Chuyển đổi số định hình tương lai

25/01/2023 | 06:06 GMT+7
Nghe Podcast:
/uploads/Audio/News/2023/01/25/061353chuyển đổi số định hình tương lai.mp3
 
Chuyển đổi số đang mở ra cơ hội để một tỉnh còn nhiều khó khăn như Hậu Giang có thể “đuổi kịp”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
 
Tận dụng lợi thế tỉnh đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số ở nhiều ngành và lĩnh vực.
 
“Quả ngọt đầu mùa”
 
Cuối năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 02, về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25, thông qua Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025.
 
Nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, trong năm 2022 tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện gắn với chuyển đổi số, tiêu biểu là Tuần lễ thúc đẩy Chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang.
 
Xác định hạ tầng là tiền đề quan trọng để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã dành nguồn lực khá lớn để từng bước hoàn thiện về hạ tầng công nghệ. So với trước đây, hiện nay hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của tỉnh đã có những tiến bộ đáng kể. Về hạ tầng kỹ thuật, tỉnh có hạ tầng Cloud phục vụ các ứng dụng dùng chung của tỉnh; Trung tâm dữ liệu tỉnh phục vụ việc sao lưu dữ liệu và dự phòng các ứng dụng; tỉnh đã bố trí máy tính, máy in cho công chức, viên chức từ tỉnh đến cấp xã; hệ thống phòng họp không giấy đã được trang bị từ cấp tỉnh đến cấp huyện; hệ thống họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã với 98 điểm cầu, cơ bản đáp ứng cho việc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025.
 
Cùng với đó, các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng được xây dựng và hoàn thiện. Điển hình là cổng thông tin điện tử tỉnh được cập nhật thường xuyên, nội dung thông tin luôn bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai tại 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã. Mạng 4G đã phủ sóng toàn tỉnh, mạng 5G đang được triển khai thí điểm ở một số khu vực, địa bàn trong tỉnh.
 
Để thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghệ thông tin hiện tại, tỉnh đang áp dụng các chính sách chung về ưu đãi đầu tư công nghệ thông tin của Trung ương. Mới đây, tỉnh cũng đã thông qua Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đặt tại thành phố Vị Thanh. Nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ thông tin từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào đầu tư kinh doanh với các chính sách, chế độ ưu đãi dành cho các khu công nghệ thông tin tập trung theo quy định của Chính phủ.
 
Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Đến nay, chúng ta đã đạt những kết quả tích cực bước đầu của quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân đã chuyển biến tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ cho chính quyền số cơ bản đáp ứng như: Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, Ứng dụng di động Hậu Giang, Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống quản lý văn bản… Kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành.
 
Chuyển đổi số toàn diện ở 3 trụ cột
 
Là một trong những tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây Hậu Giang đang triển khai nhiều chương trình, dự án để cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Với tỷ trọng nông nghiệp chiếm 22,73% trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp là một trong bốn trụ cột để phát triển tỉnh Hậu Giang.
 
Trong đó, tỉnh xác định chuyển đổi số ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh đang hướng đến là chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Phấn đấu đưa Hậu Giang trở thành một trung tâm nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
Là một trong những nông dân tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong canh tác, ông Võ Văn Trưng, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Trong canh tác dưa lưới tôi đã đầu tư dây chuyền công nghệ tưới của Israel, công nghệ này có ưu điểm là tiết kiệm được 80% lượng nước tưới và hạn chế được dịch bệnh đến 90%. Việc tưới tiêu vừa nhanh lại rất tiện lợi, đỡ được một phần chi phí thuê mướn nhân công. Từ khi cài hệ thống kiểm tra dinh dưỡng cho cây dưa lưới, giờ chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, tôi đã có thể theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng mọi lúc mọi nơi”.
 
Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thêm thị trường, giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh. Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Long, chia sẻ: Thời gian qua, hợp tác xã cũng đã có những bước đi nhỏ cho quá trình chuyển đổi số của mình như: làm quen với khai báo thuế điện tử, thanh toán tiền mua bán lúa, vật tư nông nghiệp qua tài khoản ngân hàng. Chúng tôi hiểu việc chuyển đổi số sẽ mang lại những tiện ích rất lớn, dài lâu”.
 
Đến nay, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột là: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. 100% cơ quan nhà nước tham gia Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, 99% văn bản giữa các cơ quan nhà nước được ký số và gửi trên hệ thống. 105 sản phẩm OCOP của tỉnh và 1.506 sản phẩm nông sản đã được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart.
 
Hiện số người dân cài ứng dụng di động Hậu Giang (app HauGiang) là hơn 67.500 lượt người. Qua đánh giá về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2021, do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, tỉnh Hậu Giang đứng thứ hạng 17/63 tỉnh, thành phố về Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số (tăng 11 bậc so với năm 2020).
 
Để quá trình chuyển đổi số của tỉnh đạt nhiều kết quả hơn nữa, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương và của tỉnh. Phải xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cho cấp sở, huyện, xã, phường, thị trấn, trường học, doanh nghiệp. Nghiên cứu phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% các ấp, khu vực để làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện chuyển đổi số toàn dân. Nghiên cứu, có cơ chế thu hút, mời các chuyên gia công nghệ trong và ngoài tỉnh, tham gia tư vấn, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số cấp tỉnh; nghiên cứu đề xuất thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh...
 
“Thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt”; thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% các ấp, khu vực; thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã ở xã Thạnh Xuân và thị trấn Gạch Ròi, huyện Châu Thành A...”

 

 
“Hậu Giang là một trong 2 tỉnh ở ĐBSCL nằm trong tốp 20 về chuyển đổi số quốc gia
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: So với các tỉnh trong khu vực, Hậu Giang là một trong những địa phương tiêu biểu trong triển khai chuyển đổi số. Quyết tâm của Hậu Giang đã được thể hiện trong vị trí xếp hạng về chỉ số DTI năm 2021, đứng thứ hạng 17/63 tỉnh, thành phố về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số (tăng 11 bậc so với năm 2020), đứng ở vị trí thứ hai của đồng bằng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng Hậu Giang cũng cần tiếp tục và quyết tâm hơn nữa trong chuyển đổi số. Vấn đề đầu tiên cần quan tâm là nhận thức, thứ hai là tập trung về hạ tầng và thứ ba chúng ta nên ưu tiên phát triển kinh tế số.”

 

MỸ XUYÊN
Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>