Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức cho sự phát triển

06/07/2022 | 09:06 GMT+7

 

Chuyển đổi số đang dần trở thành xu thế tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức tác động không nhỏ đến các ngành, lĩnh vực, đời sống kinh tế - xã hội... Để hiểu rõ hơn về hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Hậu Giang đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Lã Hoàng Trung (ảnh), Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua ?

- Ngày 2-12-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 02 về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tiếp đó, ngày 4-12-2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25, thông qua Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025. Đây là các văn bản quan trọng, xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, trong giai đoạn 2021- 2022, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Đến nay, đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức tích cực trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được nộp và xử lý trực tuyến đạt 24%. 100% cơ quan nhà nước tham gia Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, 99% văn bản giữa các cơ quan nhà nước được ký số và gửi trên hệ thống. 100% xã, phường, thị trấn được trang bị hệ thống phòng họp trực tuyến, đảm bảo chất lượng họp trực tuyến ổn định.

100% số sản phẩm OCOP của tỉnh và 34 doanh nghiệp đã được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart, tham gia giao dịch điện tử trên 2 sàn này. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số giao dịch thương mại điện tử trên 2 sàn là 4.241 giao dịch, tổng doanh thu từ các giao dịch này là gần 300 triệu đồng.

Số người dân cài ứng dụng di động Hậu Giang (HauGiang App) là gần 40.000 người. Trong 6 tháng đầu năm nay, người dân đã gửi hơn 500 phản ánh, về các vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội đến các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh qua ứng dụng này. Các phản ánh đã được các cơ quan nhà nước xử lý kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Kết quả từ chuyển đổi số, đã mang lại những bước tiến mới nào cho Hậu Giang, thưa ông ?

- Thứ hạng về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Hậu Giang đã tăng 15 bậc, từ thứ hạng 47 năm 2019, đến năm 2020 đang tăng lên thứ hạng 32. Chỉ số chuyển đổi số của Hậu Giang năm 2021 xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các kết quả bước đầu của xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, cắt giảm chi phí hành chính. Đặc biệt, là nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp, người dân,

Có thể nói, chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng nhất để thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, khả năng thu hút đầu tư.

Thưa ông, bên cạnh những thuận lợi, trong công tác chuyển đổi số tỉnh nhà đang gặp những khó khăn gì ?

- Trước hết, chuyển đổi số là việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ. Chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện, có ảnh hưởng, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, việc thay đổi thói quen đã hình thành từ nhiều năm, để chuyển các hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân từ môi trường thực lên môi trường số luôn là khó khăn, trở ngại lớn. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực để tham mưu, tổ chức triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cũng là một khó khăn cần khắc phục. Thực tế hiện nay, đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh còn khá mỏng, chất lượng chưa cao, điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chuyển đổi số.

Với vai trò là cơ quan tham mưu của tỉnh trong công tác chuyển đổi số, ngành sẽ có những định hướng gì để tiếp tục thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thưa ông ?

- Để đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã, đang tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, toàn diện đã được nêu trong các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và trong các kế hoạch của UBND tỉnh.

Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 bao gồm: ban hành các chính sách để thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Trong đó, tập trung đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; thành lập và tổ chức hoạt động các tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu vực để hướng dẫn người dân kỹ năng số để tham gia các nền tảng số.

Lần đầu tiên, tỉnh phối hợp với Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng, kỳ vọng của ông thông qua hội nghị chuyển đổi số vùng lần này là gì, thưa ông ?

- Tuần lễ là cơ hội rất tốt để các sở, ngành, địa phương nhìn lại, đánh giá kết quả đạt được của chuyển đổi số các lĩnh vực trên cả nước sau 2 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749, ngày 3-6-2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, xác định mô hình, giải pháp chuyển đổi số phù hợp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tuần lễ là cơ hội để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp số đang cung cấp các giải pháp chuyển đổi số trên cả nước, qua đây có thể lựa chọn các giải pháp, ứng dụng sẽ triển khai.

Đồng thời, tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng là cơ hội rất tốt để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện tiên quyết, để quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới thành công, hiệu quả, thiết thực.

Tin tưởng rằng, Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng Hậu Giang 2022, sẽ tạo thêm động lực để quá trình chuyển đổi số tại Hậu Giang cũng như trên cả nước sẽ thu được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông !

MỸ XUYÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>