Bài toán nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở miền Tây

19/05/2023 | 21:41 GMT+7

Trong khuôn khổ của Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023, chiều 19-5 đã diễn ra Hoạt động Xúc tiến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT). Đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề thực tiễn, tiêu chí tuyển dụng nhân sự, nhu cầu liên kết đào tạo và các đề xuất từ doanh nghiệp, giúp các địa phương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực này.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại Hoạt động Xúc tiến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Sinh viên miền Tây đi học CNTT rất nhiều ở thành phố lớn: Tại sao?

Ông Nguyễn Quang Nhơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Vị Thanh, thông tin: Hướng đến có đội ngũ học sinh chuyên về tin học, dự kiến bắt đầu từ năm học 2023 – 2024 trường sẽ tuyển sinh lớp chuyên tin học. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các trường THCS lượng học sinh giỏi tin học không nhiều song song đó, giáo viên của trường cũng chưa có đội ngũ chuyên về tin học trước mắt chỉ có giáo viên toán – tin. Dù chưa có lớp chuyên tin học, nhưng qua theo dõi học sinh của trường tốt nghiệp THPT theo học ở các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh khá nhiều, nhiều em sau khi tốt nghiệp đại học đã khá thành công ở lĩnh vực CNTT.

Là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng khó khăn trong việc đào tạo thêm chỉ tiêu CNTT đang là rào cản lớn của Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang. Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng trường, chia sẻ: Dù có 3 mã ngành đào tạo về CNTT, nhưng để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới khi Khu Công nghệ số tỉnh đi vào hoạt động có thể không đảm bảo. Chỉ tiêu đào tạo hiện tại của trường chỉ có khoảng 150, số lượng tuyển ít như vậy, có thể sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Nhà trường rất mong được quan tâm cấp kinh phí mua thêm thiết bị để trường tăng chỉ tiêu đào tạo để khi Khu Công nghệ số của tỉnh đi vào hoạt động sẽ đảm bảo nhân lực cho các doanh nghiệp.  

Để có nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao đòi hỏi ngay từ còn ngồi trên ghế nhà trường học sinh phải có đam mê với CNTT.

Đánh giá các tỉnh miền Tây có nguồn nhân lực rất lớn nhưng nguồn lực này đang ở đâu?. Qua thực tế cùng doanh nghiệp CNTT đến các trường đại học lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh để tuyển dụng, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA), cho biết:

“Khi HCA đến giao lưu với các trường ở thành phố, chúng tôi đặt câu hỏi bao nhiêu học sinh từ các tỉnh miền Tây lên học tại trường? số lượng học sinh giơ tay khoảng 90% trên tổng số. Qua đây cho thấy, các tỉnh miền Tây có nguồn nhân lực CNTT khá lớn tuy nhiên, tại sao các em lại chọn học ở thành phố?, câu trả lời đơn giản là các em nghĩ học ở đây cơ hội việc làm sẽ cao hơn. Nhưng theo tôi thực tế, cơ hội việc làm của sinh viên tại tỉnh vẫn có, dù không nhiều nhưng vẫn đảm bảo cho các em. Từ thực tế này, chúng tôi thấy các trường trong tỉnh cần tăng cường giải pháp để thu hút học sinh, nếu làm được đều này chúng ta sẽ không chỉ đảm bảo được nguồn nhân lực CNTT, mà việc hướng đến nguồn lực chất lượng cao là đều dễ dàng. Ngành giáo dục là lõi cho sự phát triển".

Chú trọng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại hội thảo đã có nhiều vấn đề được các đại biểu nêu lên cùng thảo luận.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, ông Lâm Quang Vũ, Phó Trưởng khoa CNTT, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Để đào tạo được nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao đòi hỏi phải có đội ngũ giảng viên chất lượng, đầu vào của sinh viên phải tốt. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tôi, các trường cần có những chương trình đào tạo tiên tiến, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hợp tác với bên ngoài, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp… Mặt khác, chúng ta phải tạo được môi trường học tập thoải mái và hiện đại, làm được đều này đòi hỏi cần đầu tư cơ sở vật chất trong đó, với môn học CNTT phải có phòng máy cấu hình cao, hạ tầng thông tin hiện đại…”.

Trong thực tiễn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng CNTT chất lượng cao, theo ông Vũ sẽ là cơ hội lẫn thách thức. Cơ hội là có thể vươn tầm ra thế giới; thu hút nhiều cơ hội, dự án đầu tư của Chính phủ; tiếp cận được các đối tác tốt trên thế giới. Riêng sẽ có nhiều thách thức về chương trình đào tạo phải luôn cập nhật; thu hút được sinh viên đầu vào chất lượng cao; giữ chân đội ngũ giảng viên chất lượng cao.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin: Tỉnh đã ra Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo vệ thành công đề Đề án Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang gia nhập vào Chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung. Vì vậy, ngoài thu hút nguồn nhân lực đáp ứng cho Khu Công nghệ số tỉnh, hiện nay với công cuộc chạy đua về chuyển đổi số nên Tuần lễ chuyển đổi số có ý nghĩa rất lớn.

Qua hoạt động này, cho thấy được tỉnh đang ở đâu và chúng ta cần làm gì tới đây, từ các trường đến Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành của tỉnh nên đề xuất, đề ra giải pháp gì?. 

Bà Hồ Thu Ánh nhấn mạnh: Quan điểm của tỉnh là không đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực, chỉ riêng lĩnh vực y tế đặc thù do thiếu nguồn lực khá lớn. Thay vào đó, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực. Trong đó, ở lĩnh vực công hiện đang áp dụng chính sách thu hút; ở lĩnh vực tư khi tỉnh thành lập Khu Công nghệ số, các doanh nghiệp vào đầu tư sẽ có chính sách phù hợp.

Trước mắt, để đảm bảo kiến thức cho giáo viên, mong muốn HCA hỗ trợ hàng năm cho Hậu Giang mời chuyên gia, giảng viên về CNTT để tập huấn, đào tạo cho giáo viên CNTT của tỉnh. Hoạt động Xúc tiến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT lần này là bước khởi đầu đề nghị các trường, đơn vị tham gia hội thảo có phương pháp giảng dạy làm sao cho học sinh đam mê thích học CNTT nếu làm được điều này sẽ góp phần giúp tỉnh có nguồn lực CNTT trong thời gian tới…

MỸ XUYÊN ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>