Chuyển đổi số trong giáo dục: Thấy dễ nhưng không dễ...

19/05/2023 | 14:26 GMT+7

Nhiều ý kiến, hiến kế tại Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số nâng cao công tác quản lý và chất lượng giảng dạy” được nêu lên với mong muốn tìm được mô hình hiệu quả, phù hợp với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo diễn ra trong ngày 19-5, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) – Mekong Delta 2023.

Các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, doanh nghiệp, tham gia tọa đàm tại hội thảo.

Rào cản kinh phí...

Ông Vũ Văn Nhượng, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần công nghệ Logicbuy, chia sẻ: “Áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí cho người học. Chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang tác động sâu sắc đến ý thức, thái độ của người dạy và người học. Trong đó, quan trọng nhất là tạo sự bình đẳng, xóa khoảng cách vùng, miền. Vì thế, quan tâm nhất là có giải pháp làm sao để học sinh hoàn cảnh khó khăn đảm bảo điều kiện học tập và có thiết bị học tập khi học trực tuyến”.

Đại diện các doanh nghiệp giới thiệu các mô hình hay về chuyển đổi số trong giáo dục.

Vấn đề mấu chốt theo ông Nhượng là doanh nghiệp cần cân đối giá thành sản phẩm, nên có mức giá sản phẩm dạy học công nghệ dưới 10 triệu đầu tư cho 1 trường học, máy tính bảng cho học sinh học tập ở mức giá 2 triệu - 2,5 triệu đồng, nghiên cứu cài đặt các chương trình ứng dụng chỉ dành cho học tập… có như thế mới phát huy được tối ưu tính hiệu quả của chuyển đổi số trong công tác quản lý của nhà trường, dạy và học của thầy và trò.

Chuyển đổi số trong giáo dục được ứng dụng dưới 3 hình thức chính: ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy (lớp học thông minh, lập trình…); ứng dụng công nghệ trong quản lý (công cụ vận hành, quản lý); ứng dụng công nghệ trong lớp học (công cụ giảng dạy, cơ sở vật chất).

Bà Phạm Thiên Thanh, đến từ Sao Mai Education Group, chia sẻ: “Mỗi địa phương sẽ có kế hoạch, nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục khác nhau. Tuy nhiên nguồn kinh phí còn nhiều khó khăn. Trong khi yêu cầu tối thiểu cho một phòng học thông minh là phải có màng hình cảm ứng, tai nghe, có phần mềm dành cho giáo viên quản lý, tương tác trực quan 3D sẽ giúp học sinh hình dung rõ hơn về những chủ thể, môn học đó. Vì thế, đầu tư xây dựng được phòng học thông minh sẽ là điều kiện quan trọng đầu tiên của từng trường học, góp phần hình thành kỹ năng, năng lực, thái độ học tập tích cực cho học sinh”.

Các ý kiến khác đề xuất tại hội thảo: Trường đại học, cao đẳng cần có sự hỗ trợ để sinh viên sử dụng và ứng dụng khởi nghiệp sáng tạo lĩnh vực chuyển đổi số, để chủ động lĩnh hội kiến thức; liên kết với các doanh nghiệp trong viêc chuyển đổi số để có nơi sinh viên thực hành, nâng cao kỹ năng kỹ thuật số, từ đó đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ cụ thể, để doanh nghiệp chọn lựa nhân sự từ chính lực lượng sinh viên đến thực hành…

Công nghệ là công cụ đắc lực nhưng không được lạm dụng...

Học sinh tham quan các mô hình, sản phẩm chuyển đổi số được trưng bày tại hội thảo.

Vấn đề đang trở thành sự lo ngại hiện nay là việc lạm dụng ChatGPT trong học tập của học sinh, sinh viên. Chia sẻ vấn đề này, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Ứng dụng công nghệ số vào trong giáo dục chính là việc quản lý và ứng dụng thực tế sản phẩm công nghệ làm sao cho hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Công nghệ sử dụng tốt sẽ trở thành công cụ đắc lực để nâng tầm trí tuệ cho con người. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ mang lại hậu quả khôn lường. ChatGPT là ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) có nhiều tiện ích thực tế, giáo viên, học sinh có thể tham khảo nhưng không nên quá “lăng xê” nó. Vì lạm dụng công nghệ này, có thể khiến học sinh lười suy nghĩ, gian lận, thậm chí là dần mất động lực học tập. Chưa kể, với nhiều thông tin sai lệch, học sinh có bộ lọc chưa tốt, dễ bị định hướng sai”.

Hay thực trạng tổ chức lớp học trực tuyến, giải pháp nào tăng cường sự tương tác qua lại giữa thầy và trò, trường hợp học sinh tắt camera khi tham gia học tập làm sao biết được các em có đang học cần xử lý ra sao?, xây dựng lớp học thông minh sao cho phù hợp từng cấp học? Bà Phạm Thiên Thanh, Sao Mai Education Group, chia sẻ: “Quan trọng là trường chọn phần mềm tích hợp đầy đủ chức năng, ngành không nên sử dụng quá nhiều phần mềm để tránh sự rối rắm, lúng túng trong cơ sở dữ liệu, phải chọn và tạo sự thống nhất trong quản lý phần mềm. Khi xây dựng phòng học thông minh (các lớp học ảo) cần phối hợp giữa nhà trường và đơn vị cung cấp phần mềm cài đặt các chức năng tiện ích phù hợp, làm sao quản lý được học sinh trong quá trình sử dụng thiết bị học tập, khóa các ứng dụng độc hại, sử dụng các chương trình chơi để học, để xây dựng các chương trình bổ trợ cho học sinh nhất là cấp tiểu học để phát huy hiệu quả”.

Bàn về giải pháp phát triển giáo dục STEM cho học sinh, TS. Nguyễn Thành Hải, chuyên gia về giáo dục STEM/STEAM, Đại học Missouru, Hoa Kỳ, nhấn mạnh: “Phát triển hiệu quả giáo dục STEM/STEAM chính là chìa khóa để mỗi giáo viên, giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy, học sinh, sinh viên sẽ xây dựng kỹ năng học tập toàn diện, được trải nghiệm thực tế hoạt động, chủ động có kế hoạch và nâng cao khả năng tự học”.

Câu chuyện quan trọng khác trong đào tạo thế hệ tương lai cho đồng bằng sông Cửu Long là chuyển đổi đổi số thế nào để lý thuyết, đi đôi với thực hành, thực tiễn. Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hạnh Duyên, đại diện Công ty TNHH eduClaas đã mang đến hội thảo giải pháp Về quản lý nhân lực công nghệ số, với Mô hình học tập kết hợp công việc thực tế (mô hình 70-20-10): 70% trải nghiệm làm việc thực tế tại các doanh nghiệp (3 năm), 20% sinh viên sẽ được trải nghiệm và huấn luyện, 10% học tập tập trung tại đơn vị (1 năm). Với mô hình này , 4 năm học ra trường sinh viên tự tin, có kỹ năng thực tế và có nơi làm việc tốt.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Nếu một địa phương tự làm riêng lẻ, hội nghị lần này là cơ hội chung để các tỉnh, thành trong khu vực cùng nhau học tập, chia sẻ kinh nghiệm, cùng thực hiện chuyển đổi số hiệu quả hơn từ ý kiến các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, doanh nghiệp… có nhiều kinh nghiệm trong và nước ngoài. Qua khuôn khổ hội thảo, đã giúp các nhà giáo có những cái nhìn mới, hiểu sâu về chuyển đổi số của ngành. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tranh thủ khai thác, sắp xếp cuối tháng 5 tổ chức 1 hội thảo về chuyển đổi số của ngành, mời TS. Nguyễn Thành Hải chia sẻ những ưu điểm kinh nghiệm về chuyển đổi số để truyền cảm hứng cho các thầy cô ở tất cả các cấp học trong tỉnh”.

 

CAO OANH ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>