0” là mô hình thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt đã và đang được triển khai thực hiện rộng rãi tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc chuyển đổi số, thanh toán số, tiến tới xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các nhà mạng triển khai mô hình “Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt”.

Là chợ trung tâm của thành phố Vị Thanh, chợ Vị Thanh (phường III, thành phố Vị Thanh) chính thức trở thành “Chợ 4.0” đầu tiên của thành phố. Tại đây, khách hàng thanh toán không cần dùng tiền mặt, hướng tới sự nhanh chóng và thuận lợi trong kinh doanh, mua bán. Đây được xem là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung. Đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại.

Chị Nguyễn Thị Loan, tiểu thương buôn bán tại chợ Phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Với mô hình này, tiểu thương chúng tôi và khách hàng khi mua bán sẽ thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money thay cho hình thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt. Tôi thấy hình thức này rất tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua, bởi hạn chế được việc mang nhiều tiền khi ra đường”.

Bên cạnh hướng phương thức thanh toán hiện đại, với sự vào cuộc quyết liệt của các tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương, người dân ngay cả vùng thành thị, lẫn nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu tiếp cận với các ứng dụng, tiện ích công nghệ số. Chị Phạm Thị Mỹ Xuyên, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Từ hồi được mấy em ở tổ công nghệ số cộng đồng ở địa phương đến tuyên truyền về chuyển đổi số là gì, hướng dẫn cài app Hậu Giang, ví điện tử… Giờ tôi cũng biết sử dụng kênh zalo, facebook để đăng bán các sản phẩm được trồng tại nhà, nhờ vậy, công việc buôn bán của gia đình thuận lợi hơn rất nhiều”.

Với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền về chuyển đổi số, người dân trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi về nhận thức và hành động, bước đầu sẵn sàng trải nghiệm các tiện ích, ứng dụng về công nghệ số. Mọi người còn tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ điện, nước, truyền hình số, thuế, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính… Việc hưởng ứng, sử dụng các nền tảng số của người dân, đã và đang trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy hoạt động chính quyền chuyển số.

Việc thực hiện chuyển đổi số thời gian qua còn hướng đến các doanh nghiệp. Chị Lê Kim Phụng Em, chủ cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát, huyện Long Mỹ, tâm sự: “Theo tôi, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử là xu hướng của các doanh nghiệp hiện nay. Lợi ích mang lại đầu tiên so với phương pháp kinh doanh truyền thống, là tiết kiệm được nhiều chi phí như: thiết kế gian hàng, thuê mướn nhân công... Ngoài ra, trên không gian mạng, chúng ta cũng có thể đính kèm nhiều hình ảnh cho sản phẩm, từ đó giúp người tiêu dùng có thể tìm hiểu kỹ hơn về hàng hóa cần mua”.

Nền tảng để chuyển đổi số thành công

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành A đã triển khai xây dựng và thực hiện gần 40 mô hình chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, huyện đã đầu tư, nâng cấp cơ sở, vật chất, trang thiết bị để phục vụ chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, như trang bị laptop, máy tính bảng cho cán bộ cấp huyện, xã, điện thoại thông minh cho bí thư - trưởng ấp… Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay 100% cơ quan, phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn đều có quyết định phân công cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở cấp huyện, cấp xã tăng so với cùng kỳ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt hơn 99%; trên 90% người dân trên địa bàn đã tiếp cận, biết cách sử dụng các dịch vụ do chuyển đổi số mang lại…”.

Còn huyện Phụng Hiệp, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, công cuộc đưa công nghệ số về từng ngõ, từng nhà trên địa bàn đã bước đầu mang lại kết quả thiết thực. Ông Phạm Văn Thế, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn huyện đạt 36,27% đây là kết quả rất đáng mừng, bởi qua đây cho thấy người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Chúng tôi còn hỗ trợ cài app HauGiang, ví điện tử thanh toán không dùng tiền mặt… cho hơn 18.000 người dân tại địa phương, đạt tỷ lệ trên 37%. Phối hợp với VNPT, Viettel lắp đặt wifi cho 128 ấp và 14 chợ trên địa bàn, thành lập mô hình “CLB công dân trực tuyến huyện”, với 7 tổ đặt tại các xã, thị trấn”.

Thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về Xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, trong giai đoạn 2021-2022, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Đến nay, đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. 100% cơ quan nhà nước tham gia Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, 99% văn bản giữa các cơ quan nhà nước được ký số và gửi trên hệ thống. 100% xã, phường, thị trấn được trang bị hệ thống phòng họp trực tuyến, đảm bảo chất lượng họp trực tuyến ổn định. 105 sản phẩm OCOP của tỉnh và 1.173 sản phẩm nông sản đã được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart. Tính đến cuối tháng 9, số giao dịch thương mại điện tử trên 2 sàn là 15.634 giao dịch, tổng doanh thu từ các giao dịch này là gần 3 tỉ đồng.

Số người dân cài ứng dụng di động Hậu Giang (app HauGiang) là hơn 60.000 lượt người. Trong 9 tháng đầu năm nay, người dân đã gửi hơn 800 phản ánh, về các vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội đến các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh qua ứng dụng này. Các phản ánh đều được cơ quan chức năng xử lý kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, còn thành lập được 525 tổ công nghệ số cộng đồng ở các ấp, khu vực hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số, với khoảng 3.470 thành viên tham gia.

Với nhiều nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi số, trong đánh giá về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2021, do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, tỉnh Hậu Giang đứng thứ hạng 17/63 tỉnh, thành phố về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số (tăng 11 bậc so với năm 2020).

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Chúng ta đã đạt những kết quả tích cực bước đầu của quá trình chuyển đổi số. Nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân đã chuyển biến tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ cho chính quyền số cơ bản đáp ứng như: Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, Ứng dụng di động Hậu Giang, Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống quản lý văn bản… Kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành. Tỉnh đã từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương lên các sàn thương mại điện tử. Đã triển khai tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán điện tử...”.

Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số đã từng bước đem lại nhiều tiện ích cho người dân và chính quyền. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chuyển đổi số, cần sự quyết tâm, đồng hành của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng. Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước đi vào chiều sâu, ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển!

Ngày 10-10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia

Ngày 27-9-2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Ngày 22-4-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505, chọn ngày 10-10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022, là năm đầu tiên Việt Nam phát động Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy tiêu dùng số tại Cổng thông tin điện tử chuyển đổi số quốc gia. Trong tháng 10-2022 (từ ngày 1 đến 31-10), tháng tiêu dùng số trên Cổng thông tin điện tử chuyển đổi số quốc gia sẽ đăng tải danh sách chi tiết các chính sách miễn phí, ưu đãi, giảm giá cho người dân…  

- Với nhiều nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi số, trong đánh giá về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2021, do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, tỉnh Hậu Giang đứng thứ hạng 17/63 tỉnh, thành phố về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số (tăng 11 bậc so với năm 2020).

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>