Chuyển đổi số đi vào cuộc sống

20/03/2023 | 06:30 GMT+7

Huyện Châu Thành A đã và đang tích cực triển khai sâu rộng các mô hình chuyển đổi số hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Nhiều mô hình chuyển đổi số triển khai đã góp phần giúp người dân, doanh nghiệp huyện Châu Thành A trải nghiệm nhiều tiện ích công nghệ.

Khi mô hình đi vào thực tế

Tranh thủ ngày cuối tuần được nghỉ, chị Nguyễn Thị Minh Thùy, ở xã Thạnh Xuân, đến UBND xã chứng thực một số giấy tờ. Các giấy tờ của chị Thùy sau khi nộp, được cán bộ phụ trách ở bộ phận một cửa kiểm tra rồi chuyển vào cho lãnh đạo xã ký. Không mất thời gian nhiều, những giấy tờ cần thiết của chị Thùy được giải quyết xong.

Chị Thùy bộc bạch: “Thường các cơ quan nhà nước chỉ làm việc từ thứ 2 đến thứ 6, trong khoảng thời gian từ 7-11 giờ buổi sáng và từ 13-17 giờ buổi chiều. Đối với công nhân chúng tôi mỗi khi cần làm giấy tờ gì bắt buộc phải làm đơn xin nghỉ 1 buổi hoặc 1 ngày, rất mất thời gian và phiền phức. Tuy nhiên, từ khi địa phương có mô hình “Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân vào các ngày nghỉ và ngày lễ”, tôi thấy rất hay và thuận tiện, nhất là những người làm việc ở công ty như tôi”.

Trên địa bàn xã Thạnh Xuân hiện có nhiều cơ sở kinh doanh và công ty, với hơn 3.000 công nhân đang làm việc tại các công ty xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Do đó, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của lực lượng công nhân rất lớn. Nhưng thực tế, giờ làm việc của cơ quan chủ yếu là giờ hành chính, trong khi đó công nhân chỉ được nghỉ làm vào ngày chủ nhật và ngày lễ. Xuất phát từ thực tế đó, chị Huỳnh Ngọc Phỉ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Xuân, đã đề xuất triển khai thực hiện mô hình “Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân vào các ngày nghỉ và ngày lễ”.

Chị Phỉ chia sẻ: “Mô hình khi triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp đặc biệt là công nhân. Riêng đối với cán bộ, công chức của xã đã phát huy được sự tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Lan tỏa nhiều mô hình hay

Cũng với mục tiêu hướng người dân tiếp cận với công nghệ đặc biệt, trong hoạt động khám, chữa bệnh, mô hình “Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân” do bà Cao Thị Phương Trang, Trưởng trạm Y tế xã Trường Long A, thực hiện đã góp phần không nhỏ trong thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương. Thông qua mô hình, người dân được lập sổ sức khỏe điện tử, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt; khám chữa bệnh không dùng thẻ BHYT giấy và tiếp cận hình thức khám chữa bệnh từ xa…

Bà Trang thông tin: “Dù là vùng nông thôn, nhưng khi mô hình “Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân” được triển khai tại Trạm Y tế xã, được người dân đón nhận và tích cực tham gia. Sau một thời gian triển khai đến nay, người dân có sổ sức khỏe điện tử thực hiện theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao trên địa bàn đạt hơn 92%; mọi người dần quen và biết sử dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Địa phương còn thực hiện khám chữa bệnh từ xa qua điện thoại, gửi thuốc về tận nhà cho 121 trường hợp người bệnh”.

Nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong lực lượng trẻ, đặc biệt là các em học sinh, lứa tuổi có thể tiếp thu nhanh những tiện ích, ứng dụng hiệu quả của chuyển đổi số, ông Trần Văn Mười, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Long A đã triển khai mô hình “Thực hiện chuyển đổi số với phương châm 1 + 1n tại Trường THCS Trường Long A”. 1+1n: số 1 đầu tiên là học sinh; số 1 thứ hai là gia đình của học sinh và n là số thành viên trong gia đình học sinh.

Ông Mười cho biết: “Mô hình mang lại hiệu quả rất khả quan tại xã Trường Long A trong phong trào “Cài đặt và sử dụng ví điện tử không dùng tiền mặt - dịch vụ công trực tuyến - app Hau Giang” mỗi người, mỗi nhà ứng dụng chuyển đổi số trong công việc, trong đời sống và trong học tập được xã phát động. Hiện tại, nhà trường đã triển khai mô hình ở 114 học sinh khối 9 dự kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đối với học sinh khối 8. Qua đây, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng học sinh và phụ huynh học sinh tham gia thực hiện và sử dụng chuyển đổi số trong toàn xã”.

Mỗi mô hình, sáng kiến thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số đã và đang được các tập thể, cá nhân triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Châu Thành A, đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Qua đây, tạo động lực giúp địa phương đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống xã hội. Tạo nền tảng quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>