Bắt nhịp chuyển đổi số

05/07/2022 | 07:55 GMT+7

Dù mới khởi động qua một số mô hình đổi mới hình thức buôn bán, quảng bá sản phẩm, chuyển đổi số mở ra cơ hội để người dân thành phố Vị Thanh tiếp cận với các dịch vụ tiến bộ, tiện lợi. Các mô hình đã góp phần đưa cuộc cách mạng số trở nên gần gũi, thiết thực với người dân và mở rộng thị trường giao thương cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Triển khai mô hình chợ 4.0 tại chợ Vị Thanh.

Giờ đây “chuyển đổi số”, “thanh toán điện tử”, không còn là cụm từ xa lạ với người dân, bởi nhiều tiện ích như nhanh chóng, tiện dụng, dễ dàng tra cứu, tiết kiệm thời gian và giúp kiểm soát chi tiêu, quản lý tài chính tốt hơn. Nhưng để chuyển đổi số và cụ thể hơn là đưa các hình thức giao dịch, quảng bá sản phẩm hiện đại đi vào thực tế là cả một chặng đường.

Vừa qua, chợ Vị Thanh là một trong 2 chợ trên toàn tỉnh được Sở Công thương chọn triển khai mô hình chợ 4.0, triển khai dịch vụ để người dân mua bán, chuyển tiền, thanh toán không tiền mặt dễ dàng. Đây là bước đầu thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh Hậu Giang về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Tại các buổi triển khai ở chợ Vị Thanh, tiểu thương được hướng dẫn mở tài khoản và cách sử dụng tài khoản mobile money (tiền di động) giúp thực hiện giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và mua bán trực tuyến sử dụng trên mọi thiết bị điện thoại di động, có thể áp dụng trường hợp người dùng không có tài khoản ngân hàng. Khi được triển khai mô hình này, bà Trần Thị Phượng, tiểu thương chợ Vị Thanh, cho biết: Thanh toán không dùng tiền mặt không còn xa lạ mà khách hàng tới chợ sử dụng ngày càng nhiều, hơn nữa có người khi mua hàng từ xa cũng đã đề nghị thanh toán trực tuyến. Nếu áp dụng rộng rãi khách hàng có nhiều lựa chọn hơn mà lại thuận lợi, nhanh chóng cho người bán.

Theo Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, sau khi thí điểm mô hình chợ 4.0 tại chợ Vị Thanh có hiệu quả sẽ tham mưu để nhân rộng cho các chợ còn lại trên địa bàn. Đồng thời, đề xuất với Sở Công thương triển khai ở các cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp khác khi có điều kiện để nâng mức độ chuyển đổi số ngành thương mại - dịch vụ.

Được biết, cùng với xu hướng này, vừa qua Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Vị Thanh còn phát động mô hình Hội viên phụ nữ đi chợ không dùng tiền mặt để khuyến khích chị em ứng dụng các tiện ích của chuyển đổi số vào các hoạt động thường xuyên hàng ngày như mua sắm thực phẩm, đồ dùng thiết yếu tại các siêu thị, chợ. Đây cũng là một cách làm thiết thực, tạo thói quen cho người dân với các hình thức thương mại, dịch vụ kinh doanh hiện đại, ứng dụng hiệu quả tiện ích của chuyển đổi số vào đời sống.

Thích ứng kịp thời với quá trình chuyển đổi số trong thời đại công nghiệp 4.0, các cơ sở, hợp tác xã tại thành phố Vị Thanh còn chủ động và năng nổ tham gia các đợt hướng dẫn tiếp cận và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm tại địa phương như siro khóm, nước màu khóm, mứt khóm, trà khổ qua rừng, các sản phẩm chế biến từ cá thát lát, trà mãng cầu… đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, cơ sở trà mãng cầu Ánh Nguyệt, cho biết: Sản phẩm trà rất phù hợp để quảng bá trên môi trường thương mại điện tử vì là sản phẩm chế biến, hoàn thiện về quy trình, mẫu mã, bao bì có thể bảo quản tốt sản phẩm bên trong, dễ vận chuyển. Vấn đề còn lại là cách quảng bá tốt trên mạng, hình ảnh, thông tin rõ ràng để thu hút nhiều lượt đặt hàng. Điều này cần sự hỗ trợ nhiều từ địa phương và các ngành để các cơ sở thông thạo, tự quản lý tài khoản bán hàng online và giới thiệu sản phẩm rộng rãi.

Mới là khởi đầu nhưng đây là hướng đi cần thiết để các cơ sở trên địa bàn tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, nâng cao ý thức về chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng như đầu tư đúng mức cho thiết kế, bao bì, lựa chọn loại sản phẩm phù hợp để kinh doanh trên môi trường số đạt hiệu quả.

Bài, ảnh: T.TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>