Chuyển đổi số - Định hình tư duy phát triển thời đại 4.0

08/07/2022 | 07:16 GMT+7

Với sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, UBND tỉnh Hậu Giang cùng Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) đã phối hợp tổ chức Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022. Tuần lễ được tổ chức thể hiện khát vọng của Hậu Giang nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung trong định hình một tư duy phát triển mới dựa trên công nghệ.

Đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc khu trải nghiệm và trưng bày giải pháp chuyển đổi số.

Chuyển đổi số không là “cây đũa thần”…

Chưa bao giờ câu chuyện về chuyển đổi số (CĐS) được nói đến rất nhiều như hiện nay. Có nơi đang khởi động, có địa phương đã thực hiện hoặc có những đơn vị đang tìm tòi, đặt chân bước đầu vào lĩnh vực CĐS, nhưng ai cũng phải công nhận: Nếu muốn phát triển, muốn đi xa, thì CĐS không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc.

Hơn 30 chuyên gia đến với Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022, đã có những phần trình bày mang tính “khơi thông” điểm nghẽn về cách nhìn nhận, đánh giá đúng tầm của công nghệ nói chung và CĐS nói riêng.

Ông Bùi Cao Học, Founder&CEO Công ty TNHH phần mềm quản lý khách hàng Việt Nam (OnlineCRM), nhấn mạnh: “CĐS với tôi đơn giản là chuyển đổi dựa trên công nghệ số, bắt đầu từ số hóa dữ liệu, số hóa quy trình và sau đó mới đến chuyển đổi số. CĐS không phải là vấn đề quá lớn lao, cần tiền tỉ mới làm được, không nhiều tiền thì có thể “liệu cơm gắp mắm” vẫn làm được, vấn đề ở CĐS chính là xóa bỏ rào cản tư duy, nhìn nhận đúng đắn nhất vai trò của CĐS. Tuy nhiên, CĐS không là cây đũa thần, cứ vẫy một cái là như ý muốn, là thành công, từ lọ lem thành công chúa, mà đó là cả một quá trình, rất cần sự kiên trì và quyết tâm”.

Để CĐS thật sự đi vào cuộc sống, thì tiên phong có lẽ phải bắt đầu từ chính quyền số, chính phủ số, để khơi thông tư duy và tạo tiền đề cho doanh nghiệp, người dân  chung tay thực hiện.

Điều nói trên có thể lấy Hậu Giang làm điển hình. Dù là tỉnh trẻ, tỉnh mới, nhưng đã rất chú trọng đến CĐS, nhất là trong 5 năm trở lại đây, tỉnh không nóng vội nhưng không cho phép chậm trễ ở lĩnh vực này, từng bước thực hiện CĐS. Về hạ tầng kỹ thuật, tỉnh có hạ tầng Cloud phục vụ các ứng dụng dùng chung của tỉnh; Trung tâm Dữ liệu tỉnh phục vụ việc sao lưu dữ liệu và dự phòng các ứng dụng; tỉnh đã bố trí máy tính, máy in cho công chức, viên chức từ tỉnh đến cấp xã; hệ thống họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã với 98 điểm cầu; hệ thống phòng họp không giấy đã được trang bị từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Cùng với đó, các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng được xây dựng và hoàn thiện. Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai tại 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã.

Chia sẻ về mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025, tiến sĩ Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, thông tin: Theo mục tiêu đã đề ra, tỉnh sẽ tập trung cụ thể để thực hiện Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, thực hiện chuyển đổi số hoạt động của các ngành, lĩnh vực, từng bước đưa hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số. Ban hành nhiều chính sách để khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, tham gia sử dụng các nền tảng số, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, đưa người dân tham gia các nền tảng số, triển khai các giải pháp không dùng tiền mặt, hỗ trợ người dân sử dụng các nền tảng số y tế, giáo dục…

Cũng nhấn mạnh CĐS không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia, địa phương và doanh nghiệp, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA), cho rằng: CĐS hiệu quả trong phát triển kinh tế vùng cần ưu tiên giúp tăng năng lực quản lý và năng lực cạnh tranh cho khối doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nông nghiệp bằng chuyển đổi số. Hình thành các nền tảng số hóa cho logicstic giúp giải quyết từng bước việc tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp - thủy sản - sản phẩm chế biến, nhằm tăng nguồn thu cho người nông dân, hộ nuôi trồng. Tăng cường tăng tốc chuyển đổi số cho ngành giáo dục, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện chuyển đổi số trong quản lý y tế điều trị, y tế dự phòng, y tế cộng đồng giúp nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân. Cải thiện năng lực phục vụ hành chính công trên cơ chế xây dựng chính quyền điện tử.

Chuyển đổi số được xây dựng dựa trên 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Chính phủ số là thành tố đóng vai trò nền tảng, kiến tạo, dẫn dắt sự phát triển nền kinh tế số và xã hội số. Để xây dựng Chính phủ số/Chính quyền số một cách thiết thực và hiệu quả, theo ông Phạm Kim Sơn, đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), cho rằng: Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, cấp bách để phát triển đất nước. Để xây dựng chính quyền số cần thay đổi mô hình hoạt động từ truyền thống sang mô hình vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Thay đổi quy trình nghiệp vụ và cách thức cung cấp dịch vụ theo hướng thông minh hơn, có tương tác cao hơn giữa Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tạo giá trị công có năng suất, chất lượng vượt trội. Cụ thể, để thực hiện được việc này cần đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số; tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức; hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế…

Vậy, với một khu vực thuần nông như đồng bằng sông Cửu Long, thì CĐS nên chú trọng đầu tiên vào đâu?... Đây là vấn đề được tổ chức hẳn một phiên chuyên đề trong khuôn khổ của Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022.

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu thăm quan khu trưng bày những ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Cơ hội và nền tảng cho sự phát triển của vùng trong tương lai

Với khu vực thuần nông nghiệp như vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc CĐS, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Trước khi thực hiện chuyển đổi số cần phải thực hiện công tác tuyên truyền đến người dân về ứng dụng chuyển đổi số. Xây dựng cơ bản Bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử. Xây dựng các thiết bị thông minh, nâng cấp các trạm đo chất lượng nguồn nước, lắp đặt bẫy đèn thông minh, hệ thống camera giám sát an toàn thực phẩm.

Nông nghiệp là ngành kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam. CĐS trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần 4. Theo ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ số thông minh, cho biết: Để chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp tại các tỉnh, thành, nên xây dựng nền tảng dữ liệu số và nền tảng tích hợp cho ngành nông nghiệp trên cơ sở đó, phát triển các dịch vụ, ứng dụng số. Qua đây, để cung cấp các dịch vụ, dữ liệu hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về phát triển nông nghiệp, nông sản; cung cấp các công cụ hữu hiệu hỗ trợ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành về nông nghiệp cho cán bộ, lãnh đạo ở các cấp đơn vị; tạo sự kết nối liên thông để kế thừa khai thác tối đa kết quả chuyển đổi số ngành nông nghiệp của Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan ứng dụng vào phát triển nông nghiệp địa phương.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, thì việc ứng dụng các thiết bị thông minh vào sản xuất, góp phần không nhỏ để đưa nền nông nghiệp hướng đến sự hiện đại, ông Đỗ Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Deloite Việt Nam, cho biết: Khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, thì việc ứng dụng công nghệ thông minh là một phần tất yếu đóng một vai trò quan trọng trong môi trường sản xuất hiện đại. Trong đó, robot, cảm biến, điện toán đám mây và blockchain là những công nghệ cốt lõi đóng vai trò như chất xúc tác cho cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp. Những tiến bộ của công nghệ khi được ứng dụng vào ngành nông nghiệp, đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập nền tảng cơ bản để tối ưu hóa việc tiêu thụ tài nguyên và duy trì sự cân bằng phù hợp giữa cung và cầu…

Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022 được tổ chức với nhiều mong muốn, không mang tính khuôn khổ trong nội bộ một địa phương mà là chuyện lớn của vùng, trong đó kỳ vọng CĐS sẽ là cơ hội, là nền tảng, giúp thay đổi tư duy từ các cơ quan đến doanh nghiệp và cả người dân, để phục vụ sự phát triển.

Sự kiện có ý nghĩa quan trọng

 

Trong sự kiện lần này, thông qua 27 gian hàng trưng bày các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ, 14 bài báo cáo tham luận, 30 chuyên gia hàng đầu… dự kiến thu hút 1.200 lượt khách tham gia, có sự tham dự của 32 tỉnh, thành phố trên cả nước, từ 4 lĩnh vực thông tin và truyền thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch, công thương, với sự có mặt của hơn 200 doanh nghiệp, hội, hiệp hội từ các tỉnh, thành phố. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mong muốn thúc đẩy các hoạt động CĐS không chỉ ở Hậu Giang mà còn lan tỏa khu vực ĐBSCL.

 

 

Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) được thành lập năm 1988, đến nay có hơn 34 năm xây dựng và phát triển, là tổ chức đại diện cho cộng đồng ngành công nghệ thông tin đầu tiên trong cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á với 426 hội viên doanh nghiệp và là đối tác của hơn 50 tổ chức xúc tiến, hiệp hội trong và ngoài nước. Hầu hết các hoạt động, sự kiện công nghệ thông tin lớn, có uy tín tại khu vực phía Nam đều có dấu ấn các thế hệ HCA qua các thời kỳ.

 

Mở ra những cơ hội hợp tác, đầu tư

 

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: Cùng với cả nước, Hậu Giang đã và đang đẩy mạnh CĐS, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng được tổ chức sẽ mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời, là lời mời gọi về nhu cầu đầu tư tại Hậu Giang, đặc biệt là trên 4 lĩnh vực trụ cột mà tỉnh quan tâm thu hút đầu tư: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Thông qua hoạt động này, thể hiện sự khát vọng vươn lên của Hậu Giang, tự tin là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với sự sẵn sàng về cơ chế, chính sách, đến môi trường đầu tư, cũng như nguồn lực tại chỗ.

 

M.XUYÊN - H.NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>