Chuyển đổi số - Hướng đi bền vững cho doanh nghiệp

21/03/2023 | 08:26 GMT+7

Chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp và được xem là chìa khóa vận hành doanh nghiệp trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy những khó khăn, cơ hội nào đang chờ đợi doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số? Để giải đáp vấn đề này, phóng viên Báo Hậu Giang có trao đổi với ông Phạm Hùng Hải, Giám đốc VNPT Hậu Giang, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Ông Phạm Hùng Hải (bìa phải), Giám đốc VNPT Hậu Giang, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, giới thiệu về việc chuyển đổi số.

Thưa ông, xin ông cho biết đâu là động lực chính để doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, đưa công nghệ và quy trình số vào sản xuất ?

- Động lực chính để doanh nghiệp tham gia chuyển đối số, thứ nhất là cải thiện năng suất tại doanh nghiệp thông qua việc giảm chi phí. Thứ hai, tăng sản lượng đầu ra và đạt lợi nhuận biên cao hơn. Thứ ba là nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh.

Đặc biệt đối với những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về quy trình sản xuất và lưu trữ hồ sơ dữ liệu. Các doanh nghiệp này càng có nhiều động lực hơn để áp dụng công nghệ số, mang lại lợi ích về môi trường và quản lý kiểm soát rủi ro. Nếu như một doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất, có lưu trữ dữ liệu, truy xuất nguồn gốc thì những doanh nghiệp đối tác ở nước ngoài sẽ tin tưởng hơn và chủ động tìm đến doanh nghiệp. Như vậy giá trị sản phẩm, lợi nhuận doanh nghiệp tăng hơn. Đó là một số động lực chính mà doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số áp dụng công nghệ trong thời gian tới.

Xu hướng hiện nay là gì, thưa ông ?

- Xu hướng tiêu dùng trong nền kinh tế số là ngày nay người tiêu dùng đã dần thay đổi hành vi tiêu dùng, thông qua mạng xã hội người tiêu dùng tương tác và thúc đẩy lẫn nhau trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ tốt. Tiêu dùng sản phẩm có giá trị cao khi mà tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển.

Xu hướng nhu cầu là trên các sàn thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ và Chính phủ điện tử. Thương mại điện tử thông qua người dùng, khách hàng, người dân mua sắm trên các sàn thương mại điện tử; Chính phủ điện tử thông qua việc người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công qua môi trường mạng; kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh tế trong đó các cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp sử dụng công nghệ để chia sẻ tài sản, dịch vụ…, có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giao thông vận tải (Uber, Grab), lưu trú (Airbnb)….

Xu hướng về công nghệ, mà cụ thể là đối với doanh nghiệp lớn cần sử dụng máy móc hiện đại, tự động hóa sản xuất, cảm biến và đo lường, thu thập và phân tích dữ liệu tức thì. Đối với với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh tận dụng các công cụ hỗ trợ tức thì và giải quyết các vấn đề thường ngày thông qua các nền tảng số.

Để chuyển đổi số, doanh nghiệp đang đối diện với những cơ hội và thách thức nào, thưa ông ?

- Thách thức đối với doanh nghiệp là thiếu thông tin về công nghệ và dịch vụ số. Thiếu nguồn vốn và khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Bên cạnh những thách thức doanh nghiệp đang đối diện, doanh nghiệp ở Hậu Giang cũng có nhiều cơ hội để chuyển đổi số đó là về thể chế. Trên cơ sở các chính sách từ Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ công nghệ và chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành các chính sách, kế hoạch và hỗ trợ cho doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Cụ thể thời gian qua, ngành thuế đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông đã rất tích cực và chủ động hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách thuế và chuyển đổi số, như hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều đã sử dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử, thời gian tới là hợp đồng điện tử, các nền tảng số…

 Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư thời gian qua cũng đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý, chính sách và nâng cao kỹ năng quản lý cho doanh nghiệp; Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt các vấn đề liên quan sở hữu trí tuệ, hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản xuất… Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2023, thành phố Vị Thanh và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối các Ngân hàng và Doanh nhiệp đóng trên địa bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, giải quyết và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sớm sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả.

Xin ông cho biết, phương thức tiếp cận của doanh nghiệp để có lộ trình và mô hình chuyển đổi số thực hiện tốt hơn ?

- Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang sẽ tổng hợp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ công nghệ, chuyển đổi số và các chính sách vay vốn để thông tin đến doanh nghiệp. Văn phòng Hiệp hội cũng sẽ gửi tài liệu, cẩm nang chuyển đổi số, cũng như các kênh tiếp cận và nền tảng chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng đến các doanh nghiệp để tiếp cận và triển khai sử dụng.

Doanh nghiệp cũng cần quan tâm và đăng ký với Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp để được tư vấn hoặc sẽ mời chuyên gia để tư vấn chuyển đổi số và khảo sát nhằm đưa ra mô hình chuyển đổi số phù hợp cho từng doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp, từng cấp độ doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông !

MỘNG TOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>